Nghệ nhân hoa đất.

(Hiếu học). “Ước mơ của tôi là sẽ thực hiện nhiều mẫu hoa mới với kiểu dáng lạ, đẹp. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ dạy nghề để giúp bà con lao động trên địa bàn có công ăn việc làm ổn định”. Một số bạn trẻ đã tìm đến lớp học nghề làm hoa đất nhằm chuẩn bị nghiêm túc một nghề nghiệp sau này cho mình chứ không hẳn đơn thuần để thỏa mãn niềm vui thích riêng.

Cách đây không lâu, có dịp đến thăm một chị bạn, thấy trên bàn làm việc của chị có những bình hoa sen xinh xắn, tôi săm soi và khen đẹp, chị bạn cười: “Hoa đất đấy”. Tôi thật sự bất ngờ vì trông những cánh hoa cứ như thật. Chị bạn cho biết thêm: “Đây là tác phẩm của cô Nguyễn Thị Tươi, trước đây là giáo viên của Trường Trung cấp nghề Hùng Vương”.

Theo đuổi niềm đam mê

Tôi tìm đến cơ sở hoa đất Nguyên Thảo (21A Nhất Chi Mai, Q. Tân Bình – TPHCM) của cô Nguyễn Thị Tươi. Khi tôi đến, cô đang ép những thỏi đất đủ màu sắc thành những miếng mỏng. Khi đất đã được ép phẳng phiu, cô dùng khuôn ép nhẹ lên bề mặt. Những cánh hoa sao nhái hiện ra.

Cô nhẹ nhàng gỡ để lên mặt bàn. Rồi đôi tay cô uốn lượn trên từng cánh hoa, lướt theo đường cong của đất. Chờ cho những cánh hoa khô, cô ghép chúng lại với nhau bằng một loại keo đặc biệt. Cuối cùng, cô dùng chiếc cọ nhỏ vẽ màu lên từng cánh hoa. Dưới tay cô, những thỏi đất mềm mại chẳng mấy chốc đã biến thành các cánh hoa đủ màu sắc.

Bằng niềm đam mê và lao động sáng tạo, cô giáo Nguyễn Thị Tươi đã có hàng ngàn tác phẩm của gần 100 mẫu hoa các loài. (Cô Nguyễn Thị Tươi đang tô màu cho hoa đất).

Trước khi đến với nghề làm hoa đất, cô Nguyễn Thị Tươi là giáo viên dạy vẽ áo dài. Từ nhỏ, cô rất mê thủ công mỹ nghệ, đến nỗi khi đi đâu, thấy ai thêu, đan hay vẽ là cô chăm chú quan sát, sau đó về nhà thực hiện lại những gì đã học lóm.

Niềm đam mê ấy cũng đã đưa cô đến với nghề làm hoa đất. “Năm 2004, khi xem tivi, thấy giới thiệu nghề làm hoa đất, tôi đâm mê mẩn những cánh hoa và đăng ký học nghề tại một cơ sở trên đường Lê Văn Sỹ”. Ngày đi làm, tối đến cô đi học nghề. Đêm về, cô lại tỉ mẩn làm hoa đến tận 2-3 giờ hôm sau…

Kiên trì với nghề

Chỉ sau 6 tháng học nghề, cô đã nắm vững kiến thức làm hoa đất. “Nhưng bấy giờ, tôi chỉ học được những mẫu đơn giản. Muốn làm ra hoa đẹp, phải tự học hỏi để nâng cao tay nghề”. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, buổi tối, cô miệt mài làm hoa. Những cánh hoa lan, mai, sứ, sao nhái, tulip, hồng… được hình thành từ niềm đam mê ấy.

Ý tưởng làm hoa sen đến với cô trong một lần cô em ngoài Bắc vào thăm mang theo những bông hoa sen làm quà tặng. “Chưa bao giờ tôi ngắm những đóa hoa sen mà thấy chúng đẹp lạ lùng như vậy. Tôi chợt nghĩ, sao mình không thử làm loài hoa này từ đất sét?”. Để hiện thực hóa ý tưởng ấy, cô đã mất hơn 2 năm. Những bình hoa sen cũ tàn, lại có những bình sen mới thay vào để làm mẫu. “Sau hơn… vài trăm lần thực hiện, tôi mới phát hiện, muốn sen đẹp phải làm sao cho phần cánh hoa vừa mềm mại vừa có độ cong tự nhiên”- cô Tươi chia sẻ. Sau thời gian dài miệt mài đeo đuổi, cô đã thành công khi tung ra thị trường sản phẩm hoa sen mà trước đó hầu như chưa có ai thực hiện được.

Tiếng lành đồn xa

Cô Nguyễn Thị Tươi nói: “Ước mơ của tôi là sẽ thực hiện nhiều mẫu hoa mới với kiểu dáng lạ, đẹp. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ dạy nghề để giúp bà con lao động trên địa bàn có công ăn việc làm ổn định”.

Cô Tươi cho biết mỗi loài hoa có cánh uốn lượn khác nhau. Muốn hoa đẹp thì khi tạo dáng, cánh hoa phải thể hiện đường nét uyển chuyển, mềm mại. Bên cạnh đó, màu sắc và bố cục cũng quyết định vẻ đẹp của hoa. Hơn 6 năm theo đuổi niềm đam mê làm hoa, cô đã có hàng ngàn tác phẩm khác nhau với gần 100 mẫu hoa các loài.

Mỗi khi thực hiện một tác phẩm, cô đều ghi lại chi tiết số hoa, lá, cành trong quyển sổ lớn để dễ dàng theo dõi khi thay đổi sản phẩm sau này. Thậm chí, mỗi khi làm sản phẩm mới, cô đều đến tận nơi trồng hoa quan sát thật kỹ những cánh hoa thật để tác phẩm được sinh động và chân thật.

Hiện nay, sản phẩm hoa đất của cô Tươi không chỉ đáp ứng nhu cầu tại TPHCM mà còn được khách hàng ở Vũng Tàu, Bình Thuận, Hà Nội…ưa chuộng. Cô kể: “Tết vừa rồi, khi hoàn tất hợp đồng cung cấp 600 chậu lan cho một doanh nghiệp, cơ sở không còn hàng để bán lẻ. Nhiều khách hàng năn nỉ tôi để lại những chậu hoa được dành để trang trí trong nhà. Trước thịnh tình ấy, tôi đành phải vui vẻ nhường lại”.

Theo: Nghệ nhân hoa đất. (Huỳnh Nga/NLDO)

Bài liên quan

Học làm hoa đất.

(Hiếu học). Chỉ cần 1 cây lăn, đất, màu trắng và chút ít vàng cộng thêm một cây cọ thế là chúng ta sẽ có những bông sứ trắng thật xinh đẹp.

Công nghệ chế tạo giấy từ bèo tây.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Ý định chế tạo giấy từ bèo tây đeo đuổi cho đến khi là sinh viên Bộ môn Giấy và Bột giấy, khoa Lâm nghiệp, trường Đại học Nông Lâm. Đến nay, công nghệ chế tạo giấy từ thân lục bình (bèo tây) đang được Chợ Công nghệ và Thiết bị TP.HCM Tech Mart giới thiệu chuyển giao   

Nghề Mỹ nghệ kim hoàn.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Hiện TP.HCM có khoảng 5.000 doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh vàng bạc; với số doanh nghiệp như trên, hằng năm sẽ cần từ 5.000 - 10.000 lao động. Tuy nhiên, tại TP chỉ có một đơn vị chuyên đào tạo nhân lực cho ngành kim hoàn là Trung tâm dạy nghề Mỹ nghệ kim hoàn (trực thuộc Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP.HCM).

Tiềm năng ngành nghề có đủ cho mọi bậc học.

(Hiếu học). Nhiều chuyên gia tư vấn khuyên thí sinh nên chọn ngành học được đào tạo rộng để có nhiều cơ hội kiếm việc làm. Bên cạnh đó, thực tế thị trường lao động đang góp phần tạo nên một xu hướng chọn ngành cho thí sinh trong suốt những năm gần đây.

Cùng chuyên mục