Gần đây, nhiều bộ phim hoạt hình Hollywood trước khi chiếu ở Việt Nam đã được lồng tiếng Việt cho các nhân vật trong phim. Điều này đã đem lại cảm xúc mới cho khán giả, nhưng nó có là cơ hội cho nghề lồng tiếng phim đang trong giai đoạn thoái trào?
Chỉ được xem là “chữa cháy” hậu kỳ
Nhìn vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam hôm nay, đặc biệt là phim truyền hình, người ta dễ có cảm giác nghề lồng tiếng đang đến hồi thịnh vượng, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, thậm chí không ít hãng phim mới ra đời vẫn coi đây là một trong những chuyện hậu kỳ mang tính “chữa cháy”, sửa sai cho việc thu tiếng trực tiếp ở hiện trường quay, nên bị xếp một ngân sách thấp nhất có thể. Có nhà sản xuất còn chưa phân biệt được thủ thuật chuyển âm và lồng tiếng trong nghề này. Đã có nhà sản xuất đẩy diễn viên lồng tiếng vào tình trạng dở khóc dở cười khi lấy các bộ phim võ thuật Hong Kong ra để yêu cầu làm sao cho giống!
“Làm nghề, tụi em kỵ nhất là bắt chước – Thái Văn Quốc Uy, một trong những diễn viên lồng tiếng trẻ đang trở nên quen thuộc trong giới lồng tiếng phim Việt Nam từ hai năm nay, kể – Nhiều khi tụi em phải bỏ thời gian tìm hiểu nhân vật không khác gì diễn viên diễn trước ống kính, nhập tâm rồi mới tạo được tính cách nhân vật cho nhiều tình huống”.
Một tương lai mịt mùng
Sẽ còn lâu lắm, nền điện ảnh Việt Nam mới có chuyện mời những diễn viên có tiếng nói độc đáo vào vai âm thanh cho nhân vật như trong các bộ phim Shrek hay Up. “Chưa bao giờ các giải thưởng điện ảnh của Nhà nước lại có mục dành cho vai trò lồng tiếng – nghệ sĩ Phước Trang, một trong những người làm nghề và đào tạo nhiều lớp diễn viên lồng tiếng của Việt Nam trong hơn 30 năm nay, nói – Đôi khi thấy bộ phim thành công, thì chúng tôi chỉ có cách âm thầm chúc mừng nhau và động viên cho một phim mới sắp đến”. Và vì bộ môn lồng tiếng còn bị xem nhẹ, nên với một rừng phim xuất hiện trên truyền hình, ở rạp chiếu từng ngày, giới chuyên nghiệp, vốn ít ỏi và co cụm, chỉ còn biết xốn xang trước những lỗi phát âm, lỗi kỹ thuật của nghề…
Nghề của những người biết im lặng
Nhiều năm nay, rất nhiều lớp đào tạo diễn viên ở nhà văn hoá Tân Sơn Nhất hay nhà văn hoá Thanh Niên (TP.HCM)… cho đến các nhóm đào tạo riêng của các nghệ sĩ lồng tiếng như Mộng Vân, Xuân Tâm, Phước Trang… đã trải qua không ít sàng lọc… để rồi chỉ tìm thấy 5 – 20% những người có tố chất tốt nhất cho nghề.
Trong bộ phim Tây Sơn hào kiệt, khi được mời đến lồng tiếng cho tướng xâm lược Sầm Nghi Đống, nghệ sĩ Phước Trang đã thuyết phục nhà sản xuất Lý Huỳnh không để nhân vật nói tiếng Việt lơ lớ như trong kịch bản, mà phải mời một người nói tiếng Quảng ở Chợ Lớn lồng vào, sau đó cho phụ đề Việt ngữ trên màn ảnh. Ông nói: “Nghệ thuật lồng tiếng là vậy đó, đôi khi phải biết im lặng hoặc từ chối để không gian nghệ thuật rộng hơn”.
* Bộ phim lồng tiếng mới nhất là “Xì trum” với sự tham gia của NSƯT Thành Lộc, Mỹ Duyên sẽ công chiếu toàn quốc ngày 5.8. Nghệ sĩ Thành Lộc đảm nhận lồng tiếng hai vai thiện và ác, thể hiện được khả năng đổi giọng tài tình của anh, biến hoá từ một tên phù thuỷ độc ác, gian xảo Gà Mên bỗng chốc thành một Tí Vụng Về ngờ nghệch, hậu đậu mà đáng yêu. (Ảnh DT-GiaoducEduvn).
–(Theo: SGTT.VN).
* Thành lập Học viện Phát thanh – Truyền hình Việt Nam
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa có ý kiến chỉ đạo về việc phê duyệt chủ trương thành lập Học viện Phát thanh – Truyền hình Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, về chủ trương thành lập Học viện Phát thanh – Truyền hình Việt Nam theo hướng chỉ thành lập một Học viện đào tạo nhân lực cho cả hai Đài (Truyền hình Việt Nam – VTV và Tiếng nói Việt Nam – VOV) và hệ thống phát thanh, truyền hình trong cả nước.
Phó Thủ tướng lưu ý, lãnh đạo hai Đài có thể cử đại diện tham gia Hội đồng Học viện để bảo đảm sự phát triển của Học viện đáp ứng nhu cầu của cả hai Đài…; lãnh đạo hai cơ quan sớm trao đổi, thống nhất về chủ trương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2011.
Phó Thủ tướng đề nghị VOV và VTV cần bàn thêm với các cơ quan chức năng để tìm phương án tối ưu trong việc xây dựng và thành lập Học viện Phát thanh và Truyền hình, theo tinh thần không chồng lấn và không gây lãng phí nguồn lực đầu tư. –Theo (Chinhphu.vn)