Nghề Lãnh Đạo, Có Ở Trong Ngành Quản Trị Kinh Doanh?

Hỏi: Em rất thích làm lớp trưởng và trưởng nhóm trong tất cả buổi thuyết trình. Bạn bè đều nể vì em làm rất tốt và lại có uy tín. Như vậy, chứng tỏ em có năng khiếu chỉ huy phải không? Bởi thế, em muốn học một nghề nào đó để ra trường em trở thành nhà lãnh đạo tài ba. Suy nghĩ và ước muốn của em có quá lệch lạc không? Để làm chỉ huy tốt, cần hội đủ những yếu tố nào? Quản trị kinh doanh có phải là một nghề chỉ huy, làm giám đốc và lãnh đạo doanh nghiệp hay không?

Trả lời: Mục tiêu đào tạo của ngành quản trị kinh doanh không phải là để làm chỉ huy. Nếu học ngành đó, bạn sẽ được trang bị nhiều kiến thức về lĩnh vực kinh tế, kiến thức doanh nghiệp, có kỹ năng kinh doanh. Trong số các môn học, bạn sẽ được trang bị nhận thức về quản trị và tâm lý học quản lý nhưng không chuyên sâu vào vai trò lãnh đạo, chỉ huy mà bạn đề cập

Quản lý, lãnh đạo là một cương vị tối ưu trong công việc, chứ không phải là một nghề. Nghề nào cũng có cương vị từ thấp lên cao sắp xếp theo từng cấp bậc của tổ chức. Muốn thế, bạn phải làm việc bắt đầu từ cái thấp, dần dần, bạn sẽ có được cương vị lãnh đạo trong tay mà bạn hằng mơ ước. Ví dụ như: Tổ trưởng, đội trưởng, giám đốc, tổng giám đốc, chủ tich tập đoàn và những chức vụ hay cương vị lãnh đạo được cấp trên bổ dụng hay được tập thể bầu ra, căn cứ vào năng lực, phẩm chất của đương sự.

Thông thường, không một ai, khi mới ra hành nghề đã đứng trên cương vị lãnh đạo được. Đó là một quá trình trưởng thành, khẳng định từng bước thông qua tiến bộ hoạt động thực tiễn của con người đó. Bạn có khiếu chỉ huy, chỉ đúng một phần, cái cốt lõi là bạn phải biết rèn luyện năng lực bản than mình để trở thành người chỉ huy tốt. Bạn có thể tham khảo 7 phẩm chất và năng lực đúc kết sau đây:

1. Biết cảm hóa tốt và kích thích được cấp dưới làm việc theo phương châm “cống hiến nặng hơn mưu sinh, lấy công ích làm trọng”

2. Biết tổ chức công việc, tổ chức nhân sự, tổ chức thực hiện và kiểm tra trong phạm vi quản lý, với ý thức cao về trách nhiệm cá nhân.

3. Biết tập hợp được trí tuệ, năng lực và tâm huyết của toàn thể cấp dưới theo tinh thần “đồng cam cộng khổ để vượt lên thử thách”.

4. Biết tự rèn luyện, tự đào tạo, tự bồi dưỡng với ý thức “thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi” để đổi mới tư duy, cải thiện công việc, nâng cao năng lực và phẩm chất.

5. Biết lắng nghe để thấu hiểu, biết thông cảm để sẻ chia với những tâm tư, tình cảm, nhận thức và nguyện vọng chính đáng của mỗi thành viên cấp dưới.

6. Biết bao quát công việc, bao quát quy trình, bao quát nhân sự với ý thức “trông cây lại nhớ đến rừng, trông rừng lại nghĩ đến cây”.

7. Biết tự chế cảm xúc, trấn tĩnh trước mọi sự kích động. Không lạm dụng chức quyền trong xử lý vụ việc. Biết hạn chế tối đa quyền lực hành chính và tăng cường tối đa uy lực gương mẫu

Nếu bạn tham khảo 7 yếu tố trên và tự nâng cấp mình thì sẽ nâng cao thành năng lực chỉ huy. Nghề nghiệp nào cũng có những yêu cầu về việc cân nhắc nhân sự trong các cương vị chỉ huy với mục đích phục vụ và cống hiến. Do đó, bằng hết khả năng lãnh đạo của mình, bạn nên thuyết phục nhân viên cấp dưới của mình hãy phục vụ và cống hiến. Tuy nhiên, không đơn giản muốn là được, vấn đề là phải biết cách thực hiện ý muốn của mình.

Trước khi muốn lãnh đạo, bạn cần phải phấn đấu theo 7 yêu cầu kể trên. Tiếp theo, bạn phải học cách làm người dưới quyền. Bạn không nên vội vã, hấp tấp, thích lãnh đạo người này, người kia. Bạn phải học làm lính, trước khi học làm quan. Có như thế, bạn mới biết cách làm cho cấp dưới phục tùng và tuân theo mình. Một nhà lãnh đạo giỏi, phải biết thành thạo nghề nghiệp mới hy vọng tiến dần theo từng nấc thang vững chắc, và đó cũng chính là quy trình căn bản nhất.

Tóm lại, mọi vấn đề xung quanh ý muốn chỉ huy và cách thực hiện ý muốn đó là một thái độ khiêm nhường, không được coi mình là tất cả, là trên hết, dù bạn đang ở cương vị cao nhất. Tôi mong với những lời khuyên chân thành, bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo trẻ, biết cách chỉ huy và thuyết phục cấp dưới một cách hoàn hảo nhất.

Cùng chuyên mục