Cứ vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch là người dân một số huyện Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ… (Hưng Yên) bước vào vụ thu hoạch nhãn, chuẩn bị cho việc chế biến long nhãn, một loại đặc sản nổi tiếng.
Nhãn dùng làm long chủ yếu là nhãn lồng, nhãn đường phèn… có cùi dày, thơm, ngọt, và chỉ có ở đất Hưng Yên mới có thể trồng được những loại nhãn này. Các hộ làm nghề lớn thường mua “vo” cả cây từ khi quả còn xanh, đến khi chín thì thu hoạch đồng loạt.
Nghề chế biến long nhãn cũng là một nghề nổi tiếng có từ lâu đời ở Hưng Yên. Cứ đến mùa, người già và trẻ em khắp xóm lại tranh thủ đi xoáy long kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi ngày, một người có thể xoáy được 30-50kg.
Dụng cụ dùng để tách cùi nhãn được gọi là “xoáy”, xoáy nhọn như ngòi bút máy. Vì thế công việc này cũng đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận. Nếu không rất dễ bị xoáy trượt vào tay chảy máu.
Với mỗi cân nhãn tươi, người xoáy long kiếm được 3-5 nghìn đồng. Nhờ thế, nghề này đem lại thu nhập không nhỏ cho người dân nơi đây.
Nhãn xoáy xong được xếp lên phên và cho vào lò sấy khô. Trước đây, người Hưng Yên thường phơi nắng, nhưng việc phơi nắng không đảm bảo vệ sinh, hơn nữa long cũng không được vàng đều và nhanh bằng sấy lò.
Lò sấy đảm bảo độ đồng đều của sản phẩm. Long nhãn được sấy trong lò than chừng 15 giờ, khi có màu vàng ươm, cùi se, có mùi thơm nức là đạt yêu cầu. Sau khi sấy xong, long nhãn được đóng gói lại và đem xuất khẩu.
Trong những món ngon chế biến từ long nhãn thì chè hạt sen long nhãn là món đặc sản gia truyền của người dân Hưng Yên trước kia được chọn để tiến vua. Ngoài ra, long nhãn còn được dùng để nấu chè đậu xanh, táo đỏ hay dùng để ngâm rượu..
Những người dân ở làng nhãn Hưng yên này đều đầu quân cho những lò nhãn để học nghề sau này khi đã rành rọt việc chế biến họ có thể mở những lò riêng. Nghề này dường như đang trở thành một nghề với thu nhập tương đối khá. Là một nghề đặc biệt và thích hợp với thanh niên những vùng nông thôn.
Nguồn: tin nhanh VN