Để làm công việc kế toán một cách bền vững, bạn trẻ cần có những tố chất như kiên trì, chịu khó, ham học hỏi và đặc biệt là cẩn thận…
Chị Phạm Thị Ngọc Phúc, nhân viên kế toán tổng hợp Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Thiên Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ về công việc chị đang gắn bó: “Để làm công việc kế toán một cách bền vững, bạn trẻ cần có những tố chất như kiên trì, chịu khó, ham học hỏi và đặc biệt là cẩn thận…”
Công ty này chuyên thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy và lắp đặt các thiết bị điện, điện lạnh. Ngoài chị Phúc (đảm nhiệm công việc kế toán tổng hợp cho Công ty), còn có kế toán ở bộ phận công trường, một kế toán vật tư tại văn phòng và một kế toán trưởng.
Hằng ngày, như những nhân viên khác, chị Phúc có mặt tại công ty lúc 8g. Bắt đầu ngày làm việc, chị dành 15 phút để cập nhật tin tức, văn bản mới (nếu có) từ trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP.HCM. “Cuối tháng nên hóa đơn, chứng từ dồn dập gởi về từ những nhà cung cấp vật tư, cung cấp dịch vụ cho công ty; phiếu đề nghị thanh toán từ bộ phận kỹ thuật, bộ phận kinh doanh, phiếu đề nghị cung cấp vật tư từ công trường…mà mình phải giải quyết” – chị Phúc nói trước khi bắt đầu công việc.
Đầu tiên, căn cứ vào danh sách đề xuất vật tư từ những bộ phận ở công trường gửi về, chị Phúc tiến hành phân nhóm để lập phiếu đề nghị cung cấp vật tư tương ứng cho từng đối tượng nhà cung cấp. Việc phân nhóm này ưu tiên tiêu chí về giá cả, thời hạn thanh toán để quyết định chọn nhà cung cấp nhằm giảm chi phí từ 2-3%.
Sau đó, kế toán vật tư sẽ fax phiếu đề nghị cung cấp vật tư đến từng nhà cung cấp và tiến hành giao hàng đến công trường. Khi nhận được hàng và ký xác nhận vào chứng từ giao nhận liên quan, bộ phận công trường sẽ gửi về văn phòng công ty để kế toán ghi nhận nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
Ngoài ra, căn cứ vào hóa đơn, biên bản bàn giao vật tư từ các nhà cung cấp chuyển sang, kế toán vật tư sẽ kiểm tra, đối chiếu giữa khối lượng trên chứng từ và khối lượng thực nhận. Sau đó tiến hành nhập kho để theo dõi, quản lý. Thêm vào đó, chị Phúc cũng thực hiện đối chiếu công nợ với khách hàng, nhà cung cấp, theo dõi công nợ tạm ứng của nhân viên công ty, giám sát tiến độ thi công nhằm lên kế hoạch, đốc thúc hồ sơ nghiệm thu, thanh toán theo từng đợt tạm ứng, lập báo cáo thuế định kỳ, lập bảng dự toán thu – chi trong tháng tới… để trình kế toán trưởng, ban giám đốc.
Chia sẻ với bạn trẻ về những áp lực trong nghề, chị Phúc bộc bạch: “Nói đến kế toán là ghi chép. Tuy nhiên, kế toán không đơn thuần chỉ là ghi chép lại tình hình kinh tế – tài chính của doanh nghiệp bằng những công cụ có sẵn mà đòi hỏi sự nhạy bén để giải quyết các tình huống phát sinh. Chẳng hạn như với công nhân, nhân viên nội bộ phải cực kỳ lưu ý khi phát sinh các giao dịch liên quan đến tiền, mà đụng đến tiền rất dễ mất tình cảm.
Đã có trường hợp kế toán bị công nhân, nhân viên tư thù vì kế toán đã phát hiện các gian lận chứng từ, ăn bớt vật tư… Nhưng áp lực nhất vẫn là sự “xung đột” giữa kế toán với ban giám đốc, xung đột với chính mình giữa một bên là lợi ích công ty và bên kia là nguyên tắc kế toán…”.
Theo chị Phúc, để làm công việc kế toán một cách bền vững, bạn trẻ cần có những tố chất như kiên trì, chịu khó, ham học hỏi và đặc biệt là cẩn thận. “Tính hời hợt không có chỗ trong kế toán và phải thật chú tâm mới làm tốt được. Một đức tính nữa rất cần thiết trong kế toán là phải trung thực, tinh thần trách nhiệm cao. Bạn cần phải yêu nghề, thật sự đam mê và yêu thích công việc. Học khóa kế toán với tôi, những người đang thật sự đảm nhận công tác kế toán không quá 35%. Nhiều bạn đạt bằng loại khá, giỏi nhưng sau một thời gian làm việc vì nhiều lý do khác nhau nên một số đã chuyển ngành hoặc không còn đủ đam mê với công việc mà mình đã chọn” – chị Phúc chia sẻ.
* Kế toán dịch vụ sẽ phát triển
PGS.TS Đặng Thái Hùng – vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) – dự báo trong năm năm tới, nhu cầu nhân lực kế toán sẽ tăng vì kinh tế phát triển, số lượng doanh nghiệp thành lập nhiều.
Ông Hùng phân tích: “Sắp tới nghề kế toán sẽ phân nhánh khá đa dạng. Cụ thể như nhiều công ty dịch vụ kế toán ra đời, phát triển theo hướng cung cấp dịch vụ kế toán chứ kế toán không thuộc biên chế của cơ quan, doanh nghiệp nữa. Do đó, tính linh hoạt trong nghề kế toán sẽ tăng lên và một nhân viên có thể làm cho nhiều đơn vị khác nhau và hưởng phí chứ không hưởng lương”.
Cũng theo ông Hùng, hiện cả nước có khoảng 2.000 người hành nghề kế toán dịch vụ và dự đoán đến năm 2015 con số này sẽ tăng gấp đôi và tăng gấp ba đến năm 2020. Trong khi đó, số người làm nghề kế toán tại các cơ quan, doanh nghiệp hiện trên 500.000 người và sẽ tăng thêm 20-30% trong thời gian từ 5-10 năm tới. (Theo: Áo Trắng/TTO)