Nhiều giảng viên trẻ quyết tâm theo đuổi nghề giáo đến cùng dù vẫn còn đó những khoảng lặng ưu phiền…
Được sống như mong muốn
Tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm 2000, Huỳnh Phước Nghĩa không thể ở lại trường bởi bằng tốt nghiệp của anh không phải loại xuất sắc. Lăn lộn với nhiều nghề, hết bán quần áo cũ, tập sách đến đồ điện tử để kiếm sống và có tiền học thêm tiếng Anh, Nghĩa nuôi hy vọng một ngày quay trở lại trường. Từ năm 2002 đến 2009, anh đầu quân cho Vietnam Marcom – trung tâm đào tạo nhân lực cao về marketing – và khá thành công khi được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành. Trong thời gian đó, Nghĩa cũng hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh của một trường ĐH nước ngoài.
Dù đang hưởng mức lương rất cao cùng những lời mời gọi hấp dẫn từ nhiều công ty khác nhưng giữa năm 2009, Nghĩa quyết định từ bỏ để thi tuyển làm giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM. “Tôi đã quyết tâm chọn nghề giáo từ khi còn là sinh viên. Do vậy, trong suốt gần 10 năm làm công việc khác, mục đích của tôi vẫn là tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để thực hiện ước mơ của mình” – anh thổ lộ. Ngoài việc giảng dạy, Nghĩa còn là phó bí thư Đoàn trường, tham gia nhiều hoạt động giúp đỡ sinh viên và hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu cấp trường.
Nghĩa cho rằng nghề giáo là một nghề cao đẹp bởi làm nghề này, anh có được cuộc sống như mong muốn. Đó là được sống với khoa học trong khát khao cống hiến về trí tuệ, được sự trân trọng của xã hội. Niềm vui của người thầy là sinh viên khi ra trường vẫn giữ mối liên lạc, vẫn chia sẻ kiến thức với giáo viên. “Đỉnh cao của nghề giáo chính là thầy và trò được học tập lẫn nhau” – Nghĩa nhìn nhận.
Nghĩa vẫn nhớ tháng lương nghề giáo đầu tiên, khoảng 5 triệu đồng. Dù đã biết trước nhưng anh không khỏi hụt hẫng. Nghĩa cho rằng đó chính là nghịch lý của nghề giáo bởi mức lương của người thầy lại thua học trò mới ra trường, dù trình độ cao hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, số giờ nghỉ ít hơn… Để không bị “quẫn” trong chuyện cơm áo, ngoài giờ lên lớp, nghiên cứu, Nghĩa làm chuyên gia tư vấn cho một công ty, ăn lương theo giờ. “Trong điều kiện hiện nay, mỗi giáo viên phải tự tìm giải pháp cho mình, nếu căng thẳng về lợi ích quá thì khó lòng theo được nghề giáo. Chọn nghề giáo là chọn cách sống đẹp chứ không phải sống cho đủ” – anh tâm sự.
Dẫu vậy, đôi lúc thầy giáo trẻ này không tránh khỏi ưu tư bởi theo anh, môi trường sư phạm hiện nay chưa có điều kiện tốt để giảng viên phát huy và vận dụng hết khả năng khi nguồn tài liệu, giáo trình, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất… còn nhiều hạn chế. Giảng viên muốn nâng cao năng lực phải tự bỏ tiền túi ra mua sách, trả tiền truy cập tài liệu trên mạng, muốn dự hội thảo quốc tế cũng khó bởi không có chi phí. Bên cạnh đó, nếu đi làm thêm kiếm nguồn thu để nuôi dưỡng đam mê với nghề thì nhiều khả năng sẽ lơ là trong việc cập nhật khoa học, tính chính danh của người thầy bị ảnh hưởng…
Ngoài ra, đôi lúc Nghĩa không khỏi chán nản khi học trò lười nghiên cứu, học để “làm sao vượt qua ông thầy này” chứ không phải vì kiến thức. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề giáo, Nghĩa đã vượt qua được những khoảng lặng buồn này. Anh khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ nghề giáo, đồng thời mong muốn được cống hiến nhiều hơn, mong đội ngũ người thầy cùng vượt qua những khó khăn, cản trở của nghề hiện nay.
Nhận được nhiều thứ giá trị
Với Bùi Phan Anh Thư, nghề giáo có rất nhiều niềm vui. Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM năm 2002, Bùi Phan Anh Thư đã có gần 2 năm làm chuyên viên tại một công ty sản xuất giày dép của Hàn Quốc đóng tại Biên Hòa – Đồng Nai với mức lương được xem là mơ ước của nhiều sinh viên mới ra trường lúc đó.
Thế nhưng, với cô gái sinh năm 1980 này, nếu làm một công việc chỉ để kiếm nhiều tiền, trong lúc thời gian riêng của mình hầu như bị kiểm soát hết thì cuộc sống không còn nhiều ý nghĩa. Anh Thư quyết tâm phải trở lại với nghề giáo và đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Cô đã tự tìm kiếm học bổng và học thạc sĩ tại một trường ĐH lớn tại Hàn Quốc, sau đó tiếp tục học lên tiến sĩ. Đến cuối năm 2007, Anh Thư hoàn thành chương trình học và trở về Việt Nam.
Tháng 3-2008, Anh Thư được mời về Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng giữ chức vụ trưởng ngành Hàn Quốc học. Cô tâm sự: “Chưa bao giờ tôi nghĩ mình không thể sống tốt được và không thể giữ đam mê với nghề khi hằng ngày mình đã và đang tích lũy kiến thức. Đối với tôi hiện nay, trong lĩnh vực hoạt động giáo dục – học thuật, tôi nhận được nhiều thứ giá trị hơn cả một nghề nghiệp lương cao ở nơi khác”.
Anh Thư cho rằng nghề giáo có rất nhiều niềm vui, nhất là sau khi cật lực giảng dạy và hướng nghiệp cho sinh viên, cô nhận ra nhiều học trò đã thấy được bản thân họ cũng sẽ có thể sống tốt bằng chính năng lực và sự chính trực của mình. Nghề giáo còn giúp Anh Thư làm chủ được các kế hoạch của mình, có nhiều cơ hội tham gia những công việc mà cô ưa thích.
Theo giảng viên trẻ này, nghề giáo không phải là nghề nhàm chán mà ngược lại, nó khiến cho cô luôn có cảm giác mình không bao giờ dừng lại, bởi một chương trình đào tạo phải được điều chỉnh liên tục và người giảng viên cũng cần phải học tập, nghiên cứu không ngừng…
Trong công việc, dù đôi lúc cảm thấy chán nản trước những khó khăn của ngành giáo dục hiện nay nhưng Anh Thư vẫn cho rằng đó là những khó khăn chung mà mỗi người thầy phải tự tìm cách vượt qua. Để có thêm nguồn thu, Anh Thư tham gia các dự án liên quan đến giáo dục, văn hóa giữa hai nước Việt – Hàn; tham gia tư vấn, biên tập các chương trình liên quan đến Hàn Quốc cho báo, đài. Cô còn tham gia tổ chức các hội thảo học thuật Việt – Hàn để tạo nhiều cơ hội trao đổi học thuật cho các học giả hai nước.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ rời khỏi ngành giáo dục và môi trường nghiên cứu học thuật mà mình đã chọn. Có nhiều động lực nhưng điều tôi muốn gửi gắm là các bạn trẻ cần hiểu rằng tiền không bao giờ quan trọng số một. Bằng thực lực và lòng trung thực, mình hoàn toàn có thể tạo ra nhiều thứ không thể có được chỉ bằng tiền và vẫn giúp mình sống tốt” – giảng viên trẻ này tin tưởng.
Học tập, nghiên cứu suốt đời
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM năm 1998, chàng trai Đồng Tháp sinh năm 1975 Nguyễn Văn Long Giang được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Cơ khí động lực và học tiếp cao học. Sau đó, anh được cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn tại Đức. Về nước năm 2004, anh giữ chức Phó trưởng Khoa Cơ khí động lực và từ 2009 đến nay là Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.
Hơn 10 năm gắn bó với giảng đường, thạc sĩ Nguyễn Văn Long Giang đã chủ trì hơn 10 đề tài nghiên cứu cấp trường, 1 cấp TP, 5 cấp bộ… Giang cho rằng làm giảng viên là sự lựa chọn đúng bởi có nhiều cơ hội tiếp tục học nâng cao trình độ. Anh còn nhớ như in tháng lương đầu tiên lãnh được tại trường năm 1998 là 468.000 đồng.
“Tôi biết rằng đi dạy sẽ rất khó khăn về kinh tế nhưng cũng phải chấp nhận để đạt được mục đích của mình” – anh bộc bạch. Theo Giang, ĐH là một môi trường tốt để có thể rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp sư phạm, chuyên môn và khi là giảng viên thì phải học tập và nghiên cứu suốt đời.
Theo: (NLDO)