Khi bị dư luận ném đá, chỉ có những kẻ nghiệp dư với tính nghệ sĩ cao mới tự ái vặt quá đà. Chứ ngày nay, khi đã bước chân vào nghề “ngồi ghế nóng” thì không có chỗ cho sự sĩ diện.
Được mời làm giám khảo là vinh hạnh hay bất hạnh? Xin thưa đó là vinh dự. Bởi chẳng dễ gì mà ai đó được mời vào ngồi ghế nóng. Chỉ có điều vinh dự đó đôi khi bị biến thành bất hạnh, do chính bàn tay nhào nặn, và ý tưởng của kẻ đi mời.
Lên truyền hình làm giám khảo, bạn có cần chuyên môn không? Xin thưa không! Chỉ cần bạn có tý nhạy cảm về nghệ thuật cộng với khả năng “ngoa ngôn” văng mạng. Bạn sẽ ngay lập tức trở thành giám khảo hot.
Để thành giám khảo hot, yếu tố tiên quyết tự thân là bạn phải không được tự ái với công chúng và báo chí. Có như thế thì bạn mới thấy mình vinh dự chứ không mất danh dự tý nào. Nhưng chẳng phải là ai cũng “đứt dây thần kinh xấu hổ” – Nhà thơ, nhà báo Đỗ Trung Quân là một ví dụ.
Tám năm trước, ông được mời ngồi vào chiếc ghế nóng giám khảo của Sao Mai Điểm hẹn 2004. Đấy là lần đầu tiên ngành giải trí truyền thông trong nước có một chương trình truyền hình thực tế tựa như Idol.
Chưa có bất cứ một sự chuẩn bị tâm lý nào từ phía khán giả. Họ hoàn toàn không được thông báo sự phân công vai trò, quan điểm phát ngôn của từng thành viên ban giám khảo. Kết quả là chỉ sau 1 phút 15 giây, nhận xét của Đỗ Trung Quân với một nữ thí sinh (mà ông được giao vai trò nhận xét về trang phục và giọng hát theo cách của mình và buộc phải thật nhanh, gọn, không quá 3 phút vì thời lượng sóng quy ước) lập tức gây… nghẽn mạng hầu như toàn quốc trong buổi tối hôm ấy.
Bởi lẽ trước đó, khán giả Việt Nam chưa từng được nghe những nhận định trực tiếp có tính “vỗ mặt” như thế.
Và ngay sau khi buông lời theo đúng tính cách nghệ sĩ của mình, Đỗ Trung Quân đã rút lui một cách lặng lẽ khỏi ghế nóng chương trình. Bởi sức ép từ dư luận đối với ê-kíp thực hiện chương trình là khá lớn. Nhưng thấy thương cho Đỗ Trung Quân và cũng tiếc cho nhà tổ chức Sao Mai Điểm Hẹn 2004. Vì nếu còn giữ lại ông, hẳn nhiên Sao Mai Điểm hẹn giờ này đã đi theo hướng khác. Chứ không tàn lụi như hiện nay.
Thời điểm ấy có thể chưa đủ chín muồi cho cuộc thể nghiệm kiểu nói “văng mạng” như thế này trên truyền hình. Nhưng nhà tổ chức Sao mai Điểm hẹn lúc bấy giờ đã quá non tay và non tư duy khi không thể đột phá ra khỏi cái khuôn mẫu chung của dư luận và mặc nhiên, vì thế họ đã thể hiện sự kém cỏi trong tư duy sáng tạo của mình.
Nhưng chuyện của Đỗ Trung Quân “xưa như Diễm” rồi. Ngày nay trong những chương trình mang tính tương tác cao, các thành viên ban giám khảo được xem là những “diễn viên” của chương trình. Họ được nhà sản xuất chương trình phân vai, thường theo công thức: “thiện” – “ác” – “trung tính”. Và khi đã vào vai thì bạn cứ tha phanh mà “ngoa ngôn lộng ngữ”.
Thậm chí với các nhà sản xuất chương trình thì bạn càng ngoa ngôn bao nhiêu bạn lại càng đáng yêu bấy nhiêu.
Bởi, họ những nhà sản xuất luôn đi trước thời đại. Họ được đào tạo một cách bài bản về tâm lý đám đông. Do đó họ biết khán giả luôn là “bà mẹ chồng khe khắt”. Vì thế họ thấy rất rõ hiệu quả từ việc nhào nặn những bộ giám khảo cho chương trình sao cho có hiệu quả nhất. Nói vui thì trách, nói nghiêm thì chê, nói dở thì… mắng. Văn hóa đại chúng qua truyền thông của ta là thế. Nó mang đậm tính phê phán hơn là giải trí vui vẻ. Và bởi quá hiểu tâm lý đám đông là thế nên, chẳng có chương trình nào thời nay là không có điều tiếng về những vị giám khảo.
Nhạc sĩ Trần Tiến được nhiều người so sánh như là Simon Cowell Việt Nam. Thế nhưng, chỉ mới ngồi ghế nóng chương trình Bước nhảy hoàn vũ 2011 qua 3 live show, ông bất ngờ rút lui với lý do “đụng lịch đi diễn ở châu Âu”. Không nói ra thì ai cũng biết nhạc sĩ Trần Tiến rút vì không chịu được áp lực của dư luận cũng như nhà tổ chức chương trình.
Những nhận xét theo kiểu của Simon: “Anh nghĩ chúng tôi đang tìm kiế�m ai – một đứa trẻ 2 tuố�i không biế�t hát?”, “Cô đã sáng chế� ra một loại hình tra tâÌ�n mới” hay “mạo muố£i hỏi cậu rằng cậu hát bài đó vào đêm vợ cậu bỏ đi hả?”… tưởng chừng rất đáng ghét nhưng lại được khán giả nhiều nước thích thú.
Nhưng khi ông “Simon Cowell Việt Nam” Trần Tiến đưa một số nhận xét của ông theo kiểu “rất Simon Cowell” vào một vài phần thi của thí sinh thì ngay lập tức ông đã gặp phải sự phản ứng không hay từ phía công chúng.
Những lời nhận xét hơi trần trụi của nhạc sĩ Trần Tiến bị báo chí trích bởi sự nhạy cảm trong các câu từ mà người ta cho đó là “dung tục, suồng xã”. Không cho nhận xét theo kiểu Trần Tiến thì không còn là giám khảo Trần Tiến và ông đã chọn giải pháp rút lui.
Thực tế cho thấy trong mỗi mùa của một chương trình, không có nhiều để chọn lựa nên việc tìm giám khảo là vấn đề nan giải của nhà tổ chức, thậm chí có khi còn khó hơn cả việc tìm nhà tài trợ. Người “can đảm” dám ngồi ghế nóng không nhiều, đã vậy sau mỗi chương trình, sự “sụp đổ hình ảnh” của các vị giám khảo bởi những nhận xét không “dịu dàng dễ nghe” khiến những ai được mời vào vị trí này càng thêm chùn bước. – “Có phải mình chấm thí sinh đâu, khán giả đang chấm mình đấy chứ” (Nhạc sĩ Trần Tiến).
Chuyện của Đỗ Trung Quân hay Trần Tiến chỉ là chuyện của những kẻ nghiệp dư với tính nghệ sĩ cao dẫn đến sự tự ái vặt quá đà khi bị dư luận ném đá. Chứ ngày nay những người như hai ông đã “tuyệt chủng” rồi!
Theo: (VTC News)