Xét từ góc độ kinh tế thì ban giám khảo của các cuộc thi, chương trình truyền hình đều chỉ là những người làm công cho ban tổ chức (BTC) và trong mọi trường hợp phải tuân thủ đúng các yêu cầu do BTC đặt ra.
Đối với thí sinh, giám khảo có thể hét ra lửa, nhưng khi đạo diễn hô “Cắt!” thì phải lập tức ngừng nếu không muốn khán giả thấy mình “có hình mà không có tiếng”. Thế mới có chuyện trong chương trình A. nhà tổ chức yêu cầu giám khảo này phải khen, giám khảo kia phải chê (nhưng không được chê nhiều và tốt nhất là nên chê theo kiểu như không chê gì cả).
Nhưng giám khảo vốn là những người có uy tín, có những thành công nhất định trong từng lĩnh vực, lắm khi là người có địa vị nên đâu dễ gì để người khác tùy nghi xếp đặt mình. Nhà thơ Q., người có thâm niên nghề giám khảo trước khi nhận show đều nêu yêu cầu: “Phải để tôi nói như tôi muốn, không thì thôi”. Không phải ai cũng chuyên nghiệp được như vậy bởi trong hầu hết trường hợp, các va chạm luôn xảy ra khi chương trình đang chạy, cuộc thi đang tiến hành. Đây là lúc mà các bên hoặc phải nhường nhịn nhau, hoặc bể show như câu chuyện thay ban giám khảo giữa chừng trong cuộc thi Vietnam’s Next Top Model (Người mẫu Việt Nam – VNNTM) 2010.
Từ sân chơi Vietnam Idol đến Sao mai – điểm hẹn, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Bước nhảy hoàn vũ thậm chí thi hoa hậu… các giám khảo đều từng trải nghiệm việc bị công chúng chê bai. Lời “khen” của nhà thơ Đỗ Trung Quân đối với thí sinh Ngọc Khuê trong chương trình Sao mai – điểm hẹn năm 2004 đã khiến anh hứng chịu không ít búa rìu dư luận. Tương tự nhận xét của giám khảo Siu Black dành cho Nguyễn Sơn Lâm trong Vietnam Idol 2010 cũng trở thành sự kiện gây bàn tán đến mức nhà tổ chức phải lên tiếng.
Đã có một thực tế là càng về sau công chúng càng dành nhiều sự chú ý hơn đối với những người ngồi ghế giám khảo bởi ngoài chuyện được trao quyền quyết định số phận người khác, họ còn là các diễn viên đang cố thể hiện vai diễn của mình. Để được ngợi khen, giám khảo ngoài giỏi chuyên môn còn phải biết diễn xuất như một nghệ sĩ thực thụ, lại còn phải rành tâm lý để hỗ trợ thí sinh, nắm rõ mục đích chương trình để phản ứng cho chính xác… Vừa phải chiều BTC, nhà tài trợ, vừa phải chiều thí sinh, rồi khán giả.
“Tôi đồng ý với nhận định rằng giám khảo chỉ là người làm thuê để làm những gì BTC muốn. Nếu ý muốn của BTC là tốt thì mọi chuyện sẽ tốt. Nếu BTC có ý gì không tốt thì giám khảo sẽ rất dễ trở thành chiếc bình phong. Thường thì người ta mời giám khảo theo hai tiêu chí: chuyên môn hoặc mức độ nổi tiếng. Trong mọi trường hợp, tôi nghĩ điều quan trọng chính là sự tự trọng của mỗi giám khảo mà trước nhất là đừng bao giờ phán xét cái mình không hiểu. Chẳng hạn giờ mà bảo tôi đi chấm thi lực sĩ đẹp thì tôi xin chắp tay kiếu” (Nhạc sĩ Tuấn Khanh)
Ban giám khảo là nhân tố quyết định rất lớn đến chất lượng cuộc thi và đương nhiên là cả số phận các thí sinh nhưng công việc của giám khảo thật chẳng dễ dàng, đòi hỏi phải có chuyên môn cao, am hiểu thực tiễn, khách quan, công tâm, trung thực, trách nhiệm và dường như cho đến nay chúng ta chưa có nhiều người làm giám khảo một cách chuyên nghiệp như thế…
Lược theo: Chuyện nghề giám khảo (Baodatviet)