Nghề diễn thú mascot hoặc cosplay nhân vật.

Hình ảnh những Tôn Ngộ Không, chuột Mickey… do con người hóa trang để làm hoạt náo gần đây xuất hiện nhiều tại các cửa hàng, khu vui chơi giải trí… ở TP.HCM. Người ta gọi đó là nghề diễn thú mascot hoặc cosplay nhân vật.

Bạn Lê Hồng Đức trong trang phục chú gấu (áo xanh, nón xanh) cùng các bạn mascot thú bông khác diễn trò ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM – Ảnh Hữu Khoa

Đêm xuống, khi phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) ngập tràn trong ánh đèn, dòng người tấp nập đổ ra đây để đi dạo mát thì cũng là lúc những người trong bộ đồ thú bông dày cộm bắt đầu xuất hiện để diễn trò, chơi đùa với trẻ em. Họ cho du khách chụp hình miễn phí chỉ để bán những que kẹo từ 10.000-20.000 đồng.

Trong số ấy, có người vì yêu thích trẻ em nên chọn công việc này, cũng có những sinh viên tranh thủ thời gian rảnh đến đây làm thêm để có tiền đi học.

Bấp bênh

Chúng tôi gặp Nguyễn Khánh Duy (26 tuổi, quê Bến Tre) lần đầu tiên tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Duy đóng vai một Tôn Ngộ Không gầy gò, tay liên tục gãi đầu gãi tai, xoay xoay cây gậy Như ý như trong phim Tây Du Ký.

Mấy đứa trẻ đứng gần đó thích thú chạy đến vây quanh chụp hình với anh chàng Tôn Ngộ Không dí dỏm. Vừa đùa giỡn với các em nhỏ, Duy vừa khoát tay gọi thêm mấy người bạn đang mặc quần áo Trư Bát Giới, gấu Teddy… gần đó lại chơi đùa.

Hỏi Duy có bán bánh kẹo gì không để mua ủng hộ thì nhận được câu trả lời: “Hôm nay mình không bán gì đâu chị ơi, tối rảnh ra chơi cho thoải mái thôi”. Duy cho biết đã làm nghề này hơn 1 năm nay.

Duy kể hồi ở quê, anh rất yêu thích nghệ thuật, ước mơ lớn nhất là trở thành một ảo thuật gia sân khấu. Duy nung nấu ước mơ và quyết định lên TP.HCM để đi học nghề.

“Lên đây, mình theo phụ cho người anh đã bốn năm làm ảo thuật và diễn mascot nên được tiếp xúc với trẻ em mỗi ngày. Bản thân mình cũng rất mê trẻ con, cứ thấy tụi nó cười là mọi buồn phiền mệt nhọc trong người tan biến hết.

Mình để ý thấy trẻ em nào cũng thích chơi đùa với các nhân vật hoạt hình, nhân vật trong phim, trong truyện cổ tích nên nảy sinh ý định tích cóp tiền mua một bộ trang phục Tôn Ngộ Không đi diễn đường phố. Ban đầu, chỉ định đi diễn cho vui, làm quen với đám đông nhưng do hoàn cảnh nên mình kết hợp bán thêm kẹo. Dù vậy, trẻ em đến vui chơi, chụp hình với mình không mua cũng không sao” – Duy nói.

“Mỗi ngày, Duy chỉ bán được vài chục ngàn đồng, có khi không bán vì nhiều người đến chụp hình chung, đùa giỡn chứ không mua kẹo. Có những lần thấy các em nhỏ đáng thương, Duy mở luôn túi kẹo chia cho các em ăn.

Do vậy, để có chi phí sinh hoạt, Duy thường xuyên nhận thêm các show diễn ảo thuật, hoạt náo ở công viên, nhà văn hóa…” – Thanh Trâm, người bán nước giải khát gần đó, kể lại.

Theo chân Duy vòng quanh ở phố đi bộ, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều bạn trẻ xúm xít chụp hình rồi thích thú đòi xem gương mặt Duy, những bé khoái chí thì đi theo Duy đòi học múa gậy.

Duy kể: “Những ngày đầu mới từ quê lên Sài Gòn lẽo đẽo theo anh trai học nghề, lấy bộ quần áo thú nhồi bông mặc vô nó vừa nặng vừa nóng, rất khó chịu. Trời lạnh còn dễ thở, chứ ngày hè nắng nóng oi bức người mồ hôi nhễ nhại, nước mắt, nước mũi giàn giụa.

Rồi khi ra đường diễn, người đi đường cứ nhìn cười, khiến mình ngại và xấu hổ. Nhưng được một thời gian, mình nhận ra không có gì đáng để xấu hổ cả vì nghề nào cũng là nghề. Cho đến một hôm mình đi diễn, lúc nhìn đám trẻ em xúm lại vây quanh chụp hình, trong lòng mình vui vui khó tả. Từ đó về sau, mình tự tin hơn, không còn tủi thân khi ra đường nữa”.

Cũng ở phố đi bộ Nguyễn Huệ có một chú gấu Teddy vui vẻ tạo kiểu chụp hình với mấy bạn trẻ và giơ tay chào chúng tôi. Đó là bạn Lê Hồng Đức, sinh viên năm cuối Trường cao đẳng Cao Thắng.

Đức nói suốt buổi tối có cả trăm người chụp hình chung nhưng chỉ bán được có 3 cây kẹo, không đủ tiền đổ xăng đi bán. Nói rồi, Đức chậc lưỡi: “Thôi kệ, vui là chính mà”. Cứ kết thúc buổi học ở trường, Đức vội vã về nhà mặc đồ vào và đi bán kẹo để kiếm tiền.

23h, người đi trên phố vãn dần, hai bên đường chỉ còn lưa thưa vài bóng người, một nhóm 5 người diễn mascot và cosplay ngồi tụ lại trò chuyện.

Một bạn mở túi ra xem đã bán được bao nhiêu kẹo, rồi lắc đầu than thở. Một bạn nam quê Nghệ An thường diễn Trư Bát Giới thấy vậy vỗ vai động viên những người bạn kia cố gắng, đừng nản lòng. Họ dặn nhau dù bán ế cũng phải đàng hoàng, không được ép người khác mua hàng của mình.

Các bạn có định tìm một công việc tốt hơn không? Trước câu hỏi của chúng tôi, Nguyễn Khánh Duy bộc bạch: “Những lần bị khách la hay bị đuổi không cho bán cũng nản, muốn nghỉ, chuyên tâm phát triển công việc ảo thuật. Nhưng nghỉ được vài ngày lại nhớ nghề, nhớ bộ quần áo mướt mồ hôi, nhớ bạn bè cùng nghề, mình liền bật dậy thay đồ, hóa trang để đi bán”.

Còn ở khu vực làng ĐH Quốc gia (Q.Thủ Đức, TP.HCM), một nhóm diễn mascot cho một thương hiệu sữa than thở: do làm theo hợp đồng cho chủ nên áp lực công việc lớn mà thu nhập lại không cao.

Nguyễn Khánh Tiên (sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học tự nhiên), một mascot diễn vai thỏ trắng thở dài, nói hằng ngày phải đứng ngoài nắng nhiều giờ, khoác lên người bộ đồ nặng nề nhưng tiền thù lao chỉ 150.000-180.000 đồng/ca bốn tiếng.

“Có hôm mệt quá em ngất xỉu, phải vào viện. Trong giờ làm việc mà ngồi nghỉ hoặc gỡ trang phục ra cho bớt nóng sẽ bị trừ tiền. Có những show em bị cắt tới 50-70% thù lao vì những lý do như vậy” – Tiên cho biết.

Mascot thỏ hồng chơi đùa với trẻ em trên phố – Ảnh Hữu Khoa

“Chuyện tình” mascot

Ở làng ĐH Q.Thủ Đức có rất nhiều sinh viên chọn nghề làm mascot, cosplay để kiếm sống. Tìm đến con hẻm bên hông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, chúng tôi ghé nhà cặp đôi Trọng Nghĩa – Mai Phương.

Cả hai có rất nhiều điểm chung trong cuộc sống, đều là trẻ mồ côi thiếu thốn tình cảm gia đình, từ Bà Rịa – Vũng Tàu lên TP.HCM theo học ở Trường Kinh tế – luật. Nghĩa nói có lẽ vì vậy mà hai người dễ đồng cảm.

Nghĩa gặp Phương khi đi làm mascot cho một sự kiện của một công ty bất động sản ở Q.7. Lúc đó, do phải mặc bộ đồ gấu bông quá lâu, Phương mệt nhoài và choáng váng. Thấy đồng nghiệp không được khỏe, Nghĩa chạy đi mua nước chanh cho bạn uống.

Kết quả là Nghĩa bị trừ luôn tiền công làm việc suốt bốn tiếng ngày hôm đó. Cuối giờ, khi mọi người được phát lương thì Nghĩa lặng lẽ dắt chiếc xe cà tàng ra về. Phương thấy vậy liền chạy theo dúi vào tay Nghĩa 180.000 đồng. Kể từ ngày đó, hai người đi diễn mascot ở đâu cũng có nhau.

Lúc đầu là đi làm công cho người khác, đến khi gom đủ tiền, Nghĩa tự mua một mascot hình chuột Mickey để cùng bạn gái bán kẹo ở các quán ăn, nhà hàng. Mỗi người một việc, Nghĩa diễn thì Phương mời 
mua kẹo.

Đêm nay, cả hai bạn trở về phòng trọ sau một ngày đi diễn mệt lừ. Nghĩa gỡ bộ quần áo chuột Mickey nặng nề thở phào nhẹ nhõm. Phương lấy khăn đưa cho bạn trai lau vội, rồi vào bếp nấu hai tô mì gói với mấy cọng rau.

“Chỉ dám ăn vậy thôi vì hai đứa còn phải để dành tiền đóng học phí cho học kỳ sắp tới” – Phương giải thích. Nghĩa ngồi ngay bên cạnh quay sang khoe: “Đêm nay em lời hơn 200.000 đồng. Ngày nào cũng kiếm được số tiền đó thì sinh viên nghèo như tụi em không còn phải lo chuyện cơm áo gạo tiền nữa”.

Với Nguyễn Khánh Duy và cô bạn gái đang theo học ĐH Luật, cũng yêu thương nhau nhờ cái nghề diễn mascot. Duy kể ngày đầu tiên diễn vai Tôn Ngộ Không ở một trung tâm thương mại cũng chính là ngày anh gặp bạn gái của mình.

Bạn Duy thích anh bởi vẻ đáng yêu, ngộ ngĩnh của Tôn Ngộ Không. Dù bị gia đình bạn gái cấm cản vì Duy làm công việc biểu diễn đường phố bấp bênh, cặp đôi vẫn không bỏ cuộc. Duy chia sẻ: “Mình sẽ cố gắng luyện tập để thi các cuộc thi truyền hình, phát triển sự nghiệp. Khi kiếm đủ tiền mới dám ngỏ lời rước cô gái cùng “đồng cam, cộng khổ” về làm vợ”.â–

Hiện mỗi con mascot mới giá từ 10-15 triệu đồng, còn mascot cũ giá 5-8 triệu đồng. Nếu không có tiền thì thuê lại của các công ty tổ chức sự kiện giá 100.000-150.000 đồng/ngày (đối với người thuê lần đầu) hoặc từ 80.000-90.000 đồng (đã thuê lâu). Tiền thế chân 200.000 đồng/con. Theo Trọng Nghĩa, để có đủ tiền mua một con mascot mới anh phải dành dụm cả năm trời.

THỬ DÙNG (Cuocsongmuonmau/TTCT)

Cùng chuyên mục