Nghề ca sĩ – Trường Vũ: Tôi kiếm đủ sống qua ngày.

Trong số các nghệ sĩ Việt nổi tiếng ở nước ngoài, Trường Vũ ít về biểu diễn tại Việt Nam. Mỗi chuyến về quê của anh cũng kín tiếng, thường ‘không kèn không trống’ vì nam ca sĩ thích sự giản dị, đơn giản.

Được biết đến như là một giọng hát hội đủ được tố chất của những ca sĩ đã từng gieo vào lòng khán giả nhiều sầu nhớ thế hệ đi trước như Chế Linh, Tuấn Vũ, Ngọc Lan…, Trường Vũ còn được khán giả yêu mến với lối sống giản dị, không bon chen trong showbiz.

Hẹn anh một cuộc trò chuyện nhân dịp về nước chiều 11.5,Trường Vũ cho biết chỉ muốn chia sẻ khoảng… 5 phút thôi bởi cũng chẳng có gì để nói nhiều về mình, lại có chút mệt mỏi vì trải qua một chuyến bay dài. Nhưng khi cuộc trò chuyện bỗng chuyển sang dòng nhạc quê hương, nam ca sĩĐám cưới nghèo, Thân phận nghèo, Nghèo mà có tìnhbỗng hào hứng lạ…

Vài năm trở lại đây, nhiều ca sĩ hải ngoại thuộc nhiều dòng nhạc khác nhau đã về nước biểu diễn, nhưng khán giả vẫn thấy thiếu vắng giọng ca đằm thắm mà sâu lắng, tư lự chất chứa nỗi niềm, cùng phong cách diễn rất mộc, rất giản dị của Trường Vũ, thứ mà người yêu nhạc quê hương bấy lâu nay mong chờ trong thời buổi nhạc thị trường “lên ngôi”. Ca sĩ Trường Vũ đã dành thời gian chia sẻ cùng chúng tôi về những ấp ủ của mình trong con đường ca hát.

Thà ít diễn chứ không hát nhép

* Vì sao trong thời gian qua anh ít hát trên quê hương như những đồng nghiệp tại hải ngoại?

– Ca sĩ Trường Vũ:Hồi xưa nhiều ca khúc của tôi không được thuận tiện trình diễn lắm, điều kiện về Việt Nam cũng khác, bây giờ mọi thứ cởi mở hơn, các ca khúc được duyệt cũng dễ hơn hồi trước. Ngoài ra lý do vì sao tôi không về vì đối với tôi, tôi muốn về hát cho khán giả thật sự thưởng thức, tôi thích hát live chứ không hát nhép, hát phải có ban nhạc của mình chứ bỏ đĩa ra hát thì tôi hát không được.

* Anh thấy khán giả ở Việt Nam như thế nào?

– Mình mới về nước lúc nào cũng cảm thấy hiếu kỳ. Người nào cũng vậy, ca sĩ Việt Nam thích ra nước ngoài diễn nhiều hơn vì họ thấy mới, có nhiều cái lạ nên thú vị. Nhiều người nói tôi không thích đi tỉnh thì không phải. Tôi luôn ao ước tới tận ngày hôm nay vẫn chưa thỏa lòng vì vấn đề giá vé nghe nhạc tại Việt Nam bán hơi thấp nên các bầu show khó có thể mướn cho ca sĩ được cùng ban nhạc diễn ở các tỉnh xa. Không đủ điều kiện cho ban nhạc hát live thì tôi không tham gia được vì thà ít diễn chứ tôi không hát nhép. Tôi chỉ diễn vòng vòng ở Sài Gòn, Hà Nội, cao lắm là Hải Phòng, Đà Nẵng, còn miền Tây, miền Trung, Tây nguyên tôi ao ước đi diễn hết, đi xuyên Việt sẽ càng vui hơn. Giấc mơ này tới giờ chưa thực hiện được.

Tôi kiếm chỉ đủ sống qua ngày

* Đồng nghiệp thân thiết của anh – ca sĩ Mạnh Quỳnh cũng vừa làm liveshow hoành tráng ở Việt Nam. Vì sao anh không đứng ra tổ chức chuỗi tour xuyên Việt để thỏa lòng mong ước?

– Lúc Mạnh Quỳnh làm show có mời tôi nhưng tôi bận không tham gia được. Tôi không muốn làm liveshow vì phải lo nhiều thứ cực quá, với tôi không mạnh về khoản này. Tôi đi hát trong hơn hai chục năm nay chưa bao giờ ra mắt CD hay làm liveshow riêng cả.

* Vì sao anh lại đi ngược với các đồng nghiệp khác khi nhiều người vừa vào nghề đã ồ ạt ra sản phẩm, tổ chức liveshow…?

– Tánh tôi không bon chen, duyên số đưa tôi làm nghệ sĩ và tôi chỉ là người thích hát thôi. Thời buổi này khó khăn quá, CD phát hành chưa chắc bán được, mấy năm trước bán được tôi cũng không làm.

* Hay vì lý do giá vé thấp ở các tỉnh làm anh ngại cát-sê cho mình không bằng biểu diễn ở Mỹ?

– Không không, do vấn đề môi trường ca hát ngày càng xuống đi, không giống như hồi trước. Đối với tôi ao ước là hát cho người ta nghe, tôi không muốn chạy show đâu. Chạy show mất thì giờ của mình, mình hát 2-3 bài một bên rồi chạy bên kia hát tiếp. Lỡ có gì tới trễ thì bị kẹt, mình chạy vậy thấy không đúng về mặt nghệ thuật, rồi tiền bạc này nọ… Tôi muốn mỗi một tỉnh làm một show nhỏ, 400-500 khán giả nghe cũng được nhưng người ta phải nghe, phải thưởng thức mình hát và tôi muốn hát chục bài trở lên trong show nhỏ của mình.

* Có một người bạn thân ở hải ngoại nói anh ít về Việt Nam vì bà xã “siết” hơi kỹ?

– Ai nói vậy (Cười)? Chắc không có đâu. Trong tương lai thì tất cả các anh em nghệ sĩ nào bên Mỹ được mời thì sẽ về Việt Nam hết thôi, trừ những trường hợp nhạy cảm. Ở Việt Nam khán giả quá nhiều, gần 100 triệu dân, mình là ca sĩ ViệtNam về đó đương nhiên có nhiều show. Ở Mỹ không có khán giả nhiều như vậy, chỉ có những sòng bài thôi, và chỉ hát vào cuối tuần, một năm có vài ngày lễ thì được hát thêm. Ở Việt Nam thì mình có thể hát hằng ngày, một tuần thì hát 5-6 ngày luôn.

* Anh không thích chạy show bon chen, vậy thu nhập của anh có được cuộc sống thoải mái?

– Bên kia thì show sòng bài bị cắt bớt, chỉ còn hát cho cộng đồng, chùa chiền. Show giờ có tuần có tuần không, sống qua ngày thôi, giàu có thì không có. Giờ thì nhiều trung tâm chết hết rồi, còn vài trung tâm nữa thôi.

Thị trường giờ phải dùng từ ”hên xui”

* Có lời nhận xét “thế hệ F2” tại hải ngoại không còn chuộng dòng nhạc quê hương, nên nhiều nghệ sĩ đã về Việt Nam hoạt động ngày càng đông?

– Đúng đấy. Đối với nhạc quê hương, nhạc vàng giờ chỉ là những bài hát bất hủ mà bên Mỹ đã nghe nhiều rồi, một bài cả chục người hát không còn cái mới nữa. Người trẻ bây giờ không màng đầu tư cho nhạc quê hương, bolero, chạy theo phong trào nhạc Hàn nữa.

* Anh nhận thấy quê hương thay đổi thế nào kể từ khi rời đi?

– Quê hương thay đổi nhiều chứ. Giờ tôi chỉ cầu mong cho có thêm nhiều bài hát được cấp phép, có những ca khúc rất hay về người lính. Tôi không hát bài chống đâu mà chỉ hát về tình yêu thời chiến, cuộc đời lính mộc mạc, rất mong Sở Văn hóa sẽ cấp phép. Tôi cũng muốn diễn nhiều nơi, bởi cứ xuất hiện Sài Gòn hay Hà Nội, đương nhiên cho người ta ăn hoài một món người ta cũng chán. Bạn nên nhớ tôi không có nhiều bài hát để diễn, một ca sĩ chỉ “tủ” cao tay nhất là 20 bài, những bài kia là nghe phụ thôi chứ không phải nghe chính.

* Nhiều nghệ sĩ đã đa dạng dòng nhạc để chiều thị hiếu khán giả, vì sao ca sĩ Trường Vũ “bó” mình ở một gu?

– Đương nhiên mình sẽ mất đi tính cạnh tranh nhưng tôi không đa dạng được.Tôi không màng chuyện đó vì tôi nghĩ mỗi một người có phong cách riêng biệt. Trong trường hợp đa dạng thì phải hay kìa chứ cho Vũ hát nhạc trẻ này kia mình cảm thấy mình hát được đó nhưng người ta nghe không thu hút. Mình không thể hát giống như kiểu hát karaoke, những bài đó thuộc về người ta mà, giờ mình hát chắc chắn mình sẽ thua người ta. Tại sao mình không nghĩ mình có một con đường thôi, hát nhạc quê hương thì hát nhạc quê hương, có thể chạm qua ranh giới một chút xíu chứ không phải lấn sân luôn của người ta được, thua người ta liền.

* Anh có đặt bài mới theo dòng nhạc quê hương để làm mới mình?

– Tôi có đặt bài mới nhưng không bằng bài cũ đâu, hên xui. Hi vọng sắp tới nhạc sĩ sẽ có những tác phẩm hay cho lớp nghệ sĩ chúng tôi. Giai đoạn trước cũng có nhạc sĩ viết về quê hương hay như bài chim đa đa, thời đó cũng làm ra những bài hát bất hủ. Tới giờ này chưa nghe lại được những bài đặc sắc như vậy. Giờ ai cũng nghiêng qua nhạc trẻ hết, rồi thời buổi này video, Youtube, người ta chỉ cần bề ngoài chứ không cần chỉ tiếng hát nữa. Có những người hát nghe không có hay nhưng giới trẻ vẫn thích, thị trường giờ phải dùng từ hên xui.

* Anh có quan tâm đến thế hệ ca sĩ trẻ của Việt Nam hiện tại?

– Tôi nghĩ Việt Nam mình có gần 100 triệu dân rồi, thay đổi nhiều về dinh dưỡng này nọ, sắc vóc đâu thua các nước khác nhưng chưa có “cá nhân kiệt xuất” chắc vì mình chưa có đào tạo đàng hoàng. Tôi có nghe nhiều người ở vùng miền xa hát nhạc quê hương hay hơn rất nhiều ca sĩ nhưng rất tiếc là họ không có cơ hội tỏa sáng. Họ bỏ lỡ thời 18-20 tuổi, đến khi 30 có con cái sao đi làm nghệ sĩ được?

Tôi có theo dõi một số chương trình thi ca hát, thấy có những người có kinh nghiệm hát tại một số tụ điểm quen rồi, mạnh dạn trên sân khấu chọn bài tủ hát dễ dàng là được chọn, nhưng giọng không bằng những thí sinh có thể hát chệch nhịp vì chưa có kỹ năng, kinh nghiệm nhưng giọng rất hay. Thật ra chọn ca sĩ là chọn giọng để đào tạo chứ không chọn người hát quen bài. Rồi có những người hát vì không thể nào hát nhiều loại nhạc được là bị rơi rụng. Ngay cả tụi tôi chưa hẳn hát loại này được đã hát loại kia được. Tôi chỉ “chở” một loại thôi, “chở” dòng nhạc quê hương thì khó giỏi pop, rock. Mình tuyển lựa ca sĩ từ bao nhiêu chương trình nhưng chưa được nhiều người xuất sắc, chỉ toàn trên trung bình thôi. Tôi hi vọng sẽ có những người có tâm đào tạo đàng hoàng cho lớp trẻ, chứ vì dùng cái gì mua chuộc để nổi thì cái đó không hay.

* Nếu có cơ hội anh có muốn đào tạo tuyển lựa thí sinh?

– Tôi cũng có chương trình bolero mời chấm thi nhưng chưa dám nhận lời vì cảm thấy mình chưa có đủ trình độ để ngồi đó phân tích. Mình làm gì cũng cần có kinh nghiệm nghiên cứu bởi ca hát là một nghệ thuật.

* Vì sao đã nhiều năm trên sân khấu anh vẫn trung thành với một kiểu tạo hình như vậy, anh không sợ khán giả nhàm chán sao?

– Tôi biết mình xấu mà, giờ làm cái gì cũng không đẹp được. Kể cả những người bên Mỹ hỏi ủa sao tôi không đi chụp hình mới, tôi nói lấy hình cũ người ta mới biết chứ đưa hình mới người ta tưởng người khác thì sao? Tại vì mình xấu tự nhiên nên không dám đòi hỏi nữa, tự nhiên đi làm cái này cái kia, hay thay đổi kiểu tóc lại càng xấu nữa. Thôi tôi để vậy luôn, cho nó xấu tự nhiên (Cười).

* Cám ơn anh đã chia sẻ!

Thùy Linh (thực hiện)

Theo: (TNO)

Nghề ca sĩ - Những ngôi sao của làng giải trí

Cùng chuyên mục