Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhà báo là đưa thông tin đến người đọc, nhưng phải là những con chữ có hồn và trách nhiệm. Đó không phải là tuyên ngôn gì lớn lao mà là bổn phận của bất kỳ người cầm bút nào.
Thời đại chúng ta đang sống, thông tin nhiều vô kể. Các phương tiện truyền thông nhiều và cực kỳ đa dạng. Tốc độ truyền thông cũng nhanh chóng mặt. Chính vì vậy bất kỳ nhà báo nào ý thức được phận sự của mình cũng luôn trăn trở trước bàn phím, với từng trang giấy, cân nhắc trên từng con chữ, luôn phải đối diện với người đọc của mình dù họ có đang ngồi trước mặt hay không.
Mỗi ngày làm báo, chắc nhà báo nào cũng muốn đón nhận nhiều tin vui hơn buồn. Muốn đưa đến người đọc nhiều thông tin tích cực hơn là tiêu cực; nhiều câu chuyện nhân văn, hướng thiện hơn là những cái ác đến phẫn uất, những oan ức, trái ngang, những câu chuyện buồn đến nặng lòng. Nhưng cuộc sống không thể lúc nào cũng như mong muốn.
Kỷ niệm ngày nghề nghiệp của mình năm nay, những người làm báo đón nhận nhiều tin buồn hơn vui. Đau lòng nhất là sự kiện hai máy bay Su30- MK2 và CASA-212 gặp nạn. Mọi người đang đau đớn tiễn biệt một phi công đã hi sinh và đang dốc lòng tìm kiếm chín người lính thân thương còn lại giữa biển khơi sóng gió. Nhà báo đưa tin như thế nào, viết như thế nào về sự kiện nhói lòng này? Những con chữ chắc chắn sẽ trì nặng hơn, trách nhiệm hơn. Phải là như vậy. Khi người lính suy nghĩ “không để Tổ quốc bị bất ngờ” thì nhà báo, người cầm bút suy nghĩ gì trên từng con chữ, trên từng bổn phận của mình?
Người làm báo bây giờ không chỉ là những người có thẻ nhà báo. Người đọc cũng có thể là nhà báo, là người kiểm tra, giám sát nhà báo, tham gia cùng làm báo. Đó là điều vui và tích cực, để mọi người cùng tương tác nhau, cùng hiểu nhau hơn trong công việc truyền thông, trong thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, với quốc gia, dân tộc.
Trong nhiều năm làm báo, chúng tôi luôn có những bạn đọc đồng hành trên từng trang báo, trên những nẻo đường tác nghiệp. Luôn có vô vàn bạn đọc thương yêu, tin cậy, phê bình, đòi hỏi để chúng tôi luôn phải suy nghĩ về mình, nhìn lại mình, sửa chữa mình… Đó là hạnh phúc của người làm báo, là ơn nghĩa cuộc đời phải vay, phải nghĩ suy để trả trên từng con chữ.
Có bạn đọc khi cung cấp thông tin, tham gia tác nghiệp cùng nhà báo, nói với chúng tôi rằng phải luôn tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật để bảo vệ cái đúng, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những giá trị lớn lao hơn. Và khi đứng giữa cái đúng và cái sợ, họ đã chọn cái đúng vì khi biết điều mình làm là đúng thì không còn sợ nữa. Họ tham gia làm báo vì muốn góp phần làm bớt đi những cái xấu, những oan trái của cuộc đời; làm cho cái đẹp, cái tốt ngày càng nhiều hơn.
Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, một lần nữa nhắc những người làm báo suy nghĩ lại mình, công việc của mình, để tiếp tục dấn thân với một phận sự chỉn chu hơn, trách nhiệm hơn; với một niềm tin mãnh liệt vào công lý, vào lẽ phải, vào những điều tốt đẹp ở đời.
Theo: Thu An (Tuoitreonline)