(Hiếu học) Từ trước đến nay, nghề bán hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng tại Việt Nam chưa được chú trọng đúng mức. Khi nhắc đến nghề bán hàng mọi người thường hiểu nôm na là đứng bán một sản phẩm gì đó ngoài chợ hay tại cửa hàng. Nhưng trên thực tế nghề bán hàng hay nghề chăm sóc khách hàng lại đa dạng hơn rất nhiều. – Hầu hết các doanh nghiệp đều rất cần đến bộ phận này.
Lực lượng nhân viên bán hàng có kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp chỉ mới thỏa mãn một phần nhu cầu của nhà tuyển dụng. Theo báo NLDO, khảo sát từ các sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, các tổ chức hoạt động giới thiệu việc làm và hệ thống thông tin tuyển dụng của 1.900 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP trong tháng 7-2011 vừa qua cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng tăng đột biến. Trong tháng 6 chỉ có hơn 300 nhu cầu nhưng đến tháng 7, con số này đã tăng lên gần 3.000. Còn tại Trung tâm Giới thiệu Việc làm TPHCM, nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng liên tục tăng trong mấy phiên giao dịch gần đây. Ở phiên giao dịch lần 7-2011 vừa diễn ra, nhu cầu tuyển dụng của 49 DN là 2.151 lao động thì bán hàng và nhân viên kinh doanh được rao tuyển nhiều nhất.
Nhiều DN nhận định bán hàng hiện là một trong những nghề phát triển nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong quan niệm của nhiều người, nghề bán hàng là nghề không có trình độ và thu nhập thấp. Nhưng thực tế ngược lại, rất nhiều người đang sống rất tốt bằng nghề này thậm chí trở nên giàu có.
Người bán hàng không chỉ là người giới thiệu sản phẩm, lắng nghe, giải đáp thắc mắc của khách hàng mà còn phản ánh tình hình sản phẩm, thương hiệu của DN. – “Ở tất cả các DN, nhân viên bán hàng là bộ phận không thể thiếu. Đội ngũ này làm việc năng động, hiệu quả chính là yếu tố thành công của hầu hết các công ty trong môi trường kinh doanh ngày nay. Chính vì vậy, nghề bán hàng đang trở thành một trong những nghề hấp dẫn đối với lao động trẻ” – chị Cao Thị Thúy An, chuyên viên tuyển dụng Công ty TNHH Vòng Tròn Đỏ, cho biết.
Nhu cầu tuyển dụng nghề bán hàng của các DN ngày càng cao, không chỉ dừng lại ở bán hàng hóa mà trong các lĩnh vực khác như Y tế, Giáo dục, Địa ốc… cũng đang rất cần lực lượng lao động này. Tuy nhiên, do nhiều người xem nhân viên bán hàng là những người tiếp thị, chuyên gõ cửa từng nhà để rao bán những món hàng ế ẩm, chất lượng thấp nên nghề này khó phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng nhân viên bán hàng là “chuyên gia đeo bám”, nghề dành cho người có trình độ thấp. “Nhưng thực tế, đa phần các chủ tịch, giám đốc DN… đều xuất thân từ nghề bán hàng” – bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm TPHCM, nói.
Theo ông Bùi Hữu Chương, Giám đốc điều hành Công ty Life Creation Training, dù kinh tế thế giới có thay đổi như thế nào thì người bán hàng giỏi luôn được các DN chào mời. Nếu có sự đầu tư mạnh mẽ vào việc đào tạo đội ngũ bán hàng, một DN có thể tăng doanh thu từ 30% đến 100%. Thực tế, những chiến dịch marketing của một số nhãn hàng lớn cho thấy muốn thành công về doanh số thì không thể thiếu sự góp sức của đội ngũ chào hàng, bán hàng.
Hiện tại và các năm tiếp theo trong tương lai, nghề bán hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng được dự báo là sẽ ngày càng trở nên cần thiết khi toàn xã hội đều hướng đến những dịch vụ hoàn hảo. Nhu cầu nhân lực cho nghề bán hàng được dự đoán sẽ là ngành hot nhất bởi dễ xin việc và dễ phát triển, thị trường ngày càng lớn. Vì thế, hiện đã có nhiều trung tâm đào tạo về ngành nghề này theo nhu cầu của xã hội.
oOo
* Trở thành nhân viên bán hàng chuyên nghiệp: Để là nhân viên bán hàng chuyên nghiệp, tạo ấn tượng tốt đẹp với khách hàng từ cách tiếp cận khách hàng đến cung cách phục vụ và chăm sóc khách hàng
– Tươi cười. Luôn mỉm cười, vui vẻ với khách ngay cả khi tiếp điện thoại hay nói chuyện trực tiếp.
– Có thái độ tích cực với công việc. Luôn biết cách tự chủ, kiềm chế những cảm xúc của bản thân và kiên nhẫn trong các tình huống khó xử. Cư xử hòa nhã, thân thiện với tất cả mọi người. Có tác phong nhanh nhẹn, nhiệt tình, đáng tin cậy, ân cần và chu đáo khi hỗ trợ khách hàng.
– Biết lắng nghe. Tập trung lắng nghe khi khách hàng trình bày thắc mắc/vấn đề. Điều này thể hiện sự tôn trọng khách và giúp bạn chỉ dẫn cho khách một cách đầy đủ và chính xác.
– Hiểu biết cụ thể và nắm rõ giá trị, chức năng sử dụng của các sản phẩm khi chào bán hoặc tư vấn cho khách hàng.
Khi bạn hiểu tường tận công việc của mình, bạn tự tin vào khả năng giao tiếp, biết cần làm gì trong những tình huống nào và có thái độ làm việc tích cực, bạn sẽ hoàn thành tốt và thành công trong công việc.
Trường Tây tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)