(hieuhoc_hieuhoc.com) Thách thức mới hiện nay là lo ngại an ninh, an toàn cho người sử dụng internet, nên nghề an ninh mạng (điều hành, bảo mật và an toàn an ninh thông tin) dù còn rất mới nhưng lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn học sinh, sinh viên. Dự báo cho thấy đây sẽ là nghề có sức hút lớn và mức lương hấp dẫn trong tương lai.
Dù không thể cầm nắm trên tay nhưng giá trị của thông tin trong thời buổi ngày nay quả thật không thể chỉ đo lường bằng vật chất. Thời gian qua, không ít nhóm tội phạm mạng đã tấn công vào các trang web của chính phủ, doanh nghiệp… Ngay cả người dùng cá nhân cũng khó lòng yên tâm được khi đã có vô số các tài khoản mail và mạng xã hội bị đánh cắp, những thông tin riêng tư bị phát tán rộng rãi trên cộng đồng mạng. Điều đó cho thấy an ninh thông tin đang là vấn đề nhức nhối của cả xã hội.
Theo bảng báo cáo về hiện trạng bảo mật mới nhất công bố của Symantec, Việt Nam đứng vị trí 18/20 quốc gia có số người sử dụng internet đông nhất trên thế giới và đứng thứ 11 trên toàn cầu về các nguy cơ tấn công mạng. Số lượng các vụ tấn công có chủ đích gia tăng từ 77 cuộc tấn công mỗi ngày lên 82 cuộc tấn công mỗi ngày. Các cuộc tấn công có chủ đích lợi dụng các mạng xã hội và phần mềm độc hại chuyên biệt, nhằm có được khả năng truy cập bất hợp pháp tới những thông tin nhạy cảm.
Với thực trạng các hacker đang tung hoành hiện nay, doanh nghiệp bắt buộc phải thận trọng hơn về bảo mật thông tin và đầu tư cho lĩnh vực này. Điều đó kéo theo nhu cầu nhân sự chất lượng cho bảo mật mạng cũng không ngừng tăng.Trong lĩnh vực này, bảo mật và an toàn an ninh thông tin sẽ rất khởi sắc trong thời gian tới. Theo số liệu của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, giai đoạn 2011 – 2015, mỗi năm, thành phố cần từ 8.000 đến 10.000 nhân sự CNTT. Trong đó, trọng tâm đặt vào ngành Hệ thống thông tin – An ninh mạng.
·Chuyên viên an ninh mạng làm nhiệm vụ vận hành, khai thác, mở rộng và xử lý các sự cố liên quan hệ thống thông tin như quản lý các kết nối Intranet, Internet, quản lý hoạt động của các server như mail, web, database… Chủ động hành động, phát hiện những mối đe dọa đến tổ chức của mình và có phương án phản ứng kịp thời. Ngoài ra, cũng có trách nhiệm phối hợp với cá nhân, tổ chức và cả chính phủ nhằm đảm bảo an ninh bảo mật thông tin, thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Công việc này ngày càng phát huy được vai trò của mình trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, hiệp hội…Tuy nhiên, muốn thành đạt ở nghề an ninh mạng phải am hiểu máy tính, kiên nhẫn, khả năng tự học, biết ngoại ngữ… Ngoài ra, kỹ năng làm việc nhóm và chịu được áp lực công việc lớn cũng là điểm cộng cho những ai yêu thích nghề này.
Học quản trị và an ninh mạng ở đâu?
– Trung Tâm Đào Tạo Công Nghệ Mạng & Lập Trình Quốc Tế Cisnet
Địa chỉ: 473A Võ Văn Tần, F5, Quận 3, TP.HCM., Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08. 39290549
– Trung tâm An ninh mạng Bkis – ĐH Bách khoa Hà Nội:
Địa chỉ: Tầng 5 – Nhà Hitech – 1A Đại Cồ Việt – Hà Nội
Tel: 04.868 4757
– Trung tâm Tin học – Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM:
Liên hệ: Phòng Tư vấn & Ghi danh chương trình quốc tế
Địa chỉ: 227 Nguyễn Văn Cừ, Q.5, TP.HCM
Tel: 08.8351056, 08.8304 971
Các trung tâm đào tạo khác: BẤM VÀO ĐÂY để xem
Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)