Ngày hôm qua, các môn thi không tạo nhiều bất ngờ, nhiều TS cho rằng vấn đề biển đảo đang rất thời sự nên các bạn có thể dự đoán trước đề thi môn địa sẽ có câu về chủ đề này.
Ngoại trừ môn sinh được nhìn nhận hơi khó so với năm trước, các đề thi còn lại trong ngày thi hôm qua khá dễ đối với phần đông thí sinh. Theo các giáo viên, môn toán còn có tính phân loại trong khi sử, địa quá “truyền thống”, chưa tạo được niềm hứng khởi cho thí sinh.
Không bất ngờ và quá dễ với môn sử, địa
Theo ghi nhận của Thanh Niên, tại nhiều hội đồng thi, thí sinh (TS) hoàn thành phần thi môn địa chỉ trong 2/3 thời gian.
Phần đông TS sau khi thi môn địa đều nhận định đề dễ và nhiều khả năng sẽ đạt điểm cao. La Thị Kim Loan (ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: “Em dự đoán mình phải đạt từ 7 điểm trở lên. Đề năm nay dễ hơn năm trước và không khó hơn đề tốt nghiệp là bao”. Trong khi đó, Hoàng Văn Nam (từng đạt 9,5 điểm môn địa trong kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi) cho rằng, TS chỉ cần nắm lý thuyết thì sẽ làm được bài. Năm nay, đề thi tiếp tục ra những câu hỏi thời sự liên quan đến vấn đề biển đảo. Nói về vấn đề này, nhiều TS cho rằng vấn đề biển đảo đang rất thời sự nên các bạn có thể dự đoán trước đề thi sẽ có câu về chủ đề này.
Lê Thị Hương Lượng (Bình Định) thi vào Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, nhận xét: “Đề năm nay dễ hơn rất nhiều so với các năm trước. Phần biển đảo hầu hết các bạn đều được thầy cô ôn khá kỹ nên chỉ cần vận dụng thêm những kiến thức nắm được từ các phương tiện thông tin đại chúng, sẽ rất dễ dàng giải quyết phần này”.
TS cũng nhận định đề sử không quá khó, các câu hỏi đều nằm trong chương trình học. Quốc Khanh (thi vào ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Đề sử dễ, câu hỏi rõ ràng và yêu cầu cụ thể, ai thuộc bài sẽ làm được. Em dự đoán mình đạt điểm trên trung bình”.
Ông Nguyễn Đăng Lợi, giáo viên môn địa lý Trường THPT Vĩnh Viễn (TP.HCM), nhận định: “Đề thi môn địa năm nay không có câu nào khó. Nếu TS làm đề thi tốt nghiệp được 5 điểm, nhiều khả năng làm đề thi này cũng ít nhất được 5 điểm”.
Nhẹ nhàng các môn khối B
Đối với đề thi môn toán khối B, Lê Thị Nhật Tiên (Gia Lai), thi vào Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho biết: “Em chỉ học trung bình môn toán nên chỉ làm tốt 1/2 bài thi môn này”. Lê Nghĩa (H.Đại Lộc, Quảng Nam), thi vào Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cho rằng: “Đề toán này sẽ có nhiều bạn được điểm 10”. Phan Thị Kiều Oanh (Huế) dự thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết: “Đề thi môn toán khối D1 dễ hơn khối A vừa rồi và cũng dễ hơn so với các năm trước. Nhiều câu em chỉ giải nhanh trong vòng 5 đến 7 phút, như câu tích phân, câu lượng giác. Em chắc chắn được 7 điểm”.
Trần Thái Hoàng (Đồng Nai) cho biết năm ngoái cũng thi vào Trường ĐH Y Dược nhưng không đậu nên năm nay quyết tâm thi lại. Theo Hoàng, đề toán năm nay dễ hơn năm ngoái, không khó để đạt điểm trung bình và Hoàng làm được khoảng 85%. Nguyễn Ngọc Lam Anh (Tiền Giang) cũng thi vào Trường ĐH Y Dược, cho biết: “Nếu làm cẩn thận, đạt điểm 8, 9 môn toán không khó”.
Ông Nguyễn Duy Hiếu, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), nhận định: “Đề thi toán khối B có những câu dành cho học sinh trung bình khá gồm câu 1, 2, 4, một phần câu 5 và câu 8; các câu khó gồm 3, 6 và 7. Các câu này dù thuộc chương trình phổ thông nhưng để giải được cần phải vận dụng kiến thức tổng hợp của cả lớp 10, 11 và 12”. Thí sinh sẽ không khó để đạt điểm 5 – 6 vì phần dễ của đề thi năm nay dễ hơn nhiều các năm trước. Tuy nhiên, học sinh khá giỏi cao lắm chỉ có thể đạt được điểm 8, còn điểm 9 và 10 rất ít. Với đề thi môn toán khối D, ông Hiếu cho rằng chỉ có ba câu khó gồm 3, 6 và 7. Các câu còn lại đều đơn giản để học sinh dễ lấy điểm 5, 6. “Đề toán ở cả 2 khối phù hợp với học sinh, có tính phân loại tốt, đặc biệt có sự phân biệt khoảng cách học sinh khá và giỏi rõ nét. Với đề thi này, khả năng mức điểm sàn của TS sẽ cao hơn năm rồi”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Các TS đánh giá đề môn sinh khó hơn. Nguyễn Lê Đức Anh (Bình Phước), cho biết: “Đề sinh năm nay phần lý thuyết khá dễ nhưng bài tập đòi hỏi cao hơn, phải nắm thật vững kiến thức mới làm được”. Cùng suy nghĩ, Nguyễn Triệu Thái Dương (Vũng Tàu) cho biết: “Theo mình đề sinh năm nay khó hơn năm trước, đặc biệt là phần bài tập. Mình làm được khoảng 70%”.
Nhiều điểm trung bình khá môn tiếng Anh
Phần lớn TS cho biết làm được khoảng 60 – 70% đề thi môn tiếng Anh khối D1. Võ Trần Thanh Vy (TP.HCM), thi vào Trường ĐH Sài Gòn, nhận xét: “Nếu đề tiếng Anh khối A1 em làm được 8 điểm thì đề này em chỉ được tối đa khoảng 6, 7 điểm”. Nguyễn Trưng Thùy Vy (Đà Nẵng), thi vào ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: “Đề Anh văn không khó, chỉ phần tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa là hơi khó vì có một số từ lạ”. Trương Đoàn Liên Trang (Quảng Nam) thi vào Khoa Sư phạm tiểu học, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cũng nhận định: “Nhiều bạn chỉ cần làm 1/2 thời gian là có thể hoàn tất đề Anh văn”.
Toán: Nhiều câu hỏi như đề thi tốt nghiệp THPT
Đề thi năm nay có nhiều câu dễ hơn năm trước (dễ nhận thấy nhất là phần hàm số, tích phân, số phức ở cả các khối A – A1, B và D chỉ có độ khó như đề thi tốt nghiệp THPT). So với các năm trước, bài toán hình học phẳng Oxy ở cả 3 đề thi khối A, B, D năm nay có độ khó cao hơn, các tác giả ra đề đều có những bẫy mà TS phải đọc thật kỹ đề mới có thể tránh được. Tuy nhiên, có một số câu rất khó. Câu 1, 2, 4, 5, 9a, 9b là những câu dễ. Câu có độ khó trung bình là 8a và 8b. Những câu tương đối khó là 3, 7a và 7b. Khó nhất trong đề là câu 6. Đề có tính phân hóa cao, phù hợp với đề thi tuyển sinh ĐH. Học sinh trung bình khá có thể đạt được 5 điểm, khá có thể đạt 6 – 7 điểm, giỏi có thể đạt 8 – 9 điểm.
Thạc sĩ Hoàng Hữu Vinh
(Trường CĐ Kinh tế TP.HCM)
Địa lý: Học sinh chỉ cần thuộc bài
Nội dung đề thi nằm trong chương trình sách giáo khoa địa lý 12 theo chương trình chuẩn, nâng cao và giảm tải. Đề thi cân đối giữa lý thuyết và thực hành, khái quát cao, vừa sức học sinh. Đề cũng yêu cầu học sinh phải có kiến thức về tự nhiên, kinh tế xã hội và những diễn biến sinh động của sản xuất và đời sống. Đề thi năm nay cũng giống những năm trước xoay quanh các vấn đề biển đảo nên học sinh đã có chuẩn bị trước. Nhìn chung đề thi năm nay tương đối dễ, không có câu đánh đố. Nếu học sinh nào thuộc bài là làm được điểm cao.
Đặng Thị Chiếu Huyền
(Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM)
Lịch sử: Khó kích thích học sinh thích học sử
Nội dung ra đề theo kiểu “truyền thống”, yêu cầu chủ yếu mang tính chất học thuộc lòng và trả bài. TS dự thi môn sử đều cho là dễ, không đòi hỏi suy luận nhiều. Hầu hết đều làm xong sớm, chỉ một nửa thời gian so với quy định. Đề sử năm nay chưa có biểu hiện gì đổi mới hơn, đặc biệt không có phần vận dụng vào đời sống thực tiễn, nên sẽ rất khó lòng kích thích thế hệ trẻ học hỏi và yêu thích môn sử.
Tiến sĩ Trần Ngọc Khánh
(Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn – TP.HCM)
Tiếng Anh (mã đề 637): Nhiều thử thách
Có thể nói đề thi Anh văn khối D năm nay mang tính thử thách, khó đạt điểm tối đa.
Bài đọc hiểu 1 chủ đề ảnh hưởng của công nghệ mới, mức độ khó vừa phải, có khoảng 2 đến 3 câu để phân biệt học sinh khá giỏi (câu 31, câu 34, câu 36). Bài đọc hiểu 2 khó hơn, do có nhiều từ vựng khó so với trình độ học sinh lớp 12, các câu hỏi yêu cầu TS phải đọc, hiểu và suy luận nhiều hơn. Phần từ vựng: có nhiều từ khó, nghĩa gần nhau dễ lẫn lộn, như câu 18, 19, 21. Phần tìm lỗi sai tương đối dễ. Nhìn chung học sinh trung bình khá có khả năng đạt được 5 điểm trở lên, giỏi đạt được 8 – 9 điểm, rất khó đạt điểm tuyệt đối.
Phan Ngọc Thi
(Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn – TP.HCM)
Sinh học (mã đề 749): Khó hơn hẳn đề năm 2012
Câu hỏi bài tập có mức độ phức tạp và khó hơn hẳn đề năm 2012. Học sinh phải biết nắm vững từng quy luật di truyền và phải biết tổ hợp về kiểu gien; kiểu hình thì mới giải quyết hoàn chỉnh các câu hỏi. Về phần lý thuyết khá cơ bản, có một số câu mang tính tổng hợp nhưng không đánh đố cao. Nhìn chung, đề có tính phân hóa cao, có chất lượng, đảm bảo tuyển sinh những học sinh có kiến thức sâu, rộng và kỹ năng tính toán nhanh.
Nguyễn Thái Định, Nguyễn Thị Kim Quy
(Trường THPT Vĩnh Viễn – TP.HCM)
Theo Thanh niên