Ngày 14-5 Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi thử nghiệm theo dạng bài thi thật, mỗi phòng thi chắc chắn có 24 mã đề thi khác nhau
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết như trên khi trao đổi với lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình trong khi đi kiểm tra việc chuẩn bị thi THPT quốc gia tại đây hôm nay 10-5.
“Mỗi phòng thi có 24 mã đề thi khác nhau nên các sở căn cứ vào đó để hình dung về khối lượng công việc và cơ sở vật chất cần chuẩn bị cho in sao đề thi”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý.
Trong buổi làm việc tại Ninh Bình, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục chia sẻ: Kì thi năm nay in sao đề thi là nỗi lo chung vì số lượng môn thi nhiều hơn, mỗi thí sinh trong một phòng thi có một mã đề thi riêng. Vì thế, số lượng in sao cũng phải nhiều hơn do đề thi trắc nghiệm dài hơn so với đề tự luận
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết quy trình sao in đã quy định rất rõ, Bộ đã tập huấn, tuy nhiên Bộ sẽ có thêm văn bản lưu ý rất rõ ràng trong khâu in sao đề thi. Mỗi địa phương sẽ xây dựng một kế hoạch, quy trình in sao đề thi. Chuẩn bị về nguồn nhân lực, về cơ sở vật chất để làm công tác này.
Nên bố trí như thế nào với thí sinh tự do?
Với quy định mới của năm nay, trong các buổi thi bài thi tổ hợp, thí sinh tự do có thể sẽ không dự thi hết các môn thi thành phần. Điều này dẫn tới việc các cụm thi, điểm thi phải lường trước mọi tình huống để đảm bảo thuận lợi cho thí sinh nhưng cũng không gây rối loạn, thiếu an toàn cho toàn khu vực thi.
“Vai trò của các sở GD-ĐT năm nay rất nặng nề vì sở chủ trì kì thi nhưng kì thi vẫn sử dụng cho hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Các năm trước, những khiếu nại từ phía thí sinh đều liên quan tới vấn đề xét tuyển ĐH. Bộ GD-ĐT sẽ có một bộ tài liệu phổ biến, hương dẫn trong phòng thi, mỗi phòng thi sẽ có một bộ như thế này để tham khảo, áp dụng”, ông Nghĩa chia sẻ.
Việc nên hay không nên bố trí thí sinh tự do vào một điểm thi là băn khoăn của Sở GD-ĐT Ninh Bình trong trao đổi với Bộ GD-ĐT, và đây cũng là băn khoăn của nhiều tỉnh, thành khác.
“Một điểm thi có khoảng 10 thí sinh tự do thì lập tức có thể phải bố trí 3 phòng thi cho đối tượng này. Hà Nội cũng bố trí thí sinh tự do vào một điểm thi tập trung nếu không số phòng thi đội lên sẽ phải là hơn 100 phòng thi”, ông Nghĩa đưa ra gợi ý về việc nên xem xét bố trí thí sinh tự do vào chung một điểm.
Ông Trần Anh Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT, cũng cho rằng nên dồn thí sinh tự do vào một điểm để tránh những phức tạp, sai sót trong quá trình coi thi.
Xung quanh đề nghị trên, ông Vũ Văn Kiểm, giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Bình, cho biết chưa có phương án đưa thí sinh tự do về một điểm. Toàn tỉnh có hơn 600 thí sinh tự do và đang tính phương án thí sinh tự do có hộ khẩu ở huyện nào thì dự thi ở huyện đó.
Tuy nhiên, ông Kiểm cho biết sẽ cân nhắc thêm về gợi ý của đoàn công tác của Bộ GD-ĐT.
Không nên thi thử quá nhiều
“Đề thi thử nghiệm là tài liệu căn bản nhất để các trường dựa vào đó ôn tập cho học sinh của mình, không nên tổ chức thi thử quá nhiều, không cần thiết”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý các sở GD-ĐT phổ biến điều này cho thí sinh.
Ông Ga cũng đề nghị các cơ sở giáo dục tư vấn cho thí sinh không nên điều chỉnh nguyện vọng quá nhiều nếu kết quả thi không chênh lệch quá nhiều so với điểm chuẩn năm trước của trường mà các em đăng ký nguyện vọng.
Sở GD-ĐT sẽ có trách nhiệm công bố kết quả thi, chuẩn bị tốt về công nghệ thông tin sẽ không dẫn tới tình trạng nghẽn mạng.
Ninh Bình có tổng số 9.047 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 6.140 thí sinh dự thi có nguyên vọng xét tuyển ĐH; 2.907 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi tự chọn là 8.683, trong đó 39,49% thí sinh chọn bài thi khoa học tự nhiên, 5.222 thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội; số đăng ký cả hai bài thi là 226. Về khâu coi thi, Ninh Bình có 25 điểm thi, điểm xa nhất cách trung tâm TP khoảng 45km. Theo phân công của Bộ GD-ĐT cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Thương Mại và trường ĐH Hoa Lư sẽ hỗ trợ Ninh Bình trong các khâu của kỳ thi. Gần 860.000 TS đăng ký dự thi Theo số liệu được Bộ công bố sau khi TS kết thúc thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, năm nay cả nước có 859.835 TS đăng ký dự thi. Trong đó, số TS đăng ký xét tuyển là 643.151 (chiếm 74,8%); TS tự do là 79.714 (chiếm 9,27%). Số TS đăng ký chọn bài thi khoa học tự nhiên là 321.451 (chiếm 37,39%), bài thi khoa học xã hội là 417.334 (chiếm 48,54%), số TS đăng ký cả 2 bài thi là 71.046 (chiếm 8,26%). Đây là năm mà TS đăng ký thi các môn khoa học xã hội tăng mạnh nhất từ trước tới nay. Ngày 10.5, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tổng số TS đăng ký dự thi là 71.479 TS. Trong đó, có 3.210 TS đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp (chiếm 4,49%), vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH, CĐ là 62.588 (87,57%), TS tự do 5.681 (7,95%). Toàn TP dự kiến có 114 điểm thi. Đối với những học sinh ở các huyện xa trung tâm như: Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Sở sẽ bố trí điểm thi ngay tại chỗ hoặc gần khu vực để thuận tiện nhất cho TS. Cũng theo thống kê, số lượng TS đăng ký dự thi bài thi khoa học xã hội khoảng 22.337, chiếm 33,9% trên tổng số TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp. UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi để tổ chức kỳ thi đảm bảo tuyệt đối an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Sở chủ trì, phối hợp với các trường ĐH để triển khai tốt việc in sao, bảo mật đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi… TP chỉ đạo Sở huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn tham gia coi thi, chấm thi và phải có kế hoạch tập huấn nghiệp vụ chu đáo. |
Theo: (Giáo dục/TTO/TNO)