(hieuhoc_hieuhoc.com) Đào tạo nhân lực ngành Y là công việc rất đặc biệt vì liên quan đến tính mạng con người. Vì thế, vấn đề đặt ra cho việc đào tạo và bổ sung nhân lực ngành Y đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của xã hội đang ngày một cao là hết sức cần thiết và cấp bách.
Các trường đào tạo ngành Y hiện nay có một số chuyên ngành như: Bác sĩ đa khoa, Bác sĩ chuyên khoa, Bác sĩ ngoại khoa, Bác sĩ phụ sản, Bác sĩ y tế công cộng, Bác sĩ y học dự phòng, Vật lý trị liệu, Kỹ thuật xét nghiệm và ngành Quản lý bệnh viện…
Ngành y đa khoa: Ngành y đa khoa bậc đại học đào tạo bác sĩ đa khoa trong sáu năm. Trong quá trình đào tạo, sinh viên ngành này sẽ được trang bị kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở làm nền tảng cho y học lâm sàng; kiến thức cơ bản về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh; phương pháp luận khoa học trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học; pháp luật và chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ngành kỹ thuật xét nghiệm y học: Ngành kỹ thuật xét nghiệm y học đào tạo trình độ đại học trong sáu năm. Ngành này trang bị cho sinh viên những kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở và kiến thức chuyên môn ngành học để giải quyết các vấn đề thuộc ngành kỹ thuật xét nghiệm y học. Một cử nhân kỹ thuật xét nghiệm y học có thể thực hiện thành thạo các kỹ thuật xét nghiệm lâm sàng thông thường và ứng dụng những kỹ thuật mới trong hoạt động chuyên ngành; thực hiện được các xét nghiệm hàng loạt tại cộng đồng một cách độc lập hoặc phối hợp với đồng nghiệp…
Ngành y học cổ truyền: Ngành y học cổ truyền đào tạo bác sĩ y học cổ truyền trong sáu năm. Ngành này trang bị các kiến thức về khoa học cơ bản, y học cơ sở về y học cổ truyền và y học hiện đại làm nền tảng cho y học lâm sàng; chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh của y học cổ truyền và y học hiện đại; phương pháp luận khoa học của y học cổ truyền và y học hiện đại trong công tác phòng, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.
Ngành bác sĩ y học dự phòng: Giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe của cộng đồng như kiểm soát dịch bệnh, các bệnh liên quan đến môi trường, nghề nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, chẩn đoán sức khỏe cộng đồng, sức khỏe dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, làm công tác phòng chống các bệnh xã hội, quản lý các chương trình dịch vụ y tế, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe… Có thể học lên chuyên khoa I, II nhưng chưa có cơ chế chuyển đổi sang BS đa khoa
Ngành răng hàm mặt: Ngành này đào tạo bác sĩ răng hàm mặt trong thời gian sáu năm. Trong quá trình học, sinh viên được trang bị kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở làm nền tảng cho y học lâm sàng chung và ngành răng hàm mặt; kiến thức chung về chẩn đoán, điều trị và phòng một số bệnh thường gặp; kiến thức cơ bản về trạng thái bình thường, bệnh sinh, bệnh căn, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh răng hàm mặt…
Ngành y tế công cộng: Phát hiện và tổ chức giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Nhân lực ngành này hiện đang thiếu trầm trọng. Điểm chuẩn năm 2009 là 15,5 cho học sinh KV3. Đây là hệ cử nhân YTCC nên không liên thông qua BS hay DS đại học, nhưng bạn có thể học lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Riêng hệ trung cấp ngành Y hiện có 13 ngành, chỉ có 2 ngành có thể liên thông lên ĐH, đó là y sĩ y học cổ truyền và dược sĩ trung học. Muốn học liên thông hệ này bắt buộc phải có sự chấp nhận của đơn vị nơi làm việc. Sau 2 năm làm việc, nếu được cơ quan đồng ý có thể thi và học tiếp 4 năm nữa để có bằng ĐH.
Hằng năm điểm chuẩn đầu vào ở các trường đào tạo ngành y rất cao. Cụ thể, điểm chuẩn năm 2010, ở khu vực phía Bắc: ĐH Y Hà Nội: Bác sĩ đa khoa: 24 điểm, Bác sĩ y học cổ truyền: 19,5 điểm, Bác sĩ răng – hàm – mặt: 22 điểm, Bác sĩ y học dự phòng: 18,5 điểm; Điều dưỡng, Kỹ thuật y học: 19 điểm; Y tế công cộng: 18,5 điểm. Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam: 18,5 điểm.
ĐH Y tế công cộng: 16,5 điểm. ĐH Y Dược (ĐH Thái Nguyên): Bác sĩ đa khoa: 21 điểm; Điều dưỡng: 17 điểm; Bác sĩ y học dự phòng: 17,5 điểm; Bác sĩ răng – hàm – mặt: 21,5 điểm. ĐH Y Thái Bình: Bác sĩ đa khoa: 22,5 điểm; Bác sĩ y học cổ truyền: 19 điểm; Bác sĩ y học dự phòng: 17,5 điểm; Điều dưỡng: 17 điểm…
Ở khu vực miền Trung và phía Nam, ĐH Y Dược TP HCM: Bác sĩ đa khoa: 23,5 điểm; Bác sĩ răng – hàm – mặt: 24 điểm; Bác sĩ y học cổ truyền: 19 điểm; Bác sĩ y học dự phòng: 17 điểm; Điều dưỡng: 18,5 điểm; Y tế công cộng: 16,5 điểm, Xét nghiệm: 21 điểm; Vật lý trị liệu: 18,5 điểm; Kỹ thuật hình ảnh: 19,5 điểm; Kỹ thuật phục hình răng: 19,5 điểm; Hộ sinh: 18 điểm; Gây mê hồi sức: 19 điểm. Khoa Y (ĐHQG TP HCM): Y đa khoa: 21 điểm.
ĐH Y Dược Cần Thơ: Bác sĩ đa khoa: 22 điểm; Nha khoa: 21,5 điểm; Bác sĩ y học dự phòng: 17 điểm; Điều dưỡng: 16 điểm; Y tế công cộng: 16 điểm; Kỹ thuật y học: 16,5 điểm… Học sinh cũng có thể học các chuyên ngành của ngành Y tại các trường ĐH khác như: ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, ĐH Y Hải Phòng…
Tăng cường đào tạo nhân lực cho ngành y tế
Bộ Y tế vừa tổ chức hội nghị trực tuyến về đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế do Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu chủ trì với 7 đầu cầu đại diện cho 7 vùng miền, trung tâm đào tạo y tế trong cả nước. Theo tính toán, tới năm 2020 dù lượng sinh viên ra trường có gấp 2 lần như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân viên y tế theo dự kiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh: “Người dân luôn đòi hỏi cao hơn về chất lượng dịch vụ y tế… Để đối phó với những thách thức đó, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, chúng ta rất cần có nguồn nhân lực giỏi, năng động, thích ứng với những điều kiện mới.
Theo dự báo của Vụ Khoa học đào tạo (Bộ Y tế), với tốc độ tăng dân số hiện nay, thì tới năm 2015 Việt Nam cần tới 372.000 cán bộ y tế, số cần bổ sung từ nay cho đến 2015 là gần 283.000 cán bộ y tế. Mỗi năm chúng ta cần thêm 5.800 bác sĩ, 1.600 dược sĩ và hơn 145.000 điều dưỡng viên.
Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch thành lập trường ĐH Y Dược Tây Nguyên trên cơ sở khoa Y Dược của ĐH Tây Nguyên; thành lập ĐH Kỹ thuật Y tế Đà Nẵng trên cơ sở trường Cao Đẳng Y tế II (Bộ Y tế); nâng cấp các trường trọng điểm của ngành như Trường ĐH Y Dược Huế, Thái Nguyên… Từ 2011-2015, sẽ triển khai Đề án thành lập hai ĐH Sức khỏe, một ở phía Bắc trên cơ sở ĐH Y Hà Nội; một ở phía Nam trên cơ sở ĐH Y Dược Tp Hồ Chí Minh.
Khánh Hòa tổng hợp. (hieuhoc_hieuhoc.com).