(hieuhoc_hieuhoc.com) Nghề xây dựng thường chia thành ba nhóm: ngoài công trường, trong công xưởng và trong văn phòng. Thí sinh yêu thích ngành xây dựng có thể chọn các ngành học thuộc nhóm ngành kỹ thuật công trình xây dựng và công nghệ kỹ thuật xây dựng… Ngành này còn thích hợp với những người chấp nhận đi làm ở công trình xa, làm việc có phương pháp, thực tế…
Các trường có truyền thống lâu đời về đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực xây dựng thường thu hút học sinh giỏi và có mức điểm chuẩn hằng năm thuộc top trong các trường đào tạo kỹ thuật. Riêng ngành xây dựng tạo được sự chú ý nhiều nhất trong tốp “đầu bảng”. Tuyển sinh năm 2010, lượng thí sinh dự thi vào nhóm ngành này tăng gần gấp rưởi, chiếm 4,6% tổng số thí sinh dự thi cả nước.
Công việc ngoài công trường: Triển khai thi công sản phẩm xây dựng, bao gồm các vị trí như kỹ sư thi công (hướng dẫn thực hiện toàn bộ hay một số loại công việc như đọc – hiểu bản vẽ thiết kế; tính toán khối lượng phải làm; lập bản vẽ chi tiết, nếu cần; hướng dẫn công nhân thực hiện; lập bản vẽ hoàn công khi làm xong; công tác trắc đạc); thợ đào – đắp đất, đóng – ép cọc, trộn bêtông cốt thép, ván khuôn, hồ nề, mộc, chống thấm, sơn, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt và thiết bị vệ sinh, lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt; kỹ sư giám sát thi công; chỉ huy trưởng công trường…
Công việc trong công xưởng như kỹ sư giám sát nội bộ, kỹ sư quản lý chất lượng, chuyên viên phát triển sản phẩm…
Công việc trong văn phòng như chuyên viên hoặc nhân viên quản lý ở phòng kế hoạch, dự án, phòng quản lý chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng hoặc có thể thực hiện các công việc tư vấn xây dựng ở các xí nghiệp thi công như đo vẽ hiện trạng, trắc đạc công trình, khảo sát địa chất công trình, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, lập hồ sơ thiết kế, lập dự toán kinh phí xây dựng công trình, thẩm tra thiết kế, thẩm tra dự toán, lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ đấu thầu, giám sát thi công, kiểm định chất lượng công trình, chứng nhận chất lượng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng, kiểm toán xây dựng… Hiện nay nhiều vị trí đang “khát” nguồn nhân lực như chuyên viên quản lý dự án, giám sát viên, dự toán viên.
Yêu cầu nghề nghiệp: Ngành xây dựng có liên quan trực tiếp đến sinh mạng nhiều người nên đòi hỏi tất cả người làm xây dựng, đặc biệt là kỹ sư xây dựng, phải có tinh thần trách nhiệm rất cao. Nhóm ngành này còn thích hợp với những người chấp nhận đi làm ở công trình xa, thích nghi với điều kiện thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt; người có ý thức chống lãng phí cao, có kỹ năng giao tiếp tốt vì buộc phải tiếp xúc với những tầng lớp xã hội có mức cách biệt rất cao trong nếp sống; người có thói quen ngăn nắp, làm việc có phương pháp, có hệ thống, quy trình chặt chẽ và cố gắng ứng dụng tin học thật tốt; người có kinh nghiệm thực tế. Người có tính lãng mạn và sáng tạo thì nên làm tư vấn thiết kế; người ngăn nắp và chặt chẽ nên làm tư vấn nói chung, đặc biệt là tư vấn đấu thầu; người có khát vọng làm giàu và quyết đoán nên làm nhà thầu.
Thí sinh yêu thích nghề xây dựng có thể chọn các ngành học thuộc nhóm ngành kỹ thuật công trình xây dựng và công nghệ kỹ thuật xây dựng, được đào tạo trên 50 cơ sở với tỉ lệ trúng tuyển nguyện vọng 1 là 14,4%, trong đó tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp trung học trước năm 2010 chỉ đạt khoảng 18,3%; điểm trung bình thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 là 18,5. Địa phương có nhiều thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 là Nghệ An, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP.HCM.
ĐH Xây dựng Hà Nội: Năm 2011, ĐH Xây dựng Hà Nội dự kiến tuyển sinh 2.800 chỉ tiêu ĐH chính quy với 18 ngành, Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH xây dựng được giữ nguyên như năm 2010. Lãnh đạo nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu cho các ngành xã hội đang cần: xây dựng dân dụng và công nghiệp, kinh tế xây dựng, xây dựng cầu đường.
Điểm chuẩn ngành xây dựng của các trường
Trường ÐH Xây dựng: ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp 22 điểm; Kinh tế xây dựng 21,0
Trường ÐH Bách khoa (ÐHQG TP.HCM): ngành Xây dựng 20 điểm; Xây dựng dân dụng và công nghiệp 19 điểm; Kinh tế xây dựng và quản lý dự án 18 điểm; Xây dựng công trình thủy 16 điểm; Vật liệu và cấu kiện xây dựng 15,5 điểm
Trường ÐH Thủy lợi: ngành Kỹ thuật công trình 18 điểm; Công nghệ kỹ thuật xây dựng 16 điểm; Kỹ thuật hạ tầng và phát triển nông thôn 15 điểm
Trường ÐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp 17,5 điểm
Trường ÐH Kiến trúc TP.HCM ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị 17 điểm; ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng và công nghiệp 15 điểm
Trường ÐH Giao thông vận tải TP.HCM ngành Kỹ thuật công trình xây dựng 17 điểm; Quản lý xây dựng 16 điểm
Trường ÐH Cần Thơ ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp 16 điểm
Trường ÐH bán công Tôn Ðức Thắng ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp 15 điểm
Trường ÐH Vinh ngành Xây dựng 15 điểm.
Kim dung tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)