(Hiếu học). Điểm chuẩn của các ngành thư viện – thông tin, giáo dục (quản lý giáo dục và tâm lý giáo dục), xã hội, nhân học… rất thấp, 3 năm gần đây chỉ cao hơn điểm sàn 1 điểm.
Tại Trường ĐH Sài Gòn, ngành thư viện – thông tin và ngành quản lý giáo dục cũng phải tuyển NV2 mới đủ chỉ tiêu, trong đó, ngành quản lý giáo dục phải tuyển cả 3 khối A, C, D1. Điểm chuẩn ngành học này cũng rất thấp chỉ ở mức 13 (khối A), 14 (B), 13 (D1).
Nguyên nhân của việc thí sinh chưa mặn mà với các ngành học trên, có thể là do tên ngành còn khó hiểu, mơ hồ. Ví dụ ngành thông tin – thư viện, thí sinh thường nghĩ là tốt nghiệp xong chỉ có thể làm ở thư viện, song thực tế xã hội hiện rất cần các công việc liên quan đến xử lý tài liệu. Học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức và phương pháp làm việc về văn thư, lưu trữ, quản trị văn phòng cùng với một số môn học bổ trợ khác. Tốt nghiệp có thể làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn thư, lưu trữ học ở các trường ĐH, CĐ, THCN, làm việc tại phòng lưu trữ các tỉnh thành, các cơ quan khoa học chuyên ngành, quản lý hệ thống dữ liệu thông tin trong cơ quan, xí nghiệp …
Nếu xét trong một công ty, quản trị văn phòng tương ứng với vị trí nhân viên lưu trữ – văn thư hoặc nhân viên hành chính nói chung. Đây là vị trí mà các công ty cần có hẳn một bộ phận riêng để thực hiện công việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu.
Hay ngành nhân học là một ngành rất hay, hiện các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đang cần nhân lực có chuyên môn về nhân học kinh tế, nhân học văn hóa, nhân học xã hội để làm công tác điều tra các dự án… Ngoài các kiến thức đại cương về các ngành khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên học ngành này sẽ được trang bị các kiến chuyên sâu về nhân học, kiến thức về lịch sử hình thành và phát triển các tộc người trên thế giới, về văn hóa xã hội cũng như sự ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của loài người. Ngoài ra, sinh viên được hước dẫn các phương pháp nghiên cứu về nhân học, các kỹ năng thực hành và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Dù nhu cầu xã hội về nhân lực làm công tác xã hội, văn hóa quần chúng, cán bộ văn hóa địa phương hiện rất cao nhưng các ngành học liên quan như văn hóa học, Việt Nam học, xã hội học những năm qua cũng được ít thí sinh quan tâm.
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, những ngành học trên điểm chuẩn chỉ hơn điểm sàn 1-1,5 điểm. Trong đó, nhóm ngành xã hội – nhân văn có điểm chuẩn cao thuộc về ngành báo chí, thường có điểm chuẩn từ 18-20 điểm, quan hệ quốc tế (17,5-21,5 điểm), luật (17,5-18 điểm), Đông phương học (17-20 điểm), ngữ văn Anh (16-22)…
Tại Trường ĐH Văn hóa TPHCM, các ngành văn hóa học mức điểm trúng tuyển 3 năm liên tiếp gần đây đều ở mức 13 (khối D1), 14 (khối C), trường phải liên tục tuyển NV2.
Ngành xã hội học, công tác xã hội tại Trường ĐH Mở TPHCM cũng thuộc những ngành có điểm chuẩn thấp nhất (14 điểm là trúng tuyển).
Với phổ điểm chuẩn nhiều năm qua khá rộng, thí sinh thi khối C, D có nhiều cơ hội chọn lựa trường phù hợp năng lực học tập.
Nếu trước đây khối D chủ yếu tuyển vào các ngành ngoại ngữ, xã hội – nhân văn thì gần đây được tuyển cả vào các ngành công nghệ, kinh tế… Còn khối C cũng có nhiều ngành hơn để thí sinh chọn lựa. Đáng chú ý, phổ điểm chuẩn của khối C, D khá rộng.
TS Phạm Tấn Hạ, Phó Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết: “Theo điều tra sinh viên tốt nghiệp thì riêng ngành ngữ văn Anh của trường, sau ba tháng đã có 92,1% sinh viên tìm được việc làm. Ngành này hiện đang rất cần nhân lực, chứ không hẳn ngoại ngữ chỉ là phương tiện hỗ trợ”.
Vĩnh Nghiêm tổng hợp/(hieuhoc_hieuhoc.com).
Thành lập Học viện Khoa học Xã hội
(ND). – Sáng 5-5-2010, tại Hà Nội, diễn ra Lễ công bố Quyết định thành lập Học viện Khoa học Xã hội. Theo Quyết định số 35/QÐ-TTg ngày 10-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ, Học viện Khoa học Xã hội là cơ sở giáo dục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, có chức năng và nhiệm vụ chính là: Ðào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất các hoạt động đào tạo sau đại học của các cơ sở đào tạo thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng chuyên môn về khoa học xã hội, nhân văn cho cán bộ, công chức, viên chức và tư vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Học viện được Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho phép đào tạo 57 mã ngành ở trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Với đội ngũ 368 các nhà khoa học có trình độ từ tiến sĩ trở lên thuộc biên chế của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và 200 cán bộ ở các học viện, trường đại học, học viện có đủ khả năng và các điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu đào tạo ở trình độ cao về khoa học xã hội. (Tin thêm: 06/05/2010).