Ngành Việt Nam học là gì?

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng rất chú trọng đến ngành Việt Nam học – một ngành học để thế giới biết đến Việt Nam. Chuyên trang Giáo dục – Du học và Hướng nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, về ngành Việt Nam học.

* Nhiều người cho rằng học tiếng Việt có gì khó! Vậy ý kiến ông như thế nào?

– TS Nguyễn Mạnh Hùng: Không phải vậy, ai nói thế là không hiểu biết về ngành học này. Dạy tiếng Việt cũng như dạy một ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nhật…) đều có một phương pháp, một vốn sở học, một phong cách sư phạm… Nhưng dạy tiếng Việt đòi hỏi thêm nhiều năng lực bất ngờ khác.Có lần, một sinh viên Nhật Bản hỏi tôi: “Vậy tại sao tiếng Việt không cho phép nối vần như các ngôn ngữ khác.

Ví dụ: “ăn uống”, được đọc rõ thành hai từ mà không được đọc nối vần là “ăn nuống”. Để trả lời, tôi mượn tên mấy ông thầy tôi ra cho có “hồn”. Tôi được các thầy GS Cao Xuân Hạo (đã mất), GS Bùi Khánh Thế (Hiệu phó Trường ĐH Ngoại ngữ và Tin học) dạy rằng giữa hai âm ấy có một âm “tắc họng” có giá trị là một âm vị trông như có cái bóp cổ để “bịt khẩu” khi vừa phát âm ra từ “ăn”, rồi thả tay ra cho phát âm từ “uống”. Tiếng Việt “lạ” nhiều thứ. Do đó mà các nhà ngôn ngữ học quốc tế xếp nó vào vị trí của “ông đại sứ nhóm ngôn ngữ đơn lập”.

* Ngành Việt Nam học của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng không chỉ giảng dạy cho sinh viên trong nước mà còn dành cho sinh viên nước ngoài. Vậy Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã có những sáng kiến gì để đào tạo ngành này một cách bài bản?

– Ngay từ đầu, trường đã tiếp nhận hơn 20 sinh viên người Mỹ chỉ học trong 2 tháng (ngôn ngữ nói) và sau đó là các nhóm sinh viên Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan nhưng cũng chỉ học ngắn hạn.

Tuy nhiên, qua chương trình hợp tác đào tạo với Nhật và Hàn Quốc; Khoa Việt Nam học, chuyên ngành ngữ văn truyền thông đại chúng đã tiếp nhận các sinh viên ĐH Quốc tế Osaka, ĐH Osaka… đến trường học với sinh viên Hồng Bàng trong một hoặc 2 năm để hoàn tất một cụm tín chỉ về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử. Từ đó sinh viên được nâng cao ngôn ngữ giao tiếp qua các tình huống thực tế hoặc mô phỏng tại lớp.

Cơ sở 215 Điện Biên Phủ,quận Bình Thạnh – TPHCM của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng

* Nhà trường có những hỗ trợ gì cho sinh viên của ngành học này không?

– Trường đã cấp học bổng toàn phần (ở, học và phụ cấp) cho 3 sinh viên Cuba được Bộ GD-ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Cuba ký kết hợp tác. Đây là nhóm sinh viên đầu tiên được Cuba chấp thuận cho nước ngoài cấp học bổng mà nước ngoài đầu tiên chính là VN, thông qua Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Những sinh viên đang học năm thứ 3 và năm thứ 4 hoàn toàn bằng tiếng Việt với chương trình cử nhân ngữ văn truyền thông đại chúng (Việt Nam học).

Chương trình này đang áp dụng cho một số nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Hà Lan… Ngoài ra, ngôn ngữ bắt buộc phải học là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và văn chương Hán Nôm để đào tạo hoàn chỉnh.

* Ông có thể cho biết thêm về tình hình tuyển sinh năm nay của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng?

– Tình hình ổn định như các trường dân lập, tư thục khác trên cả nước. Chỉ tiêu đề ra gần đạt. Hiện nay, trường đang tiếp tục tuyển sinh nguyện vọng 3 với chỉ tiêu khoảng gần 420 sinh viên ĐH và CĐ. Ngoài ra, nhà trường được phép tuyển thêm khoảng 2% đến 3%.

* Trường quan tâm nhóm ngành nào cho nguyện vọng 3?

– Nhóm ngành nào cũng được quan tâm, từ ngành y, điều dưỡng, kỹ thuật y học… Trung cấp chuyên nghiệp có ba ngành: dược sĩ, y sĩ cổ truyền, y sĩ đa khoa. Ngành kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp (thời trang, trang trí, hoạt hình manga-comic, tạo dáng, tạo hình). Ngành kinh tế có các ngành như quản trị kinh doanh, tài chính – ngân hàng, kế toán -kiểm toán. Ngành sinh học môi trường với nhiều chuyên ngành và có cả một khu du lịch sinh thái để sinh viên trồng rau sạch tại khu Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Theo: Minh Nguyễn (NLD)

Cùng chuyên mục