Ngành vật lý thiên văn

Sinh viên Việt Nam làm sao để có cơ hội học tập làm việc trong lĩnh vực thiên văn, để trở thành nhà thiên văn học cần có yếu tố nào, con đường đến với thiên văn học có những khó khăn, thuận lợi gì? Và làm sao để giới trẻ Việt Nam có niềm đam mê và theo đuổi được ngành vật lý thiên văn?

(Hình: vozforums.com)

Các nhà khoa học vũ trụ có khác biệt gì nhiều không với những nhà khoa học nghiên cứu các ngành khác? Làm thế nào để trở thành một nhà thiên văn học? Cuộc sống đời thường của một người luôn lang thang với các vì sao giống và khác gì chúng ta?

Những thắc mắc đó đã được giáo sư Nguyễn Quang Riệu giải đáp với các bạn trẻ trong buổi giao lưu với chủ đề “Con đường đến với thiên văn học” được tổ chức tại Viện Khoa học công nghệ TP.HCM (Q.1) vào chiều 20-11.

“Để theo đuổi ngành thiên văn, các bạn sinh viên cần trang bị cho mình hành trang kiến thức khoa học cơ bản tốt và điều quan trọng là một niềm đam mê cháy bỏng” – đó là lời khẳng định của giáo sư Nguyễn Quang Riệu với các bạn trẻ yêu thích khám phá vũ trụ.

Với thắc mắc của nhiều bạn trẻ: “Nếu yêu thích về thiên văn thì phải làm sao để có cơ hội học tập và làm việc trong ngành này?” – Giáo sư Nguyễn Quang Riệu khuyên: “Bạn phải làm cho người ta biết đến tài năng của mình, có thể bạn xin làm việc tại một phòng nghiên cứu của một giáo sư có uy tín nào đó để thể hiện khả năng của bản thân, qua đó bạn có thể xin học bổng, ra nước ngoài học tập về thiên văn”.

Các bạn trẻ thích thú khi được giáo sư Nguyễn Quang Riệu trực tiếp ký tặng sách về thiên văn – Ảnh: Thu Thảo (TTO)

Các bạn trẻ cũng không ngần ngại trao đổi với giáo sư Nguyễn Quang Riệu về các kiến thức chuyên ngành khoa học thiên văn: cách quan sát dải ngân hà trong điều kiện thời tiết ở Việt Nam, nền văn minh ngoài Trái đất, các loại kính thiên văn…

Nhận xét về các bạn trẻ ở Việt Nam có niềm đam mê với thiên văn, giáo sư Nguyễn Quang Riệu nói: “Tôi rất vui khi các bạn trẻ đam mê với thiên văn đã cùng nhau thành lập lên câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM. Đó là một tiến bộ rất lớn và là bước đệm cho sự ra đời của các nhà thiên văn trong tương lai”.

Giáo sư Nguyễn Quang Riệu cũng nói thêm: “Làm việc trong lĩnh vực thiên văn thì sức khỏe là điều cần hết sức chú ý. Các bạn có thể sẽ phải làm việc trên các đài quan sát thiên văn đặt ở độ cao hơn 5.000m, trong điều kiện không khí loãng, thiếu oxy nên sẽ khó thở”.

“Muốn nghiên cứu thiên văn tốt bạn phải có khả năng và môi trường thuận lợi cũng như một giống hoa hồng đẹp phải trồng trên vùng đất màu mỡ mới cho ra những bông hoa đẹp nhất” – giáo sư Nguyễn Quang Riệu chia sẻ – Ảnh: Thu Thảo

Giáo sư Nguyễn Quang Riệu hiện là Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm Nghiên cứu khoa học Pháp. Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng khác như: Hội viên IAU, thành viên Ủy ban quốc tế Tham gia đề án của Cơ quan vũ trụ châu Âu phóng vệ tinh hồng ngoại ISO… Năm 1973, ông được Viện Hàn lâm khoa học Pháp trao tặng giải thưởng A. Janssen cho những đóng góp của ông trong lĩnh vực thiên văn học.

Từ năm 1976, GS Nguyễn Quang Riệu thường dành thời gian về Việt Nam, tham gia phát triển và phổ biến ngành thiên văn vật lý và ngành vật lý môi trường.

Ông viết những cuốn sách về thiên văn bằng tiếng Việt: Vũ trụ phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, 1995; Lang thang trên dải Ngân Hà, 1997; Sông Ngân khi tỏ khi mờ – Les Reflets du Fleuve d’Argent (song ngữ Việt Pháp), 1998; Bầu trời tuổi thơ, 2002; Những con đường đến với các vì sao, 2003 (cùng một số tác giả) “muốn gợi lên sự quyến rũ của vũ trụ và kể lại những hoạt động nghề nghiệp của một nhà khoa học”.

Đặc biệt, năm 1972, khi ở vào tuổi 40, ông và cộng sự đã xác định được vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga và đã được tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới Nature dành toàn bộ một số để các nhà thiên văn tham gia nghiên cứu vụ nổ công bố kết quả.

Là một người có trên 50 năm học tập và làm việc tại Pháp, giáo sư Nguyễn Quang Riệu luôn có những hoạt động thiết thực khi hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu thiên văn tại Việt Nam.

Theo: “Để bạn trẻ cùng đam mê khám phá vũ trụ” – Chương trình giao lưu với giáo sư Nguyễn Quang Riệu do CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM tổ chức. (Nhịp sống trẻ/TTO)

Bài liên quan

Ngành Công nghệ vũ trụ

Việt Nam đã và sẽ gửi các nghiên cứu sinh sang học tập tại những nước có ngành Công nghệ vũ trụ phát triển như Mỹ, Nga, Nhật... Các trường ĐH Công nghệ, ĐH FPT cũng đã mở bộ môn chuyên giảng dạy Công nghệ vũ trụ, khóa đầu tiên sẽ tốt nghiệp trong một, hai năm tới...   

Tiềm năng ngành Vật lý.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Các nhóm ngành thuộc Khoa học tự nhiên nào sẽ phát triển? Sự khác nhau giữa các ngành học trong và ngoài ngân sách?  Tiềm năng của ngành Vật lý … là các vấn đề nhiều học sinh cuối cấp đang quan tâm.    

Phát triển và xây dựng nguồn nhân lực ngành Vật lý

(Hiếu học) Tại Hội nghị Vật lý toàn quốc lần thứ VII tổ chức tại Hà Nội vào sáng 8/11/2010, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị ngành vật lý xây dựng một chiến lược phát triển - đào tạo nguồn nhân lực ngành Vật lý và có chính sách đãi ngộ đối với sinh viên học ngành này. 

Cùng chuyên mục