Ngành Tự động hóa: công nghệ điều khiển tự động

(Hiếu học) Cho em hỏi học ngành ngành Tự động hóa ra trường có nhiều cơ hội việc làm không và các kỹ sư tự động hóa có thể làm ở những lĩnh vực nào? – Nguyễn Trọng Hoàng (TPHCM)

Bản thân tự động hoá là một liên ngành. Nó không thuộc một ngành kinh tế kỹ thuật riêng biệt nào, nhưng lại có mặt ở hầu hết các ngành kinh tế kỹ thuật.

Kỹ sư tự động hóa

Tự động hóa là tổng hoà của nhiều lĩnh vực như cơ khí, điều khiển, công nghệ thông tin và cơ điện tử. Các lĩnh vực này kết hợp lại với nhau tạo thành các hệ thống tự động hóa và cao hơn nữa là tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Ngành công nghiệp tự động hóa ngày càng có vai trò quan trọng và hết sức cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là trong tiến trình công nghiệp- hiện đại hóa nhanh như hiện nay.

Ngày nay, nhu cầu thị hiếu con người ngày càng cao, yêu cầu về số lượng và chất lượng của các sản phẩm xã hội cũng không ngừng tăng. Điều đó đòi hỏi các dây chuyền sản xuất trong công nghiệp ngày càng hiện đại, có mức độ tự động hóa ngày càng cao với việc sử dụng các kỹ thuật điều khiển hiện đại có trợ giúp của máy tính.

Tóm lại, nhiệm vụ của kỹ sư tự động hóa là theo dõi các hệ thống điều khiển, phát hiện những sai sót của hệ thống để kịp thời sửa chữa hoặc hoàn thiện, vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống điện tự động…

Các trường đào tạo ngành Tự động hóa

Hiện nay hầu hết các trường trong khối kỹ thuật và công nghệ đều thành lập khoa hay bộ môn Tự động hóa (có trường gọi là ngành “Điều khiển tự động” ) như: ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ – Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghiệp Thái Nguyên… Được nhiều người biết đến và có truyền thống hơn cả vẫn là Bộ môn tự động hóa xí nghiệp công nghiệp, thuộc Khoa Điện của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Bộ môn Tự động hóa, khoa Điện của trường luôn có điểm phẩy xét vào chuyên ngành cao nhất (cao hơn cả khoa Công nghệ thông tin). Các kỹ sư Tự động hóa cũng được đào tạo tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Sư phạm kĩ thuật TP.HCM hay Học viện kỹ thuật quân sự.

Ngoài ra, một số trường ĐH thành lập bộ môn tự động hóa phù hợp với từng chuyên ngành của trường mình. Như Bộ môn Tự động hóa thiết kế cầu đường của Trường ĐH GTVT Hà Nội, Bộ môn Điện và Tự động tàu thủy của ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Trường ĐH Hàng hải, Bộ môn TĐH xí nghiệp mỏ và dầu khí của ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội…

Một số yêu cầu về kiến thức và kỹ năng

Theo trường ĐH Giao thông Vật tải TP HCM, học tự động hóa cần có kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên và xã hội và cần có khả năng vận dụng chúng vào việc tiếp cận khai thác các thông tin và kiến thức mới; có khả năng sử dụng khoa học cơ bản vào nghiên cứu và phát triển học thuật. Tự động hoá thiết kế cầu đường thuộc ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông Phương thức đào tạo của trường theo hệ thống tín chỉ. Các ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng đào tạo 9 học kỳ (4,5 năm). Còn Tự động hoá thiết kế cơ khí đào tạo 8 học kỳ (4 năm).

Cơ hội việc làm

Hệ thống tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất của các ngành kinh tế khác nhau như: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải… Bởi vậy, cơ hội nghề nghiệp của người làm việc trong ngành này là rất lớn.

Mỗi năm, SV tốt nghiệp của ngành tự động hóa chưa thể đáp ứng nhu cầu nhân lực của các nhà máy, xí nghiệp và các công ty. SV ra trường có thể làm được rất nhiều việc liên quan đến chuyên ngành học của mình. Bạn có thể chọn những nơi làm việc phù hợp ở các dây chuyền sản xuất hiện đại trong công nghiệp như dây chuyền sản xuất xi măng, dây chuyền sản xuất giấy, dệt, các dây chuyền xử lý nước thải… Hoặc bạn có thể vận hành, thiết kế hệ thống tự động hóa đèn giao thông thành phố, hệ thống điều khiển và tín hiệu giao thông v.v… Trong nông nghiệp, bạn có thể thiết kế hệ thống tự động hóa trong trồng rau sạch…

Do nhiều nơi cần nên kỹ sư ngành Tự động hóa không khó để kiếm được một công việc như mong muốn với các chức danh như: Kỹ sư vận hành và bảo trì (bảo đảm vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống điện, điện tử, tự động); Kỹ sư điện tự động hóa (vận hành bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị và hệ thống tự động của các nhà máy, xí nghiệp); Chuyên gia hệ thống (phân tích nhu cầu về hệ thống điện, tự động hoá của các công ty, nhà máy); Chỉ huy các dự án (thiết kế, xây lắp các hệ thống tự động và tham gia thi công các dự án đó); Kỹ sư thiết kế (thiết kế các hệ thống tự động hóa cho nhà máy, xí nghiệp); Kỹ sư lập trình ứng dụng (lập các chương trình điều khiển cho hệ vi xử lý, PLC, CNC, các bộ điều khiển lập trình); Tư vấn (cung cấp các tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực tự động, tham gia các chương trình huấn luyện nhân viên và giáo dục đào tạo); hoặc có thể làm giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, …

Điểm chuẩn của ngành Tự động hóa chỉ từ 13-21 điểm

ĐH Bách Khoa HN: 21 điểm; ĐH Bách khoa Đà Nẵng: 17 điểm; ĐH Công nghiệp HN: 16 điểm; ĐH Công nghiệp kĩ thuật Thái Nguyên: 13 điểm; ĐH Hàng Hải: 14,5 điểm; ĐH Điện lực: 15,5 điểm; ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội: 17 điểm; ĐH Giao thông Vật tải TP.HCM: 13,5; …

Đối với các bạn muốn tiếp tục học tập để nâng cao trình độ, có thể tiếp tục nghiên cứu sau đại học các chuyên ngành thuộc lĩnh vực Kỹ thuật điện, Điều khiển tự động; Cơ điện tử; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới trong các lĩnh vực điện, tự động hóa và các lĩnh vực liên quan.

Chúc bạn thành công

Trần Đông tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Ngành công nghiệp tự động hóa.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Tự động hóa là tổng hoà của nhiều lĩnh vực như cơ khí, điều khiển, công nghệ thông tin và cơ điện tử. Các lĩnh vực này kết hợp lại với nhau tạo thành các hệ thống tự động hóa và cao hơn nữa là tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Ngành công nghiệp tự động hóa ngày càng có vai trò quan trọng và hết sức cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là trong tiến trình công nghiệp- hiện đại hóa nhanh như hiện nay.

Đại học Bách khoa: ngành Cơ điện tử

(Hiếu học) Năm 2011, trường Bách khoa TPHCM dự kiến tuyển 500 chỉ tiêu cho riêng ngành Cơ khí - Cơ Điện tử và 660 chỉ tiêu cho ngành Điện – điện tử trong số 3.800 chỉ tiêu hệ đại học và 150 chỉ tiêu cao đẳng ngành Bảo dưỡng công nghiệp.   

Nghề hot tương lai:Cơ - Điện tử

Cơ - Điện tử là ngành khoa học tổng hợp liên ngành của cơ khí chính xác, điện tử, điều khiển và tư duy hệ thống trong thiết kế và phát triển sản phẩm. Đây là ngành rất quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. Cơ điện tử không là một cuộc cách mạng về công nghệ mà chỉ là sản phẩm của quá trình phát triển, cơ điện tử tạo ra sự thay đổi lớn khi biết phối hợp từ các công nghệ đã có.

Cùng chuyên mục