(hieuhoc_hieuhoc.com) Năm 2003, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã đi tiên phong trong việc đào tạo chuyên ngành logistics với bộ môn Quản trị cung ứng và logistics thuộc chuyên ngành ngoại thương của trường. Từ năm 2008, Khoa kinh tế vận tải biển (Đại học Giao thông vận tải TP.HCM) đã mở chuyên ngành Quản trị logistics và vận tải đa phương thức. Và 3 năm trở lại đây, logistics còn được giới thiệu lồng ghép trong các môn quản trị ngoại thương, vận tải bảo hiểm.
Ngành quản trị Logistics và vận tải đa phương thức
Ngành quản trị logistic và vận tải đa phương thức được học chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng vận chuyển trọn gói từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ của hàng hóa bao gồm nhiều phương thức vận tải khác nhau như đường bộ, đường sắt và đường biển. Đồng thời, ngành này cũng được học những kiến thức marketing quốc tế, quản trị chiến lược, xây dựng – quản lý hệ thống các chuỗi bố trí kho bãi và các điểm kết nối kho bãi, các phương thức vận tải một cách tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian trong cung ứng hàng hóa.
Theo trường ĐH Giao thông vận tải, về kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần biết chuyên sâu về kinh tế logistics, quản trị nhân sự, luật vận tải, quản trị logistics, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị hệ thống phân phối, giao nhận vận tải, khai thác vận tải đa phương thức, nghiệp vụ tài chính, kế toán trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức.
Về kỹ năng chuyên môn sinh viên có thể tham gia lập kế hoạch, tổ chức, điều hành dịch vụ vận tải đa phương thức. Thực hành nghiệp vụ giao nhận vận tải đa phương thức. Có khả năng phân tích luồng hàng, xác định nhu cầu khách hàng, qui hoạch trung tâm phân phối và quản trị qui trình phân phối từ trung tâm đến khách hàng.
Có thể lập kế hoạch và tổ chức công tác đóng gói, kho bãi, xếp dỡ, giao nhận, vận tải và cung ứng; thực hành nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp; lập và phân tích các báo cáo tài chính, báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phân tích hiệu quả của hoạt động logistics và vận tải đa phương thức, tham mưu kế hoạch logistics chiến lược; thiết kế mạng lưới logistics; xây dựng qui trình khai thác, phát triển và quản trị chuỗi cung ứng.
Cơ hội việc làm
Dịch vụ logistics là một quá trình kép kín từ việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm soát hàng hóa đến nơi tiêu thụ cuối cùng là người tiêu dùng. Logistics gồm rất nhiều dịch vụ như vận tải, kho bãi, xếp dỡ… với nhiều tiềm năng để phát triển
Sau khi ra trường, sinh viên có thể công tác tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, doanh nghiệp làm dịch vụ vận tải đa phương thức nói riêng và các doanh nghiệp dịch vụ vận tải, giao nhận nói chung, …Các phòng ban nghiệp vụ phù hợp chuyên môn gồm: kế hoạch, khai thác, marketing, dịch vụ khác hàng, kinh doanh quốc tế, kho vận, cung ứng vật tư, kế toán…
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn Tp.HCM có khoảng 600 – 700 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong tổng số khoảng 800 – 900 trên cả nước. Theo ước tính của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trung bình mỗi tuần có một công ty giao nhận logistics được cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics. Sự phát triển nóng của dịch vụ logistics đã làm cho nguồn nhân lực cho ngành này trở nên thiếu hụt trầm trọng.
HỌC Ở ĐÂU?
|
Trung tâm đào tạo Logistics HVHK Việt Nam Địa chỉ: 18A/C1 Cộng Hòa, Phường 4, Quận Tân Bình, Hồ Chí Minh. |
Điểm chuẩn – Chỉ tiêu
Tổng chỉ tiêu vào trường ĐH Giao thông Vận tải năm 2011 là 4.700 chỉ tiêu, trường xác định điểm sàn trúng tuyển chung, sau khi sinh viên trúng tuyển vào trường sẽ được đăng ký các chuyên ngành. Thí sinh không đạt điểm chuẩn vào chuyên ngành đăng ký nhưng đạt điểm trúng tuyển vào trường sẽ được đăng ký nguyện vọng vào các chuyên ngành khác. Điểm chuẩn ngành quản trị Logistics và vận tải đa phương thức năm 2010 là 14,5 điểm (khối A).
ĐH Hàng hải: Dự kiến mở thêm ngành mới: Toàn cầu hóa và thương mại vận tải biển, đào tạo theo chương trình tiên tiến với 50 chỉ tiêu.
Trường ĐH kinh tế TPHCM: năm nay nhà trường vẫn lấy điểm chuẩn trúng tuyển chung cho tất cả các ngành và chuyên ngành. Sau khi học 1,5 năm cơ bản sinh viên sẽ được xếp ngành. (Ban đầu thí sinh có thể đăng ký vào một ngành khác nhưng sau 1,5 năm học tập, thấy mình hợp với chuyên ngành nào có thể chọn học chuyên ngành đó – Thí sinh hoàn toàn có thể thay đổi chuyên ngành đăng ký ban đầu) Năm 2011, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến sẽ tuyển 4.500 chỉ tiêu (tăng 500 chỉ tiêu/2010) ở tất cả các ngành đào tạo của trường. Điểm chuẩn 2010 là 19 điểm.
Nghi Quân tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)