Ngành nào đang cần, ngành nào lương cao nhất?

(Hiếu học) Hiện nay tại Việt Nam, ngành nào lương cao và nhóm ngành nghề nào đang cần nhiều nhân lực nhất? – Tùy theo loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau có những mức lương khác nhau. Tính bình quân thì một số ngành trả lương cao trên thị trường lao động hiện nay có thể kể đến như: Ngân hàng, Dược, Điện tử viễn thông… và trong số đó, ngành mỏ – luyện kim có mức lương cao nhất (theo điều tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2010)

Mức lương bình quân thấp tập trung chủ yếu ở những ngành mang tính chất gia công, sử dụng nhiều lao động – Ảnh: Trường Giang.

Theo Vneconomy, bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao Động – Tiền lương, đơn vị trực tiếp thực hiện điều tra cho biết:Cuộc tiến hành điều tra với 1.581 doanh nghiệp (có từ 10 lao động trở lên) và 14.451 người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, bao gồm: công ty nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Cuộc điều tra diễn ra tại 15 tỉnh, thành phố, đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Thơ.

“Mục đích của cuộc điều tra là nhằm thu thập các thông tin về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội phục vụ cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm, thực hiện lộ trình thống nhất mức lương tối thiểu chung trong các loại hình doanh nghiệp; hoạch định các chính sách về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội và công bố mức tiền công trên thị trường của một số ngành nghề để người sử dụng lao động và người lao động tham khảo trong thoả thuận mức tiền lương, tiền công trên thị trường”.

Nhìn chung, năm 2010 tiền lương, tiền công của người lao động vẫn tiếp tục ổn định và xu hướng tăng. Tuy nhiên, ở mỗi khu vực, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau có những mức tăng khác nhau. Những ngành có mức lương bình thấp tập trung chủ yếu ở những ngành mang tính chất gia công, sử dụng nhiều lao động.

Đơn cử như, tiền lương bình quân của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2010 là 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng 10,3% so với năm 2009. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước có mức lương bình quân là 3,8 triệu đồng, tăng 8,6%; doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nhà nước là 3,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,0%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3 triệu đồng, tăng 11,1%; doanh nghiệp dân doanh là 2,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,5% so với năm 2009.

Ngành mỏ, luyện kim có mức lương cao nhất

Theo điều tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2010, ngành mỏ, luyện kim hiện đang được trả lương cao nhất so với các ngành nghề còn lại.

Một số ngành trả lương cao trên thị trường lao động hiện nay có thể kể đến là: – Mỏ, luyện kim với mức bình quân khoảng 9,2 triệu đồng/người/tháng; – Ngân hàng với mức lương bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng; – Dược với mức bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; – Điện tử viễn thông: 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó cũng có những ngành có mức lương bình quân chỉ đạt 2,1 đến 2,3 triệu đồng/người/tháng, tập trung chủ yếu ở những ngành mang tính chất gia công, sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm…

Lương quản lý cao hơn 20 lần so với lao động giản đơn

Giữa các nghề, vị trí lao động, khoảng cách chênh lệch tiền lương có xu hướng tăng dần. Đối với lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, lao động quản lý giỏi, đóng góp nhiều vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì tiền lương cao hơn rất nhiều so với mức trung bình và lao động giản đơn.

Chẳng hạn, chênh lệch tiền lương giữa lao động quản lý so với lao động giản đơn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2006 chỉ ở mức 9 đến 10 lần nhưng đến năm 2010 khoảng cách này là 20 đến 21 lần. Chênh lệch tiền lương giữa các nghề, vị trí công việc, giữa lao động chuyên môn, kỹ thuật cao, quản lý giỏi với lao động lao giản đơn có xu hướng tăng dần cho thấy các doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến vai trò đòn bẩy, tính hiệu quả của vấn đề trả lương trong các doanh nghiệp. Những tỉnh có thị trường lao động phát triển như TP.HCM, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, chênh lệch tiền lương giữa lao động quản lý so với lao động giản đơn của doanh nghiệp cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác.

Tuy nhiên, chênh lệch này còn ở mức thấp đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mức chênh lệch này chỉ từ 7 đến 8 lần, cho thấy tính bình quân trong trả lương ở khu vực này còn lớn. Điều này, đòi hỏi các cơ quan nhà nước tiếp tục nghiên cứu, rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý lao động nói chung và tiền lương nói riêng đối với khu vực này, đảm bảo tiền lương gắn với năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.

Năm 2011, theo lộ trình của đề án cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội giai đoạn 2008 – 2012, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ căn cứ vào GDP, CPI và mức tăng tiền lương, tiền công trên thị trường để xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp trình Chính phủ ban hành áp dụng vào năm 2012.

Cũng trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ sẽ tiếp tục tiến hành cuộc điều tra này với quy mô, tần xuất thu thập số liệu lớn hơn, nội dung, phương pháp điều tra cũng được đổi mới, tiến tới công bố mức tiền lương, tiền công theo nghề, công việc trên thị trường hàng quý, hàng tháng.

Những ngành nghề cần nhiều lao động và yêu cầu cao về trình độ

Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết, thị trường lao động khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chủ lực là TP.HCM có nhu cầu nhân lực nhiều về số lượng và yêu cầu cao về chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật. Với những ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ trên 80% tổng nhu cầu nhân lực tại thành phố bao gồm:

Quản lý kinh tế – Kinh doanh – Quản lý chất lượng, Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Bán hàng – Marketing – Nhân viên Kinh doanh, Dịch vụ và phục vụ, Tài chính – Ngân hàng – Kế toán – Kiểm toán, Tư vấn – Bảo hiểm, Pháp lý – Luật, Nghiên cứu – Khoa học, Quản lý nhân sự – Tổ chức, Hành chánh văn phòng, Giáo dục – Đào tạo – Thư viện, Ngoại ngữ – Biên phiên dịch, Xây dựng – Kiến trúc, Công nghệ thông tin – Viễn thông – Truyền thông, Cơ khí, sửa chữa ô tô, xe máy, Điện – Điện tử – Điện công nghiệp – Điện lạnh,Giao thông-Vận tải-Thủy lợi-Cầu đường, Dầu khí – Địa chất, Môi trường- Xử lý chất thải, Thiết kế – Đồ họa – In ấn – Bao bì -Xuất bản, Kho bãi – Vật tư – Xuất nhập khẩu, Công nghệ cao trong Nông nghiệp – Lâm nghiệp – Thủy sản, Y tế – Chăm sóc sức khỏe – Mỹ Phẩm, Dược – Công nghệ sinh học, Hóa-Hóa thực phẩm – Hóa chất-Hóa dầu, Chế biến tinh thực phẩm, Dệt – May – Giày da.

Với nhu cầu nhân lực ngày càng yêu cầu cao về số lượng và chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong năm 2011 và giai đoạn 2011-2015; dự kiến tốc độ tăng bình quân chỗ làm việc từ 3% đến 5%/ năm cho thấy thành phố sẽ có nhu cầu cung về nhân lực là 280.000 đến 300.000 chỗ làm việc/năm. Các bạn có thể tìm hiểu cụ thể thêm tại: (www.dubaonhanluchcmc.gol.vn)

  • Riêng đối với các bạn học sinh khi chọn ngành học, các bạn không nên căn cứ dự báo ngành nghề dễ kiếm việc làm hoặc hoàn toàn dựa vào những hướng dẫn của các chuyên gia đào tạo, tư vấn nguồn nhân lực. Mà các bạn chỉ nên tham khảo đó để so sánh, có chọn lựa hợp lý cho mình.Nên chọn ngành học phù hợp với sở trường, với năng lực học tập, ý thích bản thân và hoàn cảnh kinh tế gia đình để đăng ký dự thi và quyết tâm học thành tài cho tương lai có việc làm ổn định.

Kim Tuyến tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

10 ngành kinh doanh sẽ phát triển mạnh

Những ngành kinh doanh nhiều triển vọng là các ngành có chỉ số thu lời khá tốt hiện nay. Các chuyên gia kinh tế Ấn Độ đưa ra 10 ngành kinh doanh đang hồi phục và có thể phát triển mạnh trong năm sau.

Những ngành nghề dễ tìm việc và có giá trong tương lai.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Băn khoăn lớn nhất của các bạn trẻ chuẩn bị vào đời là chọn cho mình ngành nghề nào dễ tìm việc và có giá trong tương lai. Vì thế, (hieuhoc_hieuhoc) tổng hợp những ý kiến từ các chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm để các bạn tham khảo thêm về những ngành nghề dễ tìm việc, những ngành có tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam trong tương lai như sau:

Các chuyên ngành khối kinh tế du lịch

(Hiếu học) Các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế du lịch gồm có: Du lịch học; Văn hóa du lịch; Quản trị du lịch và khách sạn - nhà hàng; Hướng dẫn du lịch; Kinh doanh du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý môi trường và du lịch sinh thái... Các chuyên ngành Du lịch này được trên 30 trường Đại học đào tạo...

Cùng chuyên mục