Ngành Luật: Án lệ sẽ được áp dụng ra sao?

Kể từ ngày áp dụng án lệ trên cả nước (1-6-2016), tòa án các tỉnh đã gửi công vănvề TAND tối cao xin hướng dẫn về việc áp dụng, viện dẫn án lệ trong bản án như thế nào?

Ông Chu Thành Quang – Ảnh: T.L

Trao đổi vớiTuổi Trẻvề vấn đề này, ông Chu Thành Quang – quyền vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học TAND tối cao – cho biết: “Việc áp dụng án lệ trong xét xử đang được tòa án các cấp hồ hởi đón nhận.

Chánh án TAND tối cao đã chỉ đạo việc phát triển và áp dụng án lệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tòa án. Án lệ không phải của riêng tòa án.

Việc thừa nhận án lệ, áp dụng án lệ trong xét xử là thành quả bước đầu của cải cách tư pháp.

Tuy nhiên để thành quả ấy có mang lại lợi ích cho xã hội và đảm bảo góp phần giúp các phán quyết của tòa án được minh bạch hay không thì cần sự phản biện của người dân, luật sư cũng như cơ quan báo chí.

Chúng tôi luôn lắng nghe những ý kiến trái chiều từ dư luận để việc áp dụng án lệ mang lại hiệu quả thiết 
thực nhất”.

* Thưa ông, thời gian gần đây có nhiều ý kiến cho rằng án lệ là án mẫu, nhận định này có 
đúng không?

– Việc hiểu án lệ là án mẫu là không đúng. Chúng tôi không có khái niệm án mẫu bởi khi xét xử, thẩm phán độc lập trong tư duy và chỉ tuân theo pháp luật.

Nghị quyết 03/2015 của hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã nêu rõ án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án chứ không phải tất cả bản án.

Tuy nhiên không thể tách án lệ và toàn văn bản án với nhau. Việc hiểu án lệ là bản án mẫu là sai về bản chất. Có thể cả bản án không hay nhưng trong bản án đó có một vài lập luận rất hay thì lập luận đó có thể được hội đồng thẩm phán công nhận là án lệ.

* Việc áp dụng án lệ trong xét xử sẽ được tuân thủ theo nguyên tắc nào, thưa ông?

– Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ để giải quyết các vụ việc tương tự, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau.

Trường hợp áp dụng án lệ thì trong bản án, thẩm phán phải chỉ rõ tính chất, tình tiết vụ việc mình đang giải quyết tương tự với tính chất, tình tiết vụ việc trong án lệ.

Nếu áp dụng thì án lệ phải viện dẫn, phân tích, làm rõ trong bản án, quyết định của tòa án. Cái hay của án lệ là thẩm phán không bị bắt buộc phải áp dụng nhưng sẽ có hai lựa chọn: Nếu không áp dụng thì thẩm phán phải chứng minh tình tiết trong vụ việc của anh khác với tình tiết trong án lệ.

Nếu anh không chứng minh được mà vẫn không chịu áp dụng án lệ thì bản án của anh sẽ bị hủy. Nếu vụ việc anh đang giải quyết giống án lệ nhưng anh chứng minh được án lệ sai thì bản án của anh có thể được công nhận là án lệ để thay thế cho án lệ cũ.

Bởi án lệ có thể không sai vào thời điểm được lựa chọn nhưng theo thời gian có thể án lệ không còn phù hợp nữa do pháp luật thay đổi.

* Lần đầu tiên nước ta áp dụng án lệ nhưng hội đồng thẩm phán TAND tối cao chỉ lựa chọn được sáu án lệ, trong đó một số lĩnh vực như kinh doanh thương mại chưa có án lệ. Lý do tại sao? Có phải vì chất lượng bản án 
quá kém?

– Thứ nhất, việc áp dụng án lệ là rất mới nên khi lựa chọn bản án, quyết định làm án lệ, hội đồng thẩm phán rất coi trọng và cân nhắc rất kỹ. Cái gì đã rõ và thật cần thiết thì mới lựa chọn. Lý do thứ hai một phần là do chất lượng bản án của chúng ta chưa cao.

Ví dụ như quá trình lựa chọn, chúng tôi đã đề xuất nhiều quyết định của hội đồng thẩm phán TAND tối cao để phát triển thành án lệ nhưng khi họp, chính hội đồng thẩm phán lại chê án của mình không hay.

Riêng án kinh doanh thương mại chúng tôi có trình một bản án nhưng bị hội đồng thẩm phán bác bỏ.

Để việc áp dụng án lệ có hiệu quả thì cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng bản án. Chánh án TAND tối cao đã phát động phong trào thi đua, coi việc có bản án được lựa chọn phát triển thành án lệ là tiêu chí khen thưởng.

Án lệ không dành riêng cho thẩm phán mà cho toàn xã hội, vì vậy chúng tôi có phần mềm truy cập dữ liệu để người dân dù ngồi ở nhà cũng có thể xem được toàn văn bản án.

Trước mắt để phát triển án lệ, TAND tối cao đã giao Cục Công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu, sắp tới sẽ có một chuyên trang riêng hoặc phần mềm dữ liệu về án lệ.

Sẽ ban hành mẫu bản án.

“Chúng tôi nhận thức rằng muốn có án lệ tốt phải có bản án tốt. Vì vậy TAND tối cao đã có kế hoạch thiết kế lại mẫu bản án để hội đồng thẩm phán thông qua và ban hành kèm theo nghị quyết.

Mẫu bản án sẽ quy định cụ thể bản án sơ thẩm, phúc thẩm có những phần gì, thẩm phán phải phân tích, lập luận ra sao, đánh giá chứng cứ như thế nào, lý do đưa ra phán quyết trong bản án… để tạo nguồn cho việc lựa chọn và phát triển án lệ sau này.

Hiện nay có nhiều bản án thể hiện chưa đúng, lập luận sai, thừa… Chuyện cải tiến lại mẫu mã bản án là rất cần thiết.

Trong bản án phải có những nhận định mang tính chất định hướng, mang tính tổng quát để áp dụng những vụ việc khác nhau chứ không sa đà vào những vụ việc cụ thể.

TAND tối cao đang phát động phong trào nâng cao chất lượng bản án, đồng thời xây dựng phần mềm dữ liệu điện tử để công khai minh bạch bản án, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận án lệ một cách dễ dàng” – ông Chu Thành Quang nói.

Theo: Tâm Lụa (TTO)

Án lệ áp dụng trong xét xử: Chánh án TAND tối cao đã công bố 6 án lệ được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thông qua, các tòa án trên toàn quốc có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng trong xét xử kể từ ngày 1-6-2016. Nội dung chính của 6 án lệ: (Xem tiếp)

Bài liên quan

Ngành Luật: Án lệ áp dụng trong xét xử.

Chánh án TAND tối cao đã công bố 6 án lệ được Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thông qua, các tòa án trên toàn quốc có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng trong xét xử kể từ ngày 1-6.   

Cùng chuyên mục