Trước kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, nhiều học sinh bối rối không biết chọn ngành nghề nào.
Rất nhiều thí sinh thiếu thông tin về một số ngành nghề đang rất cần nguồn nhân lực và khả năng phát triển tốt, nhưng lại ít thí sinh đăng ký dự thi. Ngành logistics là một trong những ngành như thế. Phóng viên Báo DĐDN đã trao đổi với ông Trần Huy Hiền – Tổng Thư ký Hiệp hội giao nhận kho vận VN xung quanh vấn đề này.
– Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của ngành logistics trong nền kinh tế ?
Logistics là ngành rất rộng, bao gồm: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá.
Ngành logistics có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nhất là ngày nay sự phát triển của sản xuất hàng hóa thay đổi rất nhanh về sản lượng, kiểu dáng, giá thành sản phảm, thói quen người tiêu dùng hay môi trường kinh doanh. Sự thay đổi này diễn ra rất nhanh và mang tính toàn cầu. Mỗi một sự thay đổi dù là nhỏ vẫn dẫn đến sự thay đổi về dòng chảy hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Quốc gia nào có ngành logistics phát triển, sẽ đáp ứng tốt cho dòng chảy này và tạo nên lợi thế cạnh tranh cao.
Chính phủ VN đã nhận thức được điều đó và đã có những chỉ đạo chiến lược dài hơi cho sự phát triển của ngành logistics. Chính phủ đã ban hành Quyết định 175/QĐ/TTg về chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020. Trong đó, ngành logistics được xem là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối các ngành dịch vụ khác cũng như lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Phấn đấu đưa tốc độ phát triển ngành logistics lên 20 – 25%/ năm. Cho thấy nhân lực cho ngành logistics là yêu cầu cấp thiết của quốc gia.
Nghành logistics của VN đã phôi thai từ lâu nhưng chỉ thực sự bắt đầu phát triển vào thập niên 90, khi VN thực hiện chính sách mở cửa. Trải qua hơn 20 năm phát triển bùng nổ thì hiện nay ngành logistics đã đạt được những thành tích lớn đóng góp vào sự phát triển đất nước. Điều này được thể hiện qua con số chi phí cho dịch vụ logistics chiếm 25% GDP của cả nước.
Nếu so với thế giới thì ngành logistics của VN còn tụt hậu rất xa. Theo Ngân hàng thế giới, chỉ số đánh giá năng lực logistics (LPI) của VN vào tháng 9/2011 là 2,96. Xếp hạng 53 trên tổng số 155 quốc gia được đánh giá (bằng mức 2010), và xếp thứ 5 trong khối ASEAN.
– Thưa ông, vậy nguồn nhân lực có đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành logistics hiện nay ?
Hiện cả nước có khoảng 1.000 DN đang hoạt động trong ngành logistics với khoảng 1 triệu lao động. Đa số lao động đang làm việc trong ngành được tuyển từ nhiều ngành nghề khác nhau. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics TP HCM về chất lượng nhân lực logistics cho thấy: 53,3% DN thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics; 30% DN phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% DN hài lòng với chuyên môn của nhân viên. Dự kiến trong ba năm tới, các DN dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, các DN sản xuất, thương mại, dịch vụ cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.
– Để giải quyết được bài toán “nguồn nhân lực cho ngành logistics”, chúng ta cần làm những gì, thưa ông ?
Hiện các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới về logistics đều đã có mặt ở VN. Hoạt động của ngành logistics VN chủ yếu do các Cty nước ngoài nắm giữ. Các tập đoàn nước ngoài đã đưa vào VN các chuyên gia giỏi về logistics. Sự đào tạo và chuyển giao tất yếu đã diễn ra và điều đó đã góp phần phát triển ngành logistics VN.
Chi phí cho dịch vụ logistics chiếm 25% GDP của cả nước.
Tuy nhiên để chủ động về nguồn nhân lực logistics, VN cần phải thành lập trường đào tạo chuyên ngành logistics. Một số trường đại học nước ta đã đưa ngành logistics vào chương trình giảng dạy, như Đại học Giao thông vận tải, đại học Ngoại thương, Đại học Hàng hải, Đại học Kinh tế TP. HCM… các trường này cần chủ động tiếp cận, tư vấn cho học sinh lựa chọn ngành logistics khi đăng ký dự thi đại học. Thực tế đây là ngành rất “hot”, nhưng nhiều học sinh và phụ huynh chưa có thông tin.
Ngoài các trường đại học, ở TP HCM còn có một số viện, trung tâm đào tạo logistics với nhiều hình thức đào tạo linh động, ngắn hạn, vừa học vừa làm, như Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics ở Tân Bình, TP HCM trực thuộc Hiệp hội Giao nhận kho vận VN VIFFAS. Viện đã phối hợp với FIATA mở nhiều chương trình đào tạo quốc tế về ngành logistics. Mới đây, Tổng Cty Tân cảng Sài Gòn đã phối hợp với Tập đoàn chuyên về đào tạo hàng hải và logistics hàng đầu thế giới của Hà Lan, khánh thành Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Tân Cảng – STC đặt tại Cảng Cát Lái. Quận 2, TP. HCM.
– Thưa ông, để làm tốt trong ngành logistics, sinh viên sẽ cần có những kỹ năng gì ?
Trước hết sinh viên cần phải học ở các trường, đang có chương trình học về hàng hải, ngoại thương, kinh doanh quốc tế, bảo hiểm vận tải và một ngành logistics. Trong quá trình học sinh viên cần định hướng sau này mình sẽ làm nghề gì trong ngành logistics. Cần tìm hiểu những người đi trước để chọn công việc phù hợp. Sau đó phải có nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt nếu đề tài tốt nghiệp được đầu tư đúng với công việc mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp thì cơ hội thành công rất cao. Vì vậy sự gắn kết giữa học và sau này làm nghề gì cần được chú ý ngay từ đầu. Các sinh viên cần xin vào các Cty có ngành mình muốn làm để thực tập và nếu có thể làm thêm trong quá trình đang đi học. Nếu các em làm được điều này chắn chắn ngay sau khi ra trường các em có thể tìm ngay được công việc phù hợp.
– Xin cảm ơn ông !
Nguồn: diễn đàn doanh nghiệp