(hieuhoc_hieuhoc.com) Sự bùng nổ các phương tiện truyền thông đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ các nhà quản trị truyền thông và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Các nhà quản trị chuyên nghiệp phải có khả năng phân tích rộng áp dụng trong ngành công nghiệp thông tin – truyền thông về các vấn đề ảnh hưởng đến công việc hằng ngày và xây dựng một tư duy chiến lược làm nền tảng vững chắc trong các lĩnh vực kinh doanh truyền thông và truyền thông kinh doanh, ứng phó sáng tạo và thực tiễn trong môi trường truyền thông địa phương và toàn cầu.
Ngày nay, việc các nhà quản trị dựa trên các dữ liệu thông tin thu thập được từ nhiều nguồn để có thể ra các quyết định kịp thời cho hoạt động của doanh nghiệp không còn là những điều mới mẻ trong hoạt động quản trị.
Nhưng vấn đề chính là những thông tin mà doanh nghiệp thu thập được có chính xác hay không? Giá trị hay không? Và có đảm bảo đó chính là những cơ sở cần có để các nhà quản trị dựa vào đó ra các quyết định chiến lược hay không? Quá trình thu thập diễn ra như thế nào, có đủ tính khoa học hay không…?
Chính vì vậy, các nhà quản trị truyền thông cần phải phải nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp và có tầm nhìn chiến lược về truyền thông. Đó là, xác định mục đích thu thập thông tin, phân tích và đánh giá các thông tin thu thập được, đảm bảo tính khách quan của thông tin và thực hiện công tác kiểm tra xuyên suốt quá trình thu thập thông tin. Sau đó, đưa ra các dự báo và chuyển giao cho các nhà quản trị có trách nhiệm
Quản trị Truyền thông là môn khoa học xã hội, phân tích những xu hướng, dự đoán những kết quả, tư vấn đưa ra các lời khuyến cáo cho các nhà lãnh đạo của tổ chức và thực hiện các chương trình hành động đã được lập kế hoạch để phục vụ quyền lợi của cả tổ chức và công chúng như: Truyền thông tập đoàn, phân tích hành vi tổ chức, truyền thông tiếp thị; truyền thông, văn hóa và xã hội; kinh tế học truyền thông, tài chính truyền thông, phương pháp nghiên cứu truyền thông…
Quản trị truyền thông không chỉ cần cho những người đang làm việc trong các cơ quan thông tin-truyền thông mà còn cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ quảng bá trên các phương tiện truyền thông, cũng như các nhân viên chuyên trách tiếp thị, quảng cáo, giao tế cộng đồng, tổ chức sự kiện, xây dựng nhãn hiệu… tại các doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài khu vực truyền thông.
Được biết, ngày 10-11, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TPHCM đã ký kết hợp tác với ĐH Stirling – một trong những trường hàng đầu của Vương quốc Anh, tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị truyền thông, loại hình đào tạo tập trung 12 tháng, khai giảng vào tháng 1-2011. Ngoài ra, các khóa học chuyên tu, nâng cao và truyền thông cơ bản – PR cũng được các trường ĐH, CĐ và các Viện – Trung tâm Khoa học tổ chức những lớp đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành Quản trị truyền thông, giúp các doanh nghiệp thành công trong việc ứng dụng truyền thông vào việc xây dựng và quản trị thương hiệu
Chí Thông tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)