(Hiếu học) Học ngành điều khiển tàu biển ra trường phải làm việc trên tàu nên xa nhà và khá vất vả. Nhưng ngành này có cơ hội việc làm tốt và thu nhập cao. Các công việc trên tàu gồm: điều khiển tàu biển, quản lý và vận hành hệ thống máy móc, hệ thống điện, điện tử trên tàu, bảo quản hàng hóa chuyên chở trên tàu. Sau một thời gian đi biển có thể dễ dàng tìm được việc làm trên bờ tại các cảng biển, công ty bảo hiểm, công ty giám định hàng hải và các doanh nghiệp dịch vụ liên quan khác…
Yêu cầu nghề nghiệp
Ngành điều khiển tàu biển thuộc nhóm ngành Hàng hải, yêu cầu thí sinh dự thi phải đạt tiêu chuẩn
Sức khỏe: Có sức khỏe đáp ứng với điều kiện làm việc trên biển và các công việc có liên quan, tổng thị lực hai mắt từ 18/10 trở lên, không mắc các bệnh khúc xạ; nghe rõ khi nói bình thường trong khoảng 5m, nói thầm cách 0,5m; cân nặng từ 45 kg trở lên. Thí sinh thi vào ngành điều khiển tàu biển còn phải có chiều cao từ 1,64m trở lên (đối với nữ là 1.60 và thi vào ngành khai thác máy tàu biển chiều cao đạt từ 1,58m trở lên).
Kiến thức: Theo trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM, ngành điều khiển tàu biển cần có kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên và xã hội; Có khả năng vận dụng chúng vào việc tiếp cận khai thác các thông tin và kiến thức mới; Có khả năng sử dụng khoa học cơ bản vào nghiên cứu và phát triển học thuật; Có kiến thức về xác suất thống kê, lý thuyết sai số để đánh giá độ chính xác của đại luợng đo đạc và nghiên cứu các chuyên đề liên quan đến an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường biển.
Công nghệ thông tin: Đạt trình độ B hoặc tương đương
Ngoại ngữ: Có trình độ tiếng Anh IELTS 4.0 điểm hoặc tương đương (405 – 500 điểm TOEIC; 437 – 473 điểm TOEFL Paper, 123 – 150 Điểm TOEFL CBT, 41 – 52 điểm TOEFL iBT, chứng chỉ B theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo); Có khả năng giao tiếp tiếng Anh hàng hải trong công việc chuyên môn; khả năng đọc, hiểu các Công ước, luật hàng hải, các quy định liên quan… bằng tiếng Anh
Kiến thức chuyên ngành và kỹ năng chuyên môn: Tiếp thu tốt chuơng trình đuợc học để có khả năng xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý an toàn trên tàu biển và các công ty vận tải biển; Có khả năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm. Có tư duy độc lập và sáng tạo; Có khả năng suy luận và thuyết trình logic
Vị trí đảm nhận, khả năng công tác sau khi tốt nghiệp:
Sinh viên tốt nghiệp ngành điều khiển tàu biển có thể công tác trên tất cả các loại tàu vận tải sông biển ở trong nước và quốc tế, tàu khai thác và dịch vụ về dầu khí, các công ty vận tải biển, công ty vận tải đường sông, công ty hoa tiêu, công ty bảo hiểm hàng hải và các tổ chức liên quan đến vận tải biển như: Sĩ quan hàng hải mức vận hành; Làm việc ở các công ty bảo hiểm, Giám định hàng hải, Cảng vụ, Hoa tiêu, Cục hàng hải, các công ty VTB, Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Bảo vệ môi trường biển. Đại học Giao thông Vận tải TPHCM cũng cho biết, sinh viên năm thứ tư các ngành Điều khiển tàu biển và các ngành khác như Thiết kế thân tàu thủy, Kinh tế vận tải biển, Máy tàu biển đã được các công ty vận tải biển quốc tế đến tuyển dụng và khi ra trường nhận mức lương rất cao, hơn 1.000 USD/tháng.
Một số trường đào tạo ngành học này gồm: Đại học Hàng Hải, Đại học Giao thông Vận tải TPHCM, ĐH Nha Trang…
–Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhiều năm nay hai ngành điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu thủy chỉ tuyển nam, không tuyển nữ. Tuy nhiên từ kỳ thi tuyển sinh 2011, hai ngành này sẽ tuyển nữ như những ngành kỹ thuật khác với tổng chỉ tiêu đại học là 340. Ở bậc cao đẳng, hai ngành này cũng tuyển nữ.
– Chuyên ngành Điều khiển tàu biển của Đại học Giao thông Vận tải TPHCMnăm 2011 lấy 190 chỉ tiêu bậc ĐH; ở bậc cao đẳng có 80 chỉ tiêu, trường không tổ chức thi tuyển, mà lấy kết quả thi đại học năm 2011 của những thí sinh đã dự thi khối A vào các trường đại học trong cả nước theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT để xét tuyển, trên cơ sở hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Sinh viên tốt nghiệp có thể công tác trên tất cả các loại tàu vận tải biển, sông, tàu khai thác và dịch vụ dầu khí của các công ty vận tải biển trong và ngoài nước; các công ty bảo hiểm, hoa tiêu, đại lý tàu và các tổ chức có liên quan đến vận tải thủy.
– Điểm chuẩn ngành điều khiển tàu biển của Đại học Hàng Hải năm 2010: 14,5 điểm; Đại học Giao thông Vận tải TPHCM: 13 điểm.
– Chỉ tiêu tuyển sinh trường ĐH Nha Trang năm 2011: Đào tạo 70 chỉ tiêu ngành Điều khiển tàu biển (khối A).
Nhiều chủ tàu biển đặt hàng đào tạo sĩ quan thực tập
Trung tâm Đào tạo và Nguồn nhân lực hàng hải là liên doanh giữa Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM và Tập đoàn Đào tạo vận tải biển và giao thông STC-Group Hà Lan, đã tìm nhiều học bổng và việc làm cho sinh viên các ngành đi biển (điều khiển tàu biển và máy tàu thủy).
Ngay khi tốt nghiệp, sinh viên được thực tập trên tàu nước ngoài với chức danh sĩ quan thực tập, nhận phụ cấp ít nhất 400 USD/tháng; được học miễn phí bất kỳ khóa học đào tạo bổ sung theo yêu cầu của Công ước Quốc tế STCW’95 hoặc của công ty tàu để đạt được chứng chỉ chuyên môn mức vận hành (sĩ quan hàng hải cấp thấp) và mức quản lý (sĩ quan hàng hải cấp cao); được tuyển dụng làm sĩ quan hàng hải làm việc trên các tàu hiện đại và mức lương sĩ quan theo tiêu chuẩn của châu Âu…
Hiện trung tâm đã ký thỏa thuận với nhiều đối tác nước ngoài như Tập đoàn Vận tải biển Stolt-Nielsen (SNTG) Hà Lan, Tập đoàn Münchmeyer Petersen Crewing (MPC) Đức, Công ty Vận tải biển Seatrade Groningen BV Hà Lan, Công ty Vận tải biển Triton Đức, Hiệp hội Chủ tàu Na Uy, Công ty Vận tải biển Wagenborg Hà Lan và Công ty Quản lý tàu biển Graig Anh. Các tập đoàn này sở hữu đội tàu biển gồm hơn 2.000 chiếc. Hiện nay đã có khoảng 260 sinh viên và sĩ quan thực tập của Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM đã ký hợp đồng với các công ty vận tải này và được cấp học bổng hoặc phụ cấp đi thực tập trên tàu. (Ông Tô Văn Long, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nguồn nhân lực hàng hải).
Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)