(Hiếu học) Chương trình đào tạo ngành Cơ – Điện Tử kết hợp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, cơ học và cơ điện tử, công nghệ máy công nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao về Cơ-Điện tử của các tập đoàn, các công ty, viện nghiên cứu…
Ngành Cơ-Điện tử: đào tạo công nghệ hiện đại
Cơ Điện tử (Mechatronics) là một chuyên ngành được hình thành trong thời gian gần đây, Cơ Điện tử về cơ bản là sự kết hợp phức hợp của các ngành cơ khí, điện tử, và tin học.
Cùng với sự phát triển của công nghệ và máy móc hiện đại, các robot đang không ngừng phát triển về số lượng cũng như khả năng của chúng. Robot ngày càng thông minh, đảm nhận thay thế những công việc mà con nguời không thể thực hiện như đi vào vùng phóng xạ, giải cứu nguời trong hoả hoạn… Thế hệ tương lai sắp tới đón nhận robot vào những công việc trong gia đình như trông nhà, dọn dẹp nhà cửa, theo dõi sức khoẻ… Mỗi robot có bộ phận xử lý trung tâm (não bộ) (ngày nay còn được tích hợp thêm trí thông minh nhân tạo), các cơ cấu tác động (tay để cầm nắm, bánh xe di chuyển…), và các bộ phận cảm nhận (cảm biến) ghi nhận kích thích để gửi về bộ phận xử lý trung tâm. Robot chính là một sản phẩm của ngành Cơ Điện tử.
Với khả năng am hiểu về cơ khí, điện tử, tin học, và các công nghệ hiện đại… kỹ sư Cơ Điện tử đưa vào các sản phẩm cơ khí hệ thống điều khiển linh hoạt bằng điện tử, và thông qua hệ thống điện tử, kết nối với hệ thống xử lý thông tin – trí thông minh nhân tạo để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Hiện nay các trường mở rộng đào tạo ngành cơ điện tử ngày một nhiều, gần như các trường kỹ thuật đều có mở chuyên ngành cơ điện tử. Chương trình đào tạo đại học ngành Công nghệ Cơ điện tử nhằm đào tạo cử nhân, kỹ sư Công nghệ Cơ điện tử với thời gian 4 năm.
Cơ-Điện tử: Hơn 90% SV ra trường có việc làm đúng ngành học.
Là một trong những chương trình đầu tiên trong cả nước triển khai đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, năm 2007, Trường ĐH Công Nghệ đã ký kết hợp tác với Tập đoàn IMI xây dựng và tuyển sinh đào tạo chương trình Cử nhân ngành Công nghệ Cơ – Điện tử.
Chương trình đào tạo này kết hợp thế mạnh về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông sẵn có của trường ĐHCN, thế mạnh về cơ học và cơ điện tử của Viện Cơ học, thế mạnh về cơ điện tử, công nghệ máy công nghiệp của Tập đoàn IMI cùng định hướng đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao về cơ điện tử của chính Tập đoàn IMI.
Khóa học này có 73 sinh viên tốt nghiệp (đạt tỷ lệ 94,74%) trong đó có 22% loại giỏi, 75% loại khá. Trong số này, đã có 93,15% sinh viên tìm được nơi làm việc đúng chuyên môn của ngành đã học: 46,58% làm việc tại Tập đoàn IMI, 38,36% làm việc tại Công ty nước ngoài (Samsung, Canon,…), 8,23% làm việc tại các trường ĐH, Viện nghiên cứu.
Cơ điện tử đang được đầu tư phát triển, và khả năng ứng dụng của cơ điện tử vào công nghiệp sản xuất là rất rộng, do dó người thuộc chuyên môn cơ điện tử có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Ngoài công việc chuyên môn, người kỹ sư Cơ điện tử còn có thể thích ứng vào công việc của các lĩnh vực cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ cao… chẳng hạn như: điều hành và tổ chức quản lý hoạt động sản xuất, xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm, vận hành và điều hành hoạt động của các thiết bị công nghệ tự động…
Đồng thời trong đó các thiết bị điện tử và các bộ vi xử lý sử dụng trong công nghiệp ngày càng nhiều nên công việc thiết kế, chế tạo, vận hành, bảo trì và nâng cấp các hệ thống sản xuất tiên tiến đòi hỏi phải có đủ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao, có kiến thức liên ngành. Chính vì vậy, theo dự báo của các chuyên gia ngành Cơ điện tử, nhu cầu nhân lực cho ngành này đang có chiều hướng ngày càng gia tăng và đặc biệt là vài năm tới.
Chí Thông tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)