(Hiếu học) Mục tiêu của Việt Nam đề ra là đến năm 2020 đạt 1 triệu nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT), tương đương mỗi năm cần có thêm 60.000 người gia nhập vào ngành này.
Theo Sách trắng CNTT Việt Nam 2011 – (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố:
Ngành phần mềm tăng trưởng trung bình 29%/năm trong năm năm qua với doanh thu năm 2010 đạt 1 tỉ USD và tỷ trọng xuất khẩu 35%. Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp với hơn 70.000 lao động có năng suất bình quân 14.800 USD/người/năm. Lĩnh vực dịch vụ nội dung đạt 935 triệu USD với gần 60.000 lao động có năng suất bình quân 18.300 USD/người/năm. Mảng phần cứng – điện tử đạt 5,6 tỉ USD với gần 130.000 lao động có năng suất trung bình gần 40.000 USD/người/năm. Thu nhập trung bình của một kỹ sư phần mềm hơn 4.200 USD/năm, gấp hơn hai lần thu nhập của lao động trong mảng phần cứng với khoảng 1.800 USD/năm.
Mục tiêu của Việt Nam đề ra là đến năm 2020 đạt 1 triệu nhân lực CNTT, tương đương mỗi năm cần có thêm 60.000 người gia nhập vào ngành này.
Ông Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng nếu căn cứ theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin-Truyền thông và Bộ Giáo dục-Đào tạo thì thấy đến năm 2020, mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT là có thể đạt được. “Số lượng các cơ sở đào tạo chính quy về CNTT đã tăng nhanh qua từng năm: năm 1995 mới chỉ có bảy khoa CNTT, thì đến năm 2010 đã có tới 133 trường đại học, 153 trường cao đẳng và 351 trường trung học chuyên nghiệp có đào tạo CNTT. Chỉ tiêu tuyển sinh liên quan đến CNTT năm 2010 là khoảng 60.000 người và năm sau thường cao hơn năm trước khoảng 6-8%”, ông Thắng cho biết.
Tuy nhiên, nếu không có các giải pháp căn cơ về đào tạo nguồn nhân lực gắn với các mục tiêu phát triển thị trường công nghệ, chúng ta khó có thể giải quyết được yêu cầu về ngành CNTT như một ngành công nghiệp dịch vụ. Theo GS Đặng Hữu, nguyên trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Việt Nam có lợi thế so sánh trên thị trường lao động toàn cầu nhờ lực lượng lao động trẻ rất lớn nhưng thực tế giai đoạn vừa qua vẫn không thể đột phá. Nếu không bắt đầu từ khâu đào tạo để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thì giai đoạn tới sẽ vẫn khó khăn.
Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực
Theo báo SGTT, – GS. TSKH Hoàng Kiếm, hiệu trưởng trường đại học CNTT (đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, việc đào tạo hiện không lo thiếu về số lượng mà lo chất lượng nhân lực phải theo kịp yêu cầu thị trường và đạt chuẩn quốc tế về nghề. Vì đây là một nghề mà yêu cầu về nguồn nhân lực khắt khe, phải đáp ứng được yêu cầu của chuỗi cung ứng dịch vụ toàn cầu. Thực tế trên cả nước có gần 400 trường đại học có đào tạo sinh viên ngành CNTT từ cấp cao đẳng trở lên, nhưng chỉ số ít trường đào tạo sinh viên theo chuẩn quốc tế. Hơn 50.000 kỹ sư ra trường hàng năm nhưng nếu đánh giá chất lượng nghiêm túc thì chưa đến 10% đạt yêu cầu về nghề.
Mặt khác, lĩnh vực CNTT hiện có hàng chục ngành nghề khác nhau và những ngành mới ra đời liên tục, nhưng việc đào tạo hiện nay vẫn theo lối mòn với mỗi trường có những ngành na ná nhau. Việc mở thêm những lĩnh vực mới vẫn là một khó khăn trong cơ chế đào tạo hiện nay, nhất là những ngành đặc thù như tin học cho tài nguyên môi trường, viễn thám, tài chính chứng khoán… dù nhu cầu thị trường đang rất cao. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân lực cấp cao trên thị trường cũng đang là nỗi lo của doanh nghiệp. Nhiều dự án cao cấp triển khai cho các ngành công nghiệp vẫn đang phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí cao hơn nhiều lần, bởi nguồn nhân lực trong nước không đáp ứng đủ.
Một ngành công nghiệp đã trải qua hơn mười năm phát triển vẫn thiếu trầm trọng đội ngũ nhân sự cao cấp như kiến trúc hệ thống, giám đốc dự án hay các nhà quản lý cấp trung thì sự khập khễnh cho toàn bộ đội ngũ nhân lực về lâu dài là khó tránh khỏi.
Còn hạn chế về chất lượng lẫn quy mô
Theo ông Ngô Văn Toàn, phó tổng giám đốc công ty Global CyberSoft, vấn đề nhân lực trước nay vẫn là bài toán khó cho doanh nghiệp. Đó là khó khăn chung vì thế mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược đào tạo riêng và đầu tư để hình thành nguồn lao động phù hợp cho lộ trình kinh doanh của mình. Tuy nhiên, nếu xét ở quy mô ngành sẽ là điểm yếu cho toàn thị trường CNTT. Hệ quả là doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đến nay đa phần vẫn ở quy mô nhỏ. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến năng lực và tiềm năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu, đặc biệt đối với những dự án cần lượng nhân lực lớn.
Sau hơn mười năm phát triển, số doanh nghiệp có được vài trăm kỹ sư vẫn còn quá ít. Điều này cũng phản ánh rằng sự phát triển của các doanh nghiệp trong ngành chịu rất nhiều hạn chế về chất lượng lẫn quy mô, mặc dù số kỹ sư CNTT hiện đã tăng lên rất nhiều so với cách đây mười năm, số lượng doanh nghiệp cũng nhiều và đa dạng hơn. “Lý do có nhiều nhưng tựu trung vẫn liên quan đến hai vấn đề lớn: nền tảng môi trường cho tăng trưởng còn kém và nút thắt cổ chai là ở chất lượng nguồn nhân lực”, theo ông Toàn.
Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, chủ tịch TMA Solutions, ở thị trường nào cũng vậy, nếu cầu (lao động) luôn lớn hơn cung sẽ làm cho doanh nghiệp thường chỉ quan tâm đến các lợi ích ngắn hạn. Khó khăn có nhiều nhưng phần lớn là doanh nghiệp luôn muốn tìm những người có kinh nghiệm trong khi lực lượng này là không có nhiều. Mặt khác, vì là đa số doanh nghiệp ở quy mô nhỏ nên không thể tất cả đều có được chính sách, năng lực hoặc khả năng tài chính để đào tạo dài hơi cho việc phát triển, tạo thêm căng kéo trên thị trường.
Ông Ngô Hùng Phương, tổng giám đốc CSC Việt Nam cho rằng, tình hình đào tạo và phát triển so với mười năm trước có những tiến bộ nhưng không nhiều, bởi quanh đi quẩn lại chúng ta chỉ có một số doanh nghiệp lớn và không có nhiều doanh nghiệp mới. Vì thế cũng chỉ số ít doanh nghiệp mạnh mới có thể có chiến lược sử dụng nguồn nhân lực ít kinh nghiệm hơn. Trong khi để toàn ngành phát triển, mỗi công ty phải đầu tư nhiều hơn để làm điều này cho lợi ích lâu dài của toàn thị trường: nguồn nhân lực ổn định, giá cả thấp và tỷ lệ chuyển việc thấp.
Trong khi lợi điểm của Việt Nam trên thị trường CNTT toàn cầu đang giảm dần: tỷ lệ lao động chuyển việc chỉ từ 7 – 8% cách đây 5 năm, nay đã tăng lên khoảng 15%. Lý do chính vẫn là do chúng ta không có giải pháp đột phá, quyết liệt và nhanh chóng để cải thiện nguồn nhân lực.
Tuấn Phong tổng hợp