Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được coi là xu thế phát triển, dự báo sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam. Song nó cũng đặt ra những nguy cơ về an ninh mạng trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp.
Nhận định trên được những người trong ngành đưa ra tại Hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật 2017 do Cục An ninh mạng, Cục An toàn thông tin phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức ngày 4-4 tại Hà Nội.
Ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ được dự báo sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tự động hóa các quy trình kinh doanh, tăng cường khả năng kết nối qua các thiết bị di động và tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn. Đồng thời, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng bên cạnh những lợi ích và cơ hội, cuộc cách mạng này cũng đang đặt ra cho Việt Nam những hiểm họa khôn lường về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh mà các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam nhấn mạnh, thời gian qua tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công vào ngân hàng, viễn thông, giao thông… ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vấn đề phòng chống tấn công mạng, chống khủng bố mạng… trở thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cấp thiết của mọi quốc gia.
Thống kê từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho thấy, đã có hơn 134.000 sự cố an ninh mạng xảy ra trong năm 2016, tăng gấp bốn lần so với năm 2015.
Thông tin ghi nhận từ hội thảo cho thấy, trong khi nguy cơ an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi nhưng nhiều người dùng vẫn chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ để bảo vệ mình.
“Thực tế đang đòi hỏi mọi người dân, tổ chức cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, tìm kiếm các giải pháp an ninh mạng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng an ninh mạng… để xử lý các nguy cơ, sự cố an ninh mạng”, ông Nam nói.
Hơn 73% doanh nghiệp thiếu năng lực bảo mật thông tin
Khảo sát an toàn thông tin tại Việt Nam do Ernst & Young Việt Nam thông tin tại một hội thảo tại TPHCM sáng nay (4-4) cho thấy có hơn 73% doanh nghiệp tại Việt Nam thiếu nhân sự đủ năng lực về bảo mật an toàn thông tin doanh nghiệp.
Dù thiệt hại về mất an toàn thông tin doanh nghiệp tại nhiều lĩnh vực như ngân hàng, tài chính, sản xuất công nghiệp… là rất lớn nhưng khảo sát của Ernst & Young tại Việt Nam cho thấy rất còn nhiều doanh nghiệp vẫn lơ là, chưa đầu tư đúng mức cho bảo mật an toàn thông tin gồm các khâu như giám sát bảo mật, ứng cứu sự cố, phân tích và nhận biết các mối đe dọa.
Theo các chuyên gia an toàn thông tin, thông thường chi phí đầu tư cho an toàn thông tin doanh nghiệp mất khoảng 1-3% tổng doanh thu, đây là khoảng đầu tư xứng đáng để doanh nghiệp an toàn cả ba bước: nhận diện – phòng vệ – ứng phó với sự cố mất an toàn thông tin.
Tuy nhiên, hiện trạng tại Việt Nam theo nhận định của một số chuyên gia cũng cho thấy hầu hết doanh nghiệp chỉ đầu tư cho khâu “phòng vệ” và không quan tâm đúng mức hai khâu “nhận diện” và “ứng phó” trước rủi ro bị tấn công.
Thông tin thời sự thời gian gần đây trên thế giới và cả ở Việt Nam là những vụ tấn công mạng tại một số sân bay, doanh nghiệp tài chính, thông tin cá nhân bị đánh cắp… dẫn đến những thiệt hại không nhỏ cho cá nhân và doanh nghiệp.
Theo: (TBKTSGO)