Sáng qua, anh bạn tôi đưa con đi thi.
Kỳ thi rất quan trọng, vừa tốt nghiệp phổ thông trung học, lại lấy điểm xét tuyển vào đại học luôn, áp lực tăng hơn nhiều. Suốt dọc đường, hai bố con im lặng. Nhưng trước khi quay lưng bước vào phòng thi, cậu con trai cao 1m83 ngập ngừng cúi xuống thì thầm với bố: Nếu con thất bại thì sao, hả bố?
Anh hơi rơm rớm, kể lại với tôi trong lúc uống cà phê đợi con thi. Anh nói, khi nghe xong câu hỏi ấy, anh rất bối rối, và trả lời con một cách rất khuôn sáo. Rằng thôi con cứ cố gắng hết sức, rằng kết quả cuối cùng không quan trọng bằng việc mình đã thực sự nỗ lực, và nỗ lực thì luôn mang lại kết quả tốt thôi…
Nhưng anh biết rằng, con mình không hề an tâm vào phòng thi với câu trả lời của bố.
Anh thú nhận với tôi, chính bản thân cũng không chuẩn bị tâm lý cho phương án con mình sẽ thi trượt. Anh – một nhân vật của công chúng – chưa bao giờ nghĩ rằng con mình sẽ trượt kỳ thi tốt nghiệp PTTH, bước đệm thấp nhất để vào đời.
Và anh lý giải câu hỏi của con mình rằng, có lẽ nó sợ nếu thi trượt, thì nó sẽ mất đi những thứ mà bố sẽ làm cho mình. Như là đi du học nước ngoài, hay gần hơn, là một chuyến du lịch Châu Âu, một chiếc xe máy mới… Trong suy nghĩ của chúng – những đứa trẻ to xác – thì “bước ngoặt” này chỉ gồm vài phép tính giản đơn. Chúng chưa hiểu được sự khắc nghiệt của cuộc đời.
Áp lực lớn nhất, thật ra nằm ở chính các bậc phụ huynh, đang quan sát với tâm thế của những người đã nếm trải nhiều đắng cay trên đường đời.
Chúng ta thường nói với con cái những điều lý tưởng. Ví dụ như, con muốn làm gì thì làm, miễn là con phải thật thích, và làm thật giỏi. Hay là, nghề nào cũng cao quý như nhau, và một người thợ giỏi còn cần hơn một người thầy tồi. Hoặc thậm chí rất “thoáng” như là, cánh cửa đại học không phải là duy nhất để vào đời…
Nhưng thực tế, hãy nhìn cách chúng ta – những người lớn, những bậc phụ huynh – hành xử với nhau. Chúng ta xuýt xoa khen ngợi các thần đồng toán học, những đứa trẻ giỏi giang thi thố trên các game show truyền hình. Được học bổng của trường này trường nọ, bây giờ là một dạng thần tượng mới.
Chủ nghĩa vị lợi – một thứ không sai, nhưng cũng chẳng phải chân lý sống – thấm vào đời sống một cách vô thức. Tôi quan sát biết bao thị dân xung quanh mình, nhiệt thành gặp gỡ thăm hỏi những bạn bè, người thân có cùng mức sống, mà lạnh nhạt thờ ơ với những họ hàng ở nông thôn, những người lao động chân tay cơ hàn. Họ làm việc đó hồn nhiên, không cần tính toán. Tôi đã nghe biết bao phụ huynh, trong những cơn giận dữ bất lực, nói với bọn trẻ rằng nếu chúng không chịu học hành chăm chỉ, thì lớn lên sẽ chỉ đi quét rác, đi làm công nhân.
Chúng ta chỉ trích ngành giáo dục, phản đối áp lực thi cử, thường xuyên đưa ra các dẫn chứng về mô hình phổ cập giáo dục tự chọn ở phương Tây. Nhưng chính những người lớn – dù ở vai trò chủ doanh nghiệp, quản lý nhà nước hay chỉ là người quan sát – thì vẫn không thể thoát khỏi tư duy hệ thống, xếp vào hàng, và lấy bằng cấp, thành tích… để đánh giá con người.
Định kiến về vị trí trong xã hộiđược tạo ra từ chính những người trưởng thành. Một đứa trẻ suốt 18 năm lớn lên, ngày ngày chứng kiến điều ấy từ trong nhà tới xã hội. Và một ngày kia, chúng ta nghĩ rằng có thể khiến chúng tự tin vào điều ngược lại, vào sự phá cách của cái tôi, chỉ với một câu: Không sao đâu con ạ.
Đơn giản thế thôi ư?
Có lần, tự nhiên con tôi nói với tôi: Con lo lắm bố ạ. Nó mới hơn 6 tuổi, học lớp một, và nó làm tôi lo thực sự với câu nói ấy. Hóa ra, cháu được cô giáo cho vào đội tuyển đại diện cho lớp đi thi giải toán nhanh. Và trước ngày thi, nó lo sẽ làm bài không tốt. Tôi lúc ấy thương con đến mức, chỉ muốn gọi điện ngay cho cô giáo xin cho cháu ra khỏi danh sách.
Nhưng cuối cùng, tôi cũng chỉ có thể động viên cháu vài câu, cũng khuôn sáo như anh bạn tôi ở trên nói với con mình. Biết gỡ áp lực cho con như thế nào đây, khi mà ngay từ đầu vào lớp 1, nó đã phải vượt qua kỳ thi tuyển lựa. Và những kỳ thi sẽ còn kéo dài vô số trong suốt bao nhiêu năm học sau này…
Một cô giáo, trong buổi tổng kết cuối năm vừa rồi, đã nói với những học sinh cuối cấp của mình một điều ngắn gọn: Các em có quyền thành công, và các em cũng có quyền thất bại.
Hôm nay, những học sinh cuối cấp 3 tiếp tục hoàn thành kỳ thi của mình. Rất nhiều em đêm qua đã trằn trọc với câu hỏi: Nếu mình thất bại thì sao?
Cho đến khi các em thực sự trưởng thành để có câu trả lời từ thực tiễn. Thì bây giờ, những bậc phụ huynh đang nợ chúng câu trả lời.
Hôm qua, đề thi ngữ văn gây xôn xao với việc đưa ra khái niệm “thấu cảm”: là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.
Câu hỏi ấy, trước tiên phải đặt ra cho các bậc phụ huynh: Chúng ta đã thấu cảm với con cái mình hay chưa?
Theo: Nhà báo Gia Hiền (Góc nhìn/VNE)