Ở một số trường đại học, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sớm ngày càng tăng. Hiện tượng này đặt ra vấn đề nên chăng sớm rút ngắn chương trình đào tạo ở một số ngành học.
67% sinh viên tốt nghiệp sớm
Theo số liệu thống kê từ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trong đợt tốt nghiệp đầu tiên năm nay, có tới 67% sinh viên (SV) tốt nghiệp sớm hơn 1 học kỳ so với thời gian 4 năm của chương trình đào tạo. Đáng chú ý, trong số người tốt nghiệp sớm, tỷ lệ khá giỏi đạt 80% (trong khi tỷ lệ này của cả năm là 60%). Cũng theo thống kê của trường này, từ khi đào tạo theo hệ thống tín chỉ (năm 2008) đến nay có gần 3.000 SV (chiếm 11%) tốt nghiệp trong thời gian từ 3 – 3 năm rưỡi. Số SV tốt nghiệp trước kế hoạch tăng dần theo thời gian, nếu khóa đầu tiên chỉ 4 SV thì nay tăng lên nhiều lần.
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết tỷ lệ SV học vượt nhiều ở một số ngành như: kinh tế học, quản trị kinh doanh, kế toán, kinh tế tài nguyên môi trường, kinh doanh nông nghiệp, phát triển nông thôn… Trong đó, các ngành kinh tế luôn có tỷ lệ cao nhất.
Điều này cũng đang diễn ra tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Trưởng phòng Đào tạo, quy chế tín chỉ cho phép SV học tăng tốc để rút ngắn thời gian đào tạo khiến tỷ lệ SV tốt nghiệp sớm của trường tăng qua mỗi năm. Thống kê từ trường này, khóa 2012 – 2013 có 47 SV tốt nghiệp sớm trong số 878 SV tốt nghiệp đúng hạn. Khóa 2013 – 2014 số SV tốt nghiệp sớm tăng lên 163 người. Thậm chí có những SV tốt nghiệp 3 năm 2 bằng mà vẫn đạt thành tích tốt.
Cũng trong đợt tốt nghiệp đầu năm nay, Trường ĐH Vinh có 39/351 SV tốt nghiệp sớm một học kỳ.
Giúp sinh viên tiếp cận việc làm tốt hơn
Trước xu hướng ngày càng nhiều SV tốt nghiệp sớm so với kế hoạch đào tạo, đại diện nhiều trường cho rằng cần sớm thực hiện việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Chính phủ phê duyệt vừa qua.
Tiến sĩ Trần Đình Lý nhận định: “Việc ngày càng nhiều SV tốt nghiệp sớm chứng minh rằng việc rút ngắn thời gian đào tạo bậc ĐH theo định hướng của Chính phủ là đúng đắn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào đặc thù từng nhóm ngành đào tạo. Bởi ngay trong cùng một trường, có những ngành học mà việc rút ngắn thời gian là khó khăn, thậm chí không thể”.
Tiến sĩ Phan Ngọc Minh cũng đồng ý rằng việc rút ngắn thời gian đào tạo với những ngành nhiều SV tốt nghiệp sớm là hợp lý. Thời lượng đào tạo của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đang là 4 năm với 129 tín chỉ. Theo tiến sĩ Minh, việc rút ngắn xuống 3 – 3 năm rưỡi có thể thực hiện được trên tinh thần tích hợp một số môn học gần nhau, chú trọng hơn tính thực hành gắn với nghề nghiệp thực tế đồng thời với tăng thời lượng tự học cho SV. Nhiều nước trên thế giới hiện chỉ đào tạo ĐH từ 3 – 3 năm rưỡi.
Bản thân SV cũng có đề xuất tương tự. Huỳnh Nguyễn Mai Chi, cựu SV từng nhận cùng lúc 2 bằng ĐH chỉ trong 3 năm tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nói: “Việc học trong thời gian bao lâu là tùy thuộc khả năng mỗi người, tuy nhiên với đặc thù các ngành kinh tế có thể chỉ cần đào tạo trong 3 năm rưỡi. Thời lượng 4 năm tính ở mức học trung bình cũng hơi lãng phí vì thời gian trống còn nhiều. Học ngắn hơn sẽ giúp SV tiếp cận cơ hội việc làm và kiếm tiền sớm hơn”.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến áp dụng chương trình đào tạo mới, ngắn hơn bắt đầu từ khóa 2019 – 2020. Khi đó, thời gian học giảm từ 4 xuống còn 3 năm rưỡi. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp nhà trường, cho biết dù thời gian học ngắn hơn nhưng số tín chỉ trong chương trình đào tạo không giảm nhiều mà còn tăng thêm một học kỳ tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, với những trường đào tạo khối ngành kỹ thuật thì quan điểm có khác biệt. Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho hay trước năm 2013 trường áp dụng chương trình 4 năm rưỡi và mỗi khóa có rất ít SV có thể tốt nghiệp sớm. Vậy với chương trình 4 năm bắt đầu từ khóa 2014 sẽ càng khó để SV tốt nghiệp sớm. Vì vậy, việc rút ngắn hơn nữa thời gian đào tạo với các ngành kỹ thuật gần như không thể và chuẩn này cũng phù hợp với xu hướng thế giới.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân
Theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Chính phủ phê duyệt cuối năm ngoái, đáng chú ý là thời gian đào tạo bậc ĐH rút ngắn từ 4 – 6 năm xuống còn 3 – 5 năm. Thời gian đào tạo CĐ thay vì ấn định 3 năm, nay là 2 – 3 năm.
Việc ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp sớm chứng minh rằng việc rút ngắn thời gian đào tạo bậc đại học theo định hướng của Chính phủ là đúng đắn. |
||
Tiến sĩTrần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM |
Theo: Hà Ánh (Giáo dục /TNO)