Năng lực trí tuệ con người

Quan điểm về năng lực trí tuệ của con người, Howard Gardner, giáo sư môn giáo dục và môn trí lực của trường ĐH Harvard đưa ra những khía cạnh khác biệt và riêng lẻ về nhận thức, cho rằng người ta có những năng lực trí tuệ khác nhau và những cách thức hiểu biết khác nhau.

Năng lực trí tuệ con người gồm tám trí thông minh, đó là năng khiếu ngôn ngữ, tính toán, hình ảnh, thân thể, âm nhạc, ngoại giao, nội cảm, và thiên nhiên.

Howard Gardner, giáo sư về môn giáo dục và môn trí lực của trường ĐH Harvard, đưa ra một phương pháp dựa vào quan điểm cấp tiến về đầu óc con người. Quan điểm này nhìn nhận những khía cạnh khác biệt và riêng lẻ về nhận thức, cho rằng người ta có những năng lực trí tuệ khác nhau và những cách thức hiểu biết khác nhau.

Mọi người được tạo ra bình đẳng, nhưng người ta bẩm sinh có bình đẳng về trí thông minh không? Người ta sống hết đời người, ai cũng tay không về cõi khác, thì ai dại ai khôn? Dạy học mười mấy năm, tôi biết chắc một điều: Không phải đứa học trò nào cũng tiếp thu bài học như nhau, lớp nào cũng có đứa học giỏi và đứa học dở. Nhưng sống hơn nửa thế kỷ tôi cũng biết thêm một điều: những đứa học trò dở (của tôi) ra đời vẫn phát triển, nhiều đứa thành đạt, và những đứa không công danh gì vẫn sống an vui tử tế. Thì dựa vào đâu mà bảo một người nào đó ngu? Hay đảo ngược lại, những tiêu chuẩn nào chứng tỏ một người nào đó thông minh?

Ở bên Pháp, hồi đầu thế kỷ trước, người ta dùng một kiểm tra gọi là “Intelligence Quotient”, thường viết tắt là IQ, để đánh giá khả năng trí tuệ của người ta. Đến giữa thế kỷ trước thì bên Mỹ có thêm SAT (Scholastic Assessment Test, trắc nghiệm đánh giá khả năng học tập). Giống như dùng cân để biết trọng lượng và dùng thước để đo chiều cao thân thể, IQ và SAT được dùng để đo trí lực học sinh trong suốt thế kỷ 20, đã chứng tỏ hiệu quả. Các trường trung học tư Mỹ thường cho học sinh làm những bài trắc nghiệm bằng bút chì trên giấy để đánh giá chỉ số IQ và SAT. Các trường đại học danh giá sẽ dựa vào chỉ số đó để tuyển sinh. Những người “đi săn đầu” là đi lùng tìm những kẻ có chỉ số thông minh cao theo kết quả của IQ và SAT.

IQ và SAT chấm điểm chủ yếu cho khả năng tính toán, lý luận và ngôn ngữ. Những học sinh có điểm IQ cao được chọn vào những khóa học đòi hỏi cao kỹ năng tư duy, tính toán và kỹ năng nhận định, phê phán. Sự đào luyện này càng làm tăng chỉ số IQ, tăng cơ hội được tuyển vào những đại học hàng đầu, rồi ra trường kiếm được việc làm “hàng đầu”, và trồi lên những địa vị “hàng đầu” trong xã hội. Theo ông Howard Gardner thì cách đánh giá và tuyển lọc đó có những ưu điểm về tuyển lựa nhân tài. Ông gọi đầu óc được rèn luyện như vậy là đầu óc giáo sư luật tương lai.

Howard Gardner cho rằng con người có những năng lực trí tuệ khác nhau và những cách thức hiểu biết khác nhau.

Nhưng ông Howard Gardner, giáo sư về môn giáo dục và môn trí lực của trường Đại học Harvard, đưa ra một phương pháp khác dựa vào một quan điểm cấp tiến khác về đầu óc con người. Quan điểm này nhìn nhận những khía cạnh khác biệt và riêng lẻ về nhận thức, cho rằng người ta có những năng lực trí tuệ khác nhau và những cách thức hiểu biết khác nhau. Ông đề ra khái niệm trường học hướng vào từng cá nhân học sinh, giáo dục học sinh theo năng lực nhận thức và kiểu cách nhận thức của từng cá nhân, chứ không dùng một chuẩn mực chung sàng lọc ra một loại nhân tài. Mô hình trường học này dựa vào thành tựu của những ngành khoa học mới như khoa học trí lực (cognitive science) và khoa học não bộ (brain science). Phương pháp của ông được gọi là lý thuyết đa trí năng (Multiple Intelligences) thường viết tắt là MI.

MI ra đời năm 1983, đến nay đã có hàng trăm quyển sách, hàng trăm luận văn tốt nghiệp, hàng ngàn bài báo của nhiều tác giả khác nhau bàn luận, phê bình, phát triển lý thuyết này. Và hàng ngàn trường học trên khắp thế giới đã áp dụng lý thuyết này vào cải cách giáo dục. MI đưa ra tám trí thông minh, hay năng lực trí tuệ, tức năng khiếu, khả năng dễ dàng tiếp nhận xử lý thông tin bằng cách nào đó, vốn tiềm tàng trong con người. Đó là năng khiếu ngôn ngữ, tính toán, hình ảnh, thân thể, âm nhạc, ngoại giao, nội cảm, và thiên nhiên. Một đứa trẻ có thể tiềm tàng hay bộc lộ nhiều năng khiếu, cũng có thể bộc lộ năng khiếu này trội hơn năng khiếu khác, thí dụ năng khiếu hình ảnh lấn át năng khiếu lời nói. Nó sẽ tiếp thu, xử lý và diễn đạt tri thức bằng hình ảnh, mặc dù nó đọc hiểu và viết lách khó khăn. Được giáo dục đúng cách, đứa trẻ sẽ trở thành họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế, vv. Những kiến trúc sư hay họa sĩ vĩ đại chắc chắn không “ngu” mặc dù chỉ số IQ của họ có thể không cao bằng sinh viên luật trường Harvard.

Sau một phần tư thế kỷ đưa ra một quan điểm làm thay đổi phương pháp giáo dục nhiều nơi, ảnh hưởng đến nhiều số phận con người, Howard Gardner viết lại những luận điểm chính và thực nghiệm của lý thuyết MI trong cuốn sách có tựa Multiple Intelligences. (Những thông tin trong bài này đều được lượm hái trong sách).

Theo: MI – tác giả Lý Lan (Giáo dục/Tia Sáng)

Cùng chuyên mục