Mùa thi ĐH, không chỉ có hàng triệu học sinh cuối cấp phấp phỏng mà còn có cả những sinh viên đã “yên vị” trên ghế giảng đường. Họ muốn một lần nữa “thiết kế lại tương lai”…
Đường vòng… đến tương lai!
Khi đỗ vào trường ĐH dân lập, bản thân Giang cũng không tự tin vào khả năng tìm việc làm của mình sau khi tốt nghiệp. Giang xác định cứ vào trường ĐH này học “tạm” rồi tính tiếp. Cô chỉ thật sự nghĩ đến “triển vọng tương lai” sau khi đã hì hục thi tiếp vào ĐH Ngoại thương.
Mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều câu hỏi của thí sinh như: “Em đang là SV một trường ĐH muốn dự thi vào trường khác…?”. Cán bộ phụ trách đào tạo các trường bị xếp vào “tốp dưới” phàn nàn: số lượng SV đang theo học tại trường đi thi lại ngày càng tăng. Không ít SV làm đơn xin thôi học, năm sau lại thấy trúng tuyển nhập học một ngành khác của trường.
Thực tế, chuyện SV nhập học các trường NV2, NV3 chỉ để “ém quân chờ thời”, “để dành” quyết tâm thi lại vào “trường tốt”, đúng nguyện vọng năm sau không phải hiếm. Nhưng cũng không ít SV năm 2, năm 3 vẫn muốn chuyển trường, hối hả làm hồ sơ chỉ vì chạy theo “mốt”. Hiện tại, ngành kinh tế đang là tâm điểm của những vụ bàn tán chuyển trường từ cánh SV muốn đổi “nghề”. Trần Thanh Huyền, SV năm 1 ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết: “Hầu như lớp nào cũng có các anh chị từng là SV trường khác thi lại đầu vào và chuyển đến”.
Trào lưu thi lại ĐH còn có nguyên nhân không nhỏ từ sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh. Một phụ huynh có con thi vào ĐH Xây dựng dù đang “giữ chỗ” là SV ĐH Thương mại, tâm sự: “Lần đầu tôi định hướng rồi, giờ cho nó tự quyết. Đỗ thì chuyển trường, không đỗ thì đừng hòng đứng núi này trông núi nọ”.
Thiếu thông tin, thiếu cả hướng nghiệp
Hà Chi, SV năm 2 chuyên ngành có chữ “đối ngoại” mới mở của một trường ĐH, than thở: “Lớp em có đến năm bạn thi trường khác, đỗ rồi chuyển ngay sau năm thứ nhất. Lý do chính là vì thất vọng với lớp học của mình”. Chi bảo cứ nghĩ ngành học đối ngoại là phải chú trọng ngoại ngữ. Vào học mới thấy thầy cô giảng ngoại ngữ không chuyên, kém hấp dẫn. “Ngay như em học không hứng thú nên kiến thức rơi rụng khá nhiều, ngoại ngữ bây giờ so với hồi phổ thông thấy… xấu hổ!”.
Thực tế, nhiều trường hăm hở mở những chuyên ngành mới, quảng cáo rầm rộ là “hot”, là “thời thượng”, các sĩ tử đua nhau đăng ký, đến khi vào học rồi lại hoang mang vì phải đối diện thực tế là chuyên ngành học không hấp dẫn như quảng cáo. Thiệt thòi lại thuộc về SV vì môi trường học tập không như mơ ước. Việc SV từ các lớp này thấy chưa hài lòng và thi sang trường khác là một thực tế.
Điều đáng nói là nhiều SV đã buộc phải đánh mất một vài năm cho những định hướng không tốt ban đầu. Chi phí tăng lên, thời gian qua đi và mặt nào đó tâm lý cũng chịu “chấn động”. Đây là một sự lãng phí rất lớn. Lãng phí từ nguồn tài chính gia đình đầu tư cho những năm tháng học hành dở dang của con cái, lãng phí vì chi ngân sách giáo dục cho những SV học nửa chừng ở trường này lại nhảy qua trường khác…
Đổi trường, thi lại ĐH có lẽ không chỉ là chuyện của những SV đang loay hoay “thiết kế” lại tương lai! Nên chăng những người làm giáo dục quan tâm, mở rộng nhiều hơn những hình thức “liên thông” giữa các ngành nghề, các chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi trong học tập, mở nhiều cánh cửa khác nhau cho SV lựa chọn nghề nghiệp đúng với sở trường và sở nguyện của mình.
Xu hướng chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo phương thức tín chỉ đang hứa hẹn phá vỡ tình trạng “độc đạo”, khép kín của chương trình đào tạo ở mỗi ngành, mỗi trường ĐH. Đào tạo theo tín chỉ sẽ mở cho người học cơ hội học tích lũy tín chỉ và có thể chuyển đổi khi có nhu cầu mà không phải học lại từ đầu, tránh lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức… của cả người học và xã hội.
TS Bùi Anh Tuấn, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng đáng lẽ ngành giáo dục phải có những bộ phận hướng nghiệp thật sâu sát tại các trường phổ thông. Hiện tại, công tác hướng nghiệp nhiều khi chỉ được hiểu đơn giản là giảng dạy những môn kỹ thuật, dạy nghề. Hầu hết HS cho đến khi tốt nghiệp THPT vẫn chưa được nghe những bài giảng về định hướng nghề nghiệp thật sự, cung cấp thông tin hướng nghiệp cho HS sẽ giúp hạn chế những con đường vòng lãng phí khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai, mở cánh cửa vào đời.
(Theo Báo Giáo Dục Online)