Ngày 25.2.2011 tại Moskva (Nga), GS Nguyễn Tài Cẩn – một đại thụ trong giới ngôn ngữ học Việt Nam đã vĩnh viễn ra đi.
Ông sinh ngày 2.5.1926 tại làng Thượng Thọ, Thanh Chương, Nghệ An. Lúc nhỏ, ông tiếp thụ Hán học trong một gia đình Nho học, sau đó theo học các trường Quốc học Vinh và Quốc học Huế. Ông học rất giỏi, luôn luôn nhận học bổng toàn phần.
Có lúc ông tâm sự, thời học sinh, ông mê làm thơ viết văn bằng tiếng Tây. Một lần đến thăm thầy cũ Hoài Thanh, ông bộc bạch kỳ vọng ấy. Không ngờ thầy bảo: “Mình là dân An Nam, học tiếng Tây ở xứ “bảo hộ”, làm sao có thể viết văn Tây hay bằng các ông Tây bà đầm như H. Balzac hay G. Sand bên “chính quốc” được?” Sau lần đó, ông chuyên tâm học tiếng Việt hơn nhưng vẫn mê làm thơ. Một lần mang tập thơ mới sáng tác tới thăm thầy cũ Đào Duy Anh với hy vọng nhận được lời khen. Nào ngờ thầy chỉ lơ đãng đọc lướt qua, rồi chậm rãi nói: “Làm thơ, nếu quả có tài năng thiên phú như Hồ Xuân Hương, Tú Xương hay Tản Đà… thì hãy làm! Chứ nếu không, làm cả nghìn bài, chưa chắc đã có một bài đứng được qua năm tháng! Nếu làm nhà nghiên cứu, thì chỉ cần thông minh, kiên trì, có phương pháp tốt, quan sát tốt, bền bỉ tích luỹ, “năng nhặt chặt bị” sẽ tới ngày có được những khám phá độc đáo, để lại cho đời”. Lời cụ Đào giúp ông dứt khoát hướng cuộc đời vào ngành Việt ngữ học.
GS Nguyễn Tài Cẩn đã trở thành một đại thụ trong giới ngôn ngữ học Việt Nam với những công trình bất hủ, từ ngữ pháp tới ngữ âm, chữ Nôm và cách đọc Hán – Việt: Từ loại danh từ tiếng Việt (1975); Ngữ pháp tiếng Việt (1975, 1977, 1996); Nguồn gốc và sự hình thành cách đọc Hán – Việt (1979, 2000); Ngữ âm lịch sử tiếng Việt (1995); và gần đây nhất là hai công trình mới liên tiếp khảo cứu về văn bản Truyện Kiều với những phát hiện rất độc đáo về tác giả và tác phẩm. Năm 2000, GS Nguyễn Tài Cẩn vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về những công trình này. Cùng với GS Đào Duy Anh và GS Hoàng Xuân Hãn, GS Nguyễn Tài Cẩn là một trong ba nhà nghiên cứu Việt ngữ học (tính đến thời điểm này) được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh.
Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo (1930 – 2007) từng nhận xét: “Cách đây 40 năm, bậc đàn anh của Việt ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đã đem từ Liên Xô về lý thuyết âm tiết – hình vị, một lý thuyết có thể giúp giải quyết những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, từ đó vạch ra con đường khắc phục “chủ nghĩa dĩ Âu vi trung”. Tiếc rằng, hồi đó không ai hiểu ông!”
GS Nguyễn Tài Cẩn có nhiều cái nhất: được bộ Giáo dục cử làm chuyên gia Việt ngữ học đầu tiên của nước ta tại Liên Xô (đại học Tổng hợp Leningrad); năm 1960, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ ngôn ngữ học tại Liên Xô; năm 1980 ông là người đầu tiên của đại học Tổng hợp Hà Nội được phong học hàm giáo sư ngôn ngữ học.
Ông đã đào tạo rất nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh chuyên ngành Việt ngữ học, Hán Nôm. Phương pháp và quan điểm nghiên cứu của ông được hàng loạt nhà Việt ngữ học tiếp nhận và phát triển. Không chỉ các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và Trung Quốc, mà cả giới Đông phương học quốc tế cũng chú ý đến những công trình của GS Nguyễn Tài Cẩn, nhất là công trình về cách đọc Hán – Việt.
Kể số học trò nay trở thành giáo sư, phó giáo sư ngôn ngữ học thì ông có nhiều nhất. Ông có công lớn trong việc xây dựng chuyên ngành ngôn ngữ học tại đại học Tổng hợp Hà Nội. Ảnh hưởng của ông tới giới ngôn ngữ học Việt Nam lớn nhất, lớn đến nỗi những khuynh hướng nào ông không quan tâm hoặc không thích thì khó mà phát triển.
Sách vở của ông được trích dẫn nhiều nhất. Nhiều giáo trình, chuyên khảo của ông cho đến nay vẫn trở thành sách gối đầu giường cho sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, các nhà nghiên cứu về Việt ngữ học, Hán Nôm và ngữ văn Việt Nam.
GS Nguyễn Tài Cẩn diễn giảng hay nhất. Ngôn ngữ học là một lĩnh vực khô khan nhưng giờ giảng của ông lại vô cùng hấp dẫn, mê hoặc đến mức nhiều sinh viên vì nghe ông giảng mà chọn ngành ngôn ngữ học.
GS Nguyễn Tài Cẩn là tấm gương của niềm đam mê lao động như ngọn lửa không bao giờ tắt. Có lần ông tâm sự, có thông minh đến mấy mà không kiên nhẫn, không tìm được cho mình cái thú để mà theo đuổi thì không thể đi vào lĩnh vực này được. Nhưng khi đã vào được cái khu rừng đầy gai nhọn này, cũng có cái thú của nó. GS Phan Ngọc, đồng hương xứ Nghệ của GS Nguyễn Tài Cẩn nhận xét: “Anh Nguyễn Tài Cẩn, và cả tôi nữa là do cần mẫn và đam mê mà tìm đến ngôn ngữ”. Không chỉ là một tấm gương lớn về tinh thần làm việc không mệt mỏi, GS Nguyễn Tài Cẩn còn là người thầy tận tuỵ, hết lòng vì học trò. Ngọn lửa ấy đã truyền lại cho nhiều thế hệ sinh viên.
GS Nguyễn Tài Cẩn – niềm tự hào của giới ngôn ngữ học Việt Nam đã đi xa, để lại một khoảng trống. Chúng ta mất đi nhà Việt ngữ học, nhà Việt Nam học tầm cỡ thế giới. Bao giờ mới lại xuất hiện một GS Nguyễn Tài Cẩn mới?
Theo: GS.TS Nguyễn Đức Dân (SGTT)