Nói đến thể xác, người ta sợ nhất bệnh ung thư. Còn nói đến tâm hồn, thì căn bệnh đáng sợ nhất là vô tâm và vô cảm. “Bệnh” vô cảm là căn bệnh không có tên trong danh sách ngành y, nhưng nó vẫn thường trực trong cuộc sống hàng ngày, và len lỏi vào tâm hồn không ít những người trẻ.
Vô cảm với gia đình
Minh Hoàng (lớp 11), sinh ra trong một gia đình khá giả, lại là con một. Được chiều chuộng, Ngọc quen với việc mình là trung tâm, được yêu thương, chứ không biết quan tâm tới người khác. Bố mẹ cãi nhau, mẹ khóc, Không buồn, không thương, Ngọc còn lớn tiếng quát mẹ khi tiếng khóc làm cậu không ngủ được. Bố bị ốm, để một mình mẹ lo, Hoàng vô tư đi chơi cùng bạn bè, không một lời hỏi han và cũng không một hành động quan tâm chăm sóc.
Hay như T.Hồng (sinh viên Đại học Tự nhiên) đã đi học xa nhà được 3 năm. Trừ hè và tết, thời gian còn lại, Hồng rất ít về nhà do không thích cái không khí quá yên bình ở quê. Số lần gọi điện thăm hỏi gia đình của cô cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ liên lạc khi hầu bao đã rỗng, Hồng hầu như không biết nhiều về tình trạng của cả nhà. Bố mẹ đau ốm thế nào, em gái học hành ra sao, Hồng đều không hề hay biết. Trong khi bố mẹ thì luôn mong mỏi con gái tình cảm và biết quan tâm. Có lần, chị họ đi công tác, ghé qua thăm Hồng, “xui” cô viết cho bố mẹ một lá thư. Hồng viết bừa vài chữ, đâu ngờ, lá thư ấy lại khiến bố cô rất đỗi vui sướng, luôn luôn để lá thư trong túi ngực, thỉnh thoảng nhớ con lại giở ra đọc, gặp ai cũng khoe “Cháu nó viết thư cho tôi”.
Vô tâm với bạn bè
Cũng giống như Hồng, Lê Giang là sinh viên đi học xa nhà. Xuống thủ đô, cô ở trọ cùng người bạn cấp III. Bạn ốm, nằm nhà, Giang mặc kệ, không cần biết bạn đói no hay mệt mỏi thế nào.
“Lúc bạn ấy ốm, em cũng quan tâm chăm sóc. Thế mà khi em ốm, bạn mặc kệ, vô tư đi mua đồ ăn về ăn một mình, cũng chẳng thèm hỏi em đã ăn gì, hay thấy trong người thế nào… “
Ở cùng nhau được 5 tháng, cô ban cùng phòng đã phải chuyển nhà vì không chịu nổi sự vô tâm của Giang. Những người sau đó đến ở cùng cô đều không có ai trụ lại được lâu. Đến giờ, Giang ở một mình. Cô không có bạn thân, những mối quan hệ bạn bè rất nông và hời hợt. Đến khi có vấn đề gì trong cuộc sống, cần người chia sẻ, Giang mới giật mình thảng thốt khi chẳng có ai sẵn lòng lắng nghe và ở bên cạnh mình.
Hoàng, Hồng. Giang chỉ là 3 trong số rất nhiều người trẻ có đời sống tiện nghi đầy đủ, thông minh lanh lợi nhưng lại tâm hồn và trái tim lại có nhiều khiếm khuyết, đó là thiếu sự yêu thương.
Bệnh vô cảm xuất phát từ chính sự thờ ơ, vô cảm với chính bản thân mỗi người, từ đó dẫn tới vô cảm với gia đình, bạn bè và hơn thế nữa là vô tâm, thờ ơ với cuộc sống xung quanh và cộng đồng. Sự vô tâm vô cảm mà cứ lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến cho nhiều người trẻ mất dần cảm xúc. Để rồi không còn biết rung động trước điều tốt, không còn phẫn nộ với những hành động vô lương và vô cảm với nỗi đau của người khác…
Bệnh vô cảm vô cùng đáng sợ, để lâu ngày sẽ gặm nhấm tâm hồn của mỗi người, biến họ thành những con robot vô tri. Mong rằng, những bạn trẻ như Hoàng như Hồng như Giang sẽ sớm nhận ra được một điều tình cảm giữa con người với con người không đánh đổi được bằng bạc vàng, mà chỉ có sự chân thành, quan tâm trao đi mới nhận lại được sự trìu mến, ân cần của người khác.
Theo VNN