Môn Toán và tâm lý khi thi cử

Đối với học sinh thi tốt nghiệp THPT có ba yếu tố: Thứ nhất là kiến thức, đây là trọng tâm, học sinh và nhà trường đóng vai trò quyết định, thứ hai là sức khỏe và thứ ba là tâm lý thi cử. Ba vấn đề này phải kết hợp nhuần nhuyễn với nhau, thiếu một trong ba yếu tố này, học sinh sẽ khó có được kết quả tốt trong kỳ thi.

Thầy Trần Đồng Trực – nguyên giáo viên Toán Trường THPT Hà Nội – Amsterdam

Đề thi tốt nghiệp THPT, bài khảo sát hàm số gần như năm nào cũng có – Khảo sát hàm số chỉ có mấy dạng cơ bản, vấn đề cần chú ý là câu hỏi thêm về tiếp tuyến, biện luận giao điểm. Học sinh phải phân định được có bao nhiêu loại tiếp tuyến: Tiếp tuyến tại một điểm nằm trên đường cong. Tiếp tuyến đi qua một điểm, điểm này có thể nằm trên đường cong hoặc ngoài đường cong, vậy sự khác nhau của hai loại này là gì? Tiếp tuyến tại một điểm thì điểm đó phải là tiếp điểm, còn tiếp tuyến đi qua một điểm thì điểm đó không nhất thiết phải là tiếp điểm. Từ sự khác nhau này dẫn đến cách giải khác nhau, không thể lẫn cách giải nọ với cách giải kia. Tiếp tuyến biết hệ số góc, có thể diễn đạt dưới dạng song song hoặc vuông góc với một đường thẳng cho trước…

Tâm lý thi cử, việc này có vẻ như ít được phụ huynh quan tâm, ngày xưa các cụ hay nói: “Học tài thi phận”… Có những học sinh học rất giỏi, nhưng khi đi thi thì điểm bị kém dưới khả năng – Giống như trong thể thao, là tâm lý thi đấu. Khoa học giáo dục có nói đến trạng thái tâm lý con người, một số học sinh hay hồi hộp khi vào thi, trong môi trường thầy giáo coi thi khác, bạn khác, có công an, giám thị… khiến cho học sinh căng thẳng dẫn đến ức chế, thậm chí còn không nghĩ được gì. Đây là hiện tượng có thật, do vậy cần rèn luyện để chống ức chế tâm lý, học sinh đừng nghĩ là phải đạt điểm 10, chỉ cần nghĩ là làm hết sức mình, phân phối thời gian làm đến đâu chắc đến đó, làm hết những câu dễ sau đó đọc kiểm tra lại, rồi mới làm câu khó. Tránh tình trạng làm thật nhanh để làm câu khó, vì rất có thể sẽ bị nhầm chính những câu dễ.

(Nguồn GD&TĐ)

Cùng chuyên mục