Nhiều lúc tôi cứ lắc đầu chê bai hết thứ này đến thứ kia, mà vô tình quên đi rằng, những thứ có thể không là gì với tôi lại có thể vô giá với rất nhiều người…
Trên con đường Sài Gòn đông đúc này, tôi vô tình bắt gặp một ánh mắt một nét mặt khiến lòng xao xuyến mãi. Một người đàn ông cũng trạc tuổi cha mình, đang lê những bước chầm chậm, đẩy một chiếc xe lam đầy vỏ dừa. Có lẽ cảnh tưởng đó không mấy là xa lạ giữa chốn Sài Gòn nơi mà mọi số phận đều hiện hữu.
Nhưng không hiểu sao nó lại mang lại cho tôi một cảm xúc lạ. Bác nhìn xuống vỉa hè rồi miệng nở nụ cười tươi. Tôi không hình dung được, trong những tấm ảnh nào là con ếch, nào là con gấu kia, điều gì làm bác cảm thấy thú vị đến thế. Khi mà bác mãi ngắm nhìn chúng, giọng một ai đó la lớn từ phía sau “Có chạy nhanh lên không, đường thì đông sao còn đậu xe bên đường nữa”. Giọng càng chua cay hơn khi chất giọng một người trẻ tuổi đi la một người trung tuổi: “Người gì mà không có ý thức gì cả vậy?”.
Bác luống cuống vội vàng nhích xe lên lề đường rồi chạy tới chỗ bán tranh. Bác cầm tấm hình trên tay, lấy tay áo thấm đẫm mồ hôi của mình ra lau nó và mỉm cười. Đưa túi ra rồi bác đếm từng đồng để trả người ta, đứng cạnh bác tôi nghe thấy một âm thanh gì đó thật nhẹ nhàng “Chắc nó sẽ thích lắm đây”… Rồi bóng dáng ấy với tiếng xe kẽo kẹt dần đi xa tôi…
Tới giờ tự tò mò ấy của tôi mới được lý giải. Một người cha lam lũ với cuộc sống, vẫn nhớ đến con mình, vẫn quan tâm rằng nó thích gì, và vẫn luôn sẵn sàng lăn lội để đánh đổi niềm vui nho nhỏ cho nó. Tuy rằng những đứa nhỏ của bác sống trong cơ cực, tuy có thể điều kiện vật chất của chúng không được sung túc gì, nhưng một điều chắc chắn rằng chúng thật hạnh phúc khi được bao bọc, được thương yêu trong vòng tay người cha người mẹ như bác.
Và ngoài kia còn bao nhiêu số phận đang chơi vơi, đang mong manh mà chẳng có bàn tay nào dắt chúng đi, chỉ cho chúng phải làm gì. Phải chăng nhiều lúc sai lầm của người làm cha làm mẹ mà khiến chúng phải chịu quá nhiều mất mát chăng?
Một lần tôi ghé thăm trại trẻ mồ côi ở chùa Pháp Võ và Long Hoa ở quận 7, TP HCM, tôi phần nào cảm nhận nỗi đau của các em dù là cũng là một số phận, một kiếp con người. Những trái tim mặc cảm, hụt hẫng, mất phương hướng và chất đầy tâm sự.
Lúc tôi phát kẹo cho các em, một bé chạy đến góc ngồi rồi từ chối không nhận kẹo của tôi nữa. Tôi chạy đến cầm lấy tay em rồi hỏi vì sao, em chỉ nhìn tôi đượm buồn rồi trách: “Cô thương các bạn hơn cháu”. Lúc đó tôi chẳng biết làm sao để lý giải cho sự thiếu nhạy cảm của mình nữa. Tôi chỉ nhìn bé rồi hỏi: “Nếu có một cách gì đó khiến cháu nghĩ rằng cô cũng thương cháu như các bạn thì cháu chỉ cô với”. Thế là nó mỉm cười, một nụ cười thật hồn nhiên. Phải mất một lúc lâu tôi mới khiến các em vui đùa với mình được, tôi mới nhìn thấy nụ cười của chúng khi được chụp hình, được nhìn thấy chiếc điện thoại của tôi. Một điều giản đơn với rất nhiều người phải chăng là điều kì diệu với chúng. Nhìn chúng, đứa nào cũng chân tay đầy những vết tích, cái mà nếu gọi lịch sự là “hoa”, còn gọi đúng thì là “ghẻ”.
“Cô ơi chúng bị sao vậy cô? Sao không mua thuốc bôi cho chúng hả cô?” – tôi hỏi người chăm sóc cho các em.
Cô nhìn tôi mà giọng trầm xuống: “Ở đây cơm chúng không còn đủ ăn, lấy tiền đâu mà mua thuốc cho chúng hả cháu. Kể cả loại bánh mà cháu mang tới cũng là lần đầu chúng ăn đó. Nếu có thể lần sau cháu mua gạo, loại gạo rẻ tiền thôi cũng được nha cháu! Tụi cô chỉ thương chúng nên nấu giúp ở đây thôi, chứ lấy đâu ra tiền mua thuốc hả cháu?”
Có những nỗi đau chẳng sao lý giải nỗi. Có sự tổn thương về thể xác lẫn tinh thần của những số phận, những con người kém may mắn… Một tấm tranh nhỏ đủ để con của bác ấy hét lên vì sung sướng, một chiếc kẹo mang đến nụ cười cho những đứa trẻ, những tuýp thuốc chữa lành vết thương trên cơ thể kia, và một cử chỉ làm ấm lại trái tim một con người…
Nhiều lúc chính tôi cứ lắc đầu chê bai hết thứ này đến thứ kia, mà vô tình quên đi rằng, những thứ có thể không là gì với tôi lại có thể vô giá với rất nhiều người…
Món quà vô giá. (Thùy Dương/VnEpress).