Ông Trần Xuân Kiên – Chủ tịch HĐQT – TGĐ Cty CP thương mại Cầu Giấy cho biết: Hầu hết những nhân viên mới được Cty tuyển dụng đều phải đào tạo lại, trong số đó có người thích nghi, nhưng cũng có người không thể làm việc được, buộc lòng Cty phải cho nghỉ việc”.
Nguyên nhân thiếu chuyên nghiệp của người lao động (NLĐ) là do: ý thức tổ chức kỷ luật chưa tốt, hay đi muộn, nói năng khiếm nhã với khách hàng… Nhưng có một nguyên nhân rất phổ biến là tư duy của NLĐ chưa chuyên nghiệp. Thường NLĐ sau một thời gian làm việc tốt mà không được sếp nhìn nhận là tỏ thái độ làm việc kém đi, thậm trí nói xấu với người này, người khác trong Cty, làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của những thành viên khác. Điều này rất không nên. Hãy tiếp tục làm việc thật tốt, rồi một lúc nào đó sự đóng góp của mình sẽ được nhìn nhận.
Trường hợp quá mức chịu đựng thì NLĐ có thể thẳng thắn trao đổi với sếp về nguyện vọng của mình. Nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung thì NLĐ có thể nghỉ việc, chuyển sang môi trường khác, chứ không nên tỏ thái độ hậm hực, giảm tinh thần làm việc, có thái độ khiếm nhã với khách hàng…
Tuy nhiên, khi NLĐ đã sẵn sàng để bước vào một môi trường chuyên nghiệp. Nhưng hệ thống quy chuẩn (tính chuyên nghiệp) của DN đó không được thực hiện một cách nghiêm túc thì cũng không thể có một môi trường chuyên nghiệp.
Hãy thử hình dung xem nếu nhân viên đã đạt quy chuẩn nhưng guồng máy DN hoạt động chưa quy củ, lôm côm, bừa bộn…; bản thân sếp bắt nhân viên phải đi làm hoặc đi họp đúng giờ, nhưng chính sếp lại đi muộn – vì là sếp nên tự cho mình có quyền đó… thì cũng khó lòng gây dựng được một môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Do vậy, để xây dựng tính chuyên nghiệp trong DN, cần có sự kết hợp của cả hai phía: NLĐ và người sử dụng lao động. Nếu cả hai không tìm được tiếng nói chung thì không thểxây dựng được một môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Theo: Bí quyết làm việc chuyên nghiệp – Minh Nhật (LDC)