Học mà chơi, chơi mà học là những gì mà đồ chơi STEM mang đến cho trẻ em. Nhưng với một số phụ huynh, khái niệm về đồ chơi STEM còn khá mới lạ.
STEM được ghép lại từ 4 chữ: S (Science: Khoa học), T (Technology: Kỹ thuật), E (Engineering: Công nghệ) và M (Math: Toán). Gần đây, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và giáo dục STEM được thúc đẩy, các trường học, trung tâm và một số phụ huynh đã bắt đầu quan tâm đến loại đồ chơi này.
Tập trung vào thực làm
Trên thị trường, các sản phẩm hỗ trợ 4 môn học trên gồm có sách và các món đồ chơi với chất liệu nhựa hoặc gỗ, thân thiện với trẻ em của nhà xuất bản Kim Đồng, Công ty Long Minh hoặc nhà xuất bản Đông A.
Theo anh Phạm Quý Phúc, người sáng lập dự án Xưởng Sáng Tạo (Hà Nội) dành cho trẻ em đến học và chơi các món đồ chơi STEM bằng gỗ: “Mảng đồ chơi STEM thực ra đã có nhưng còn lẻ tẻ. Hiện giờ đang được nhóm lại, quan tâm phát triển nhiều hơn.Hiện tại, các đơn vị tập trung nhiều vào robot, các thiết bị này hầu hết nhập ngoại”.
Đồ chơi STEM hiện tại chưa có một quy chuẩn nào rõ ràng vì nó rất phong phú về kiểu dáng, cách thức chơi và mỗi lứa tuổi sẽ phù hợp với từng món đồ chơi khác nhau.
“Đặc điểm chung của những món đồ chơi STEM là tập trung vào khă năng thực làm. Nghĩa là học sinh phải tự tạo ra món đồ chơi dựa trên những hướng dẫn hoặc những linh kiện mình sẵn có kèm theo đó là sự sáng tạo của các em.
Ví dụ học về máy cơ đơn giản, phần ròng rọc, chúng tôi sẽ giúp học sinh tự chế tạo được một cái tháng máy. Không những để học sinh hiểu nguyên lý mà còn yêu cầu học sinh phải thực làm chứ không phải nghe lý thuyết xong rồi để đấy”, anh Phúc cho biết.
Theo thầy Cao Xuân Nam, CLB Robotic, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM: “Đồ chơi STEM rất đa dạng và phong phú, thay đổi liên tục bởi vai trò của nó là kích thích tối đa khả năng tư duy logic và sự sáng tạo của trẻ em. Thậm chí trẻ có thể tự mày mò ra cách làm riêng đồ chơi cho mình”.
Chơi từ tô màu đến lắp ráp robot
Đồ chơi STEM đơn giản nhất là trò chơi tô màu, vẽ tranh, đồ tranh, cắt dán giấy thủ công. Gia đình nào cũng có thể chuẩn bị cho bé ngay tại nhà. Qua đó, bé dần làm quen với màu sắc, hình khối, sự vật qua góc nhìn và cảm nhận riêng của trẻ về thế giới xung quanh
Mỗi món đồ chơi, mỗi dụng cụ đều gắn liền với một bài học, đều có ý nghĩa riêng. Ví dụ, tại Xưởng Sáng Tạo, trước các buổi học, các kỹ sư sẽ tạo ra cho các em những vật dụng tí hon như búa, đục, bào, vật dụng chà nhám bằng gỗ hoặc nhựa, vừa với tay cầm và an toàn để các em tự tay thực hành tạo sản phẩm.
Cụ thể, trong dự án Sỹ quan pháo binh, các bạn nhỏ sẽ cùng với TS Vật lý Nguyễn Anh Tuấn (Viện Vật lý, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST), Nhật Bản) tìm hiểu nguyên lý và chế tạo một chiếc máy bắn đá bằng gỗ.
Dự án Kiến trúc sư tý hon sẽ giúp các em tự lên ý tưởng thiết kế và lắp các mảnh ghép, tạo ra căn nhà mơ ước cho gia đình mình. Hay dự án Em yêu thiên nhiên, các bé sẽ tự tay làm ra một chiếc tổ chim nhỏ từ cành cây vụn được thu lượm về.
Ngoài ra, với những thanh kim loại, trụ gỗ, các quả bóng tròn và trục quay, các em được học về sự vận động của hệ mặt trời. Sau khi hiểu được vị trí, màu sắc mô phỏng các hành tinh, bé sẽ tự tạo ra hệ mặt trời của riêng mình.
Ngoài ra, từ phôi bào, các em còn tận dụng để tạo ra cho mình những bông hoa nhiều màu sắc. Bất kì nguyên liệu nào như tờ giấy, thanh gỗ, kim loại, miếng lắp ghép bằng nhựa, chai, ống nhựa hay thậm chí là cành cây vụn cũng có thể được chế tạo để làm ra đồ chơi STEM, tùy thuộc vào sự sáng tạo của con người.
Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, các món đồ chơi lắp ráp robot đang được nhiều phụ huynh chú ý. Thầy Nam cho biết mỗi bộ lắp ghép robot ngoại nhập đều có giá khá cao. Phối hợp các linh kiện với nhau kèm theo mỗi bài học mà giáo viên hướng dẫn, các em có thể tạo ra nhiều chú robot mang các chức năng, vận động khác nhau. Khi trẻ đã khai thác hết cấp độ này, sẽ được nâng cao lên các cấp độ khác.
Ngoài lắp ghép các linh kiện tạo thành hình robot, trẻ phải vận dụng một số thao tác lập trình từ cơ bản đến nâng cao để điều khiển chú robot đó vận động theo mục đích của con người. Đưa lý thuyết vào thực làm, tập tư duy logic, sáng tạo và đột phá mới chính là tác dụng của đồ chơi STEM.
“Khi đến các trung tâm, lớp học, đồ chơi hầu như liên tục thay đổi theo chủ đề, trẻ sẽ cảm thấy thú vị và có nhiều cảm hứng sáng tạo nên vừa tránh lãng phí, con lại được học và chơi nhiều hơn. Với sự giảng dạy của thầy cô, bé sẽ hiểu cặn kẽ lý thuyết, được giá trị của các nguyên lý, thực nhìn các vận động trong đời sống thì mới áp dụng để thực hành”, thầy Nam chia sẻ.
Theo: (Giaoduc/TTO)