Báo cáo Năng lực cạnh tranh 2010 được công bố sáng 30/11 đã chỉ ra 3 điểm yếu của kinh tế Việt Nam hiện nay là năng suất lao động thấp, thiếu kinh tế cụm ngành và chính sách kinh tế vĩ mô không ổn định.
Đây được xem là bản báo cáo cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, được xây dựng bởi Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á phối hợp thực hiện. Giáo sư Michael Porter, “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh chính là người chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện báo cáo này.
Nhận xét quan trọng nhất được ông Porter đưa ra trong buổi công bố báo cáo sáng nay 30/11 là mô hình phát triển dựa trên các yếu tố tự nhiên được thừa hưởng, vốn đã giúp Việt Nam tăng trưởng trong 15-20 năm qua, hiện đã lỗi thời và Việt Nam cần sớm đưa ra một mô hình mới.
“Nếu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng theo kiểu cũ, tức là dựa chủ yếu vào đặc điểm địa lý hay dân cư thì không có nghĩa là khủng hoảng sẽ đến vào năm sau. Tuy nhiên các bạn chắc chắn không thể duy trì mô hình này trong vòng 5-10 năm tới”, Giáo sư Porter khẳng định.
Nhìn lại quá trình tăng trưởng kinh tế từ năm 1975 đến nay, các nhà làm báo cáo tỏ ra ấn tượng về tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức thu nhập bình quân đầu người (1.160 USD) mà Việt Nam đạt được vào năm nay. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn tỏ rõ sự quan ngại đối với mức thịnh vượng mà xã hội và người dân được hưởng vẫn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này, theo Giáo sư Michael Porter, chính là do năng suất lao động chung trong nền kinh tế (động lực chính cho sự thịnh vượng) còn ở mức quá thấp. Điều này cũng trực tiếp ảnh hưởng đến mô hình tăng trưởng vốn đang dựa nhiều vào hội nhập và chuyển dịch lao động chế tác hiện nay (mô hình cổ điển).
Theo các chuyên gia thì mặc dù lượng hàng hóa xuất khẩu từ khu vực chế tác nhưng gia trị gia tăng còn thấp. Việt Nam cũng chỉ chủ yếu có thị phần xuất khẩu lớn trong các ngành sử dụng nhiều lao động và tài nguyên thiên nhiên. Sự liên kết giữa các nhóm ngành xuất khẩu là hầu như không có.
Điều này khiến những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam thường không liên quan đến nhau (thủy sản, dệt, đồ nội thất, may mặc, giày dép…). Do đó không tạo được hiệu ứng “tràn ngập” tại các thị trường lớn như EU hay Mỹ.
Ở cấp độ năng lực cạnh tranh quốc gia, gần như tất cả các yếu tố trong 2 phạm vi được nhóm nghiên cứu đưa ra là vĩ mô (thể chế chính trị, pháp quyền, phát triển con người, chính sách kinh tế vĩ mô) và vi mô (môi trường kinh doanh và chiến lược doanh nghiệp) đều xếp hạng từ trung bình trở xuống. Cá biệt, chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam được báo cáo đặt chỉ báo màu đỏ, tương đương với một bất lợi lớn.
Những bất cập nêu trên của mô hình tăng trưởng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam trong thời gian tới, trực tiếp ảnh hưởng tới các cân đối vĩ mô. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng thấp của khu vực xuất khẩu, sự mất giá của tiền đồng cộng với cầu nội địa gia tăng sẽ làm cho thâm hụt thương mại ngày một trầm trọng.
Trong khi đó, việc các dòng vốn lớn đổ vào nền kinh tế, cộng với chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng sẽ gây áp lực không nhỏ lên lạm phát. Tỷ lệ tăng GDP so với đầu tư cũng ngày một sa sút khiến cho sự phụ thuộc vào dòng vốn ngoại của nền kinh tế ngày một tăng.
Đứng trước những thực tế nêu trên, nhóm thực hiện báo cáo đề xuất một loạt giải pháp đối với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm tìm ra mô hình phát triển tương xứng trong giai đoạn hiện nay.
Theo Giáo sư Michael Porter và các đồng sự, Việt Nam cần đặt ra một chiến lược mới với 3 nguyên tắc chỉ đạo cơ bản là đặt năng lực cạnh tranh ở vị trí trung tâm, coi trọng vai trò kinh tế tư nhân và đưa vai trò của Chính phủ trở thành người tạo dựng lợi thế cho nền kinh tế. “Ba nguyên tắc” này được coi là chìa khóa để điều chỉnh các mất cân đối vĩ mô hiện tại cũng như tạo nền tảng cho một nền sản xuất có năng suất cao hơn. Các nhà nghiên cứu cũng đề nghị thành lập một Ủy ban Quản lý năng lực cạnh tranh cấp quốc gia tại Việt Nam, giống như mô hình đã được thực hiện rất thành công ở Hàn Quốc và nhiều nước khác.
Một giải pháp cũng được Báo cáo nhấn mạnh là phát triển các cụm ngành sản xuất. Giáo sư Michael Porter ví von công việc này giống như “xây chiếc cầu nối quá khứ với tương lai của nền kinh tế” và khẳng định nó phải được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Giáo sư kiến nghị nên tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển kỹ năng lao động, khu công nghiệp… Ông và các đồng sự cũng đề xuất một số mô hình thí điểm như cụm ngành điện tử – cơ khí tại Hà Nội, cụm du lịch ở miền trung hay cụm ngành dệt may, logistics tại TP HCM…
Đối với việc quản trị doanh nghiệp Nhà nước, Báo cáo đề nghị Chính phủ nên tách biệt vai trò của mình với tư cách là chủ sở hữu và hoạt động quản lý điều tiết. Các cơ quan chức năng cũng nên xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn quản trị hiện đại với các doanh nghiệp này, đảm bảo cạnh tranh theo cơ chế thị trường và thúc đẩy quá trình cổ phần hóa.
Tóm lại, theo GS. Michael Porter, năng lực cạnh tranh được thúc đẩy bằng 3 cấp độ: lợi thế tự nhiên: lao động, tài nguyên, vị trí địa lý. Đây là những thứ Việt Nam đều có nhưng không thể chỉ dựa vào nó.
Muốn sử dụng được phải dựa cả vảo năng lực cạnh tranh kinh tế vĩ mô (điều kiện khung tạo điều kiện cho DN làm ăn như hạ tầng, thể chế chính trị).
Thứ nữa là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vĩ mô. Trong đó doanh nghiệp phải có cạnh tranh tốt, nhưng bản thân họ không thể cạnh tranh tốt trong môi trường không tốt.
Phát biểu trong lễ công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh 2010 sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao chất lượng những thông tin mà Giáo sư Michael Porter và các đồng sự tại CIEM và Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á mang lại. Ông khẳng định đây là nguồn dữ liệu quan trọng và sẽ được Chính phủ cân nhắc, sử dụng khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội từ nay đến năm 2015 và 2020.
Đặc biệt tâm đắc với đề xuất thành lập Ủy ban giám sát năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó thủ tướng cho biết sẽ đề đạt ý tưởng này để Chính phủ có cơ sở xem xét, triển khai trong thời gian tới.
Theo: Michael Porter chê mô hình tăng trưởng của Việt Nam (VNE)