Với môn văn, có những “mẹo” thí sinh cần ghi nhớ để đạt kết quả cao.
Phân tích kỹ câu hỏi để có cách trả lời thuyết phục
Trong môn văn, với câu đọc hiểu, đáp án thường yêu cầu trả lời ngắn gọn, rõ ràng, chuẩn xác. Vì thế cần phân tích kỹ các câu hỏi để có cách trả lời thuyết phục. Theo đó, cần chú ý các câu hỏi có sự chọn lựa nhiều phương án trả lời hay chỉ một phương án đúng. Với câu có các từ “những”, “các” thì cần trả lời từ 2 phương án trở lên. Phải cân nhắc trả lời theo ý gạch đầu dòng hay viết thành đoạn, có yêu cầu độ dài hay không, và không nên viết quá dài. Nếu cách hỏi là “theo tác giả” thì bám vào văn bản để trả lời, nếu cách hỏi cho biết ý kiến của người làm bài thì phải trả lời cách khác ngoài ý kiến tác giả.
Gặp câu hỏi nhiều vế thì phải tách riêng từng ý để trả lời cho rõ ràng. Phải xác định được các “từ khóa” để trả lời đúng ý, vì thông thường giám khảo thấy ý có các “từ khóa” đó là sẽ cho điểm…
Chú ý đoạn và bài văn
Với phần làm văn, gồm viết đoạn văn và bài nghị luận văn học, cần chú ý các yêu cầu trọng tâm sau đây:
Đảm bảo cấu trúc đoạn/bài văn nghị luận. Theo đó, đối với đoạn văn phải có mở đoạn giới thiệu trực tiếp, triển khai theo các thao tác lập luận phù hợp và kết đoạn nêu được ý nghĩa, bài học nhận thức. Với bài văn phải đầy đủ các phần: mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, và kết bài kết luận được vấn đề.
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. Nghĩa là bài làm phải làm rõ được trọng tâm đề bài yêu cầu, không lạc đề.
Triển khai vấn đề thành các luận điểm. Như giới thiệu, giải thích, bàn bạc, mở rộng, liên hệ… Phần này chiếm thang điểm nhiều nhất.
Phải có sáng tạo của người viết. Phần này sẽ thêm điểm cho thí sinh mà bài làm có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc và có những so sánh, liên hệ bất ngờ, thú vị.
Bài làm phải đảm bảo được quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. Nếu bài viết mắc khoảng 3 lỗi phần này sẽ mất điểm.
Tất cả các yêu cầu trên được giám khảo chấm theo cách cộng điểm toàn bài.
Theo:Thầy Nguyễn Minh Hoàng (Giáo dục /TNO)