Theo những “săn tóc” thì chỉ một phần nhỏ tóc được mua cung ứng cho thị trường nối tóc trong nước như Hà Nội, Sài Gòn… để làm tóc giả. Số lớn là chuyển qua thị trường Mỹ, Thái Lan… đặc biệt thị trường “nóng” nhất vẫn là Trung Quốc.
“Bóc mẽ” nghề săn tóc
Trời vừa tảng sáng. Đông giá. Nhìn còn chưa tỏ mặt người nhưng các tiểu thương, hàng xén, hàng rong đã bày bán đủ thứ hàng. Chợ Dinh, huyện Yên Thành, Nghệ An chỉ họp 3 ngày trong tháng nên rất đa dạng về mặt hàng. Ấn tượng mạnh nhất là những người chuyên “săn tóc”. Quan sát thì “nghề” này cũng rất đơn giản. (Hình: Tất cả những người có mái tóc dài đi ngang qua đều bị kéo lại để “ra giá”)
Chỉ cần một cái kéo với một dao tỉa là hành nghề được. Dao tỉa tận dụng từ một cái lược dài chừng 20 phân, phần đầu gắn một lưỡi dao lam (dùng để cạo râu). Tỉa tóc ít hay nhiều, sâu hay nông là tùy vào “chiêu” của các “tay săn”. Bằng những kỹ thuật rất điệu nghệ và kỹ xảo, những sợi tóc dài nhất sẽ bị tỉa đến tận da đầu. Việc làm này người bán không hề hay biết.
“Cứ thấy người nào tóc dài đi qua là bám theo nài nỉ, thuyết phục để mua cho bằng được. Nhiều người vì túng bấn quá, không có tiền mà phải bán tóc chứ dại gì mà bán nó đi. Tội nghiệp cho họ, có những người già vì không biết nên bị họ “lọng” (tỉa những cái dài nhất) mãi tận chân tóc mà không biết gì”, một tiểu thương ở chợ Dinh cho hay.
Người ngồi im bán tóc đến khi xong xuôi rồi sờ lên đầu thì tự nhiên thấy cụt lủn thế mới sinh ra chuyện “tiếng to tiếng nhỏ” vì tóc. Nếu như công đoạn thuyết phục “xuống tóc” thể hiện sự kiên trì thì chuyện “hành động” lại nhanh lẹ.
“Cưỡng bức” … tóc quê
Bà Nguyễn Thị Minh (60 tuổi) quắp làn hoa quả hái được trong vườn. Vừa đến cổng chợ Dinh, một nhóm người chạy lại nài nỉ: “Bà bán tóc cho cháu nhá. Già rồi để làm chi (gì) tóc dài cho nó vướng”. Bạc rồi!, bà Minh đáp gọn lỏn.
Định bước đi vào chợ thì một người đàn bà thuyết phục: “Không việc gì cả. Tóc đen hay bạc trắng chúng cháu đều mua ạ! Mái tóc của bà, cháu trả cho 200 ngàn đồng nhé”. Bà Minh đang lưỡng lự thì “săn tóc” đã dìu bà Minh ngồi xuống ghế và lia những nhát kéo xén ngang những lọn tóc. Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh. Nắm trong tay 200 ngàn đồng, bà Minh lùi lũi vào chợ với cái làn hoa quả và mái tóc ngắn.
Phía trong chợ nhộn nhịp kẻ ra vào. Chẳng ai để ý tóc bà ngắn hay dài bởi chiếc nón lá cũ mèm đã che tất cả.
Tại chợ Thanh Giang, xã Thanh Giang, Thanh Chương, đâu đâu trong chợ cũng bắt gặp tấm biển với dòng chữ nguệch ngoạc: Tại đây mua tóc, kèm theo số điện thoại. Ở một góc chợđôi vợ chồng trẻ “nhập tâm” xuống tóc cho một “thân chủ”. Bên cạnh là chiếc cassette đã ghi âm giọng rao: Mua tóc.
Trong cái tạp âm của chợ quê, tiếng người đàn bà dẫn đứa con gái 14 tuổi đi theo vọng lên: Tóc cháu đây được bao nhiêu tiền? Nhanh chân đến, tay sờ sờ, vuốt vuốt, giơ lên, vuốt xuống cho tóc thẳng rồi “săn tóc” phán: “Tóc hơi thưa và ngắn. Cắt ngang chừng này thì trả 100 ngàn đồng”. Sau cái gật đầu lưỡng lự của người mẹ, mái tóc của cô bétrở thành cụt ngủn.
Chị Hằng ở xã Thanh Giang cầm trong tay chụm tóc mang xuống chợ bán. Bộ tóc này họ trả chị bao nhiêu, tôi hỏi?. “Sáu chục (60 ngàn đồng) chú. Ở nhà tui (tôi) cứ đinh ninh là khoảng được trăm rưỡi hay vài trăm ngàn đồng nhưng họ cứ ép giá mãi. Họ nói “tóc sống” mới được giá đó (tức là tóc được cắt trực tiếp). Thôi thì đưa về để phiên sau có người trả cao hơn thì bán”, chị Hằng buồn bã nói.
Tóc “xuất ngoại”
Sau mỗi phiên chợ, các thương lái lại thu gom những bộ tóc nhập cho các đại lý lớn ở huyện Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu… Theo những “săn tóc” thì chỉ một phần nhỏ được nhập cho thị trường nối tóc trong nước như Hà Nội, Sài Gòn… để làm tóc giả. Số lớn là chuyển qua thị trường Mỹ, Thái Lan… Đặc biệt thị trường “nóng” nhất vẫn là Trung Quốc
Đặc biệt thị trường “nóng” nhất vẫn là Trung Quốc. Chị H., một người buôn tóc lâu năm ở chợ Dinh khoe: “Người mua tóc số nhiều là ở huyện Diễn Châu, Đô Lương… Việc định giá loại tóc cũng tùy theo loại: dài, ngắn, tốt xấu, khác nhau. Trung bình mỗi lạng tóc dài trên 40 cm giá 300 đến 500 ngàn đồng. Có bộ tóc lên đến cả triệu đồng. Tuy nhiên khi ra nước ngoài thì giá lại “đội” lên không biết mấy”.
Chị Lan, 39 tuổi quê ở huyện Diễn Châu, một trong những người buôn tóc có thâm niên chỉ tay vào chỗ bao tải đang để ở góc chợ, nói: “Chỗ này hơn 10 kg tóc, trung bình dài từ 40 cm – 70 cm”.
Hiện không chỉ riêng tại Yên Thành, Thanh Chương mà ở các huyện miền núi khác của tỉnh Nghệ An, những dòng chữ “bán tóc dài đi” vẫn rôm rả.
Một chiều đông, rét tê tái. Phố xá xô bồ. Chợt văng vẳng nghe câu hát: “… Dáng em gầy mong manh như lá cỏ; Mái tóc huyền óng ả thật dễ thương; Tôi thẫn thờ như mưa bên hiên vắng; Cứ đứng chờ như nắng hạ chờ mưa” (Lặng Thầm của Thế Hiển).
Lại thấy nhớ, thương và xót xa cho mái tóc óng ả làm say lòng các chàng trai của cô bé chợ quê!
Theo: (BEE)