Lừa đảo dựa trên những sơ hở của đối phương không còn là chuyện hiếm gặp trong kinh doanh. Nhiều công ty vẫn “ngọt ngào” rơi vào “bẫy” cho dù có hợp đồng kinh tế hẳn hoi. Tất cả cũng bởi tính chủ quan và dễ tin người.
Lợi dụng sơ hở của hợp đồng
Dây chuyền sản xuất của công ty đang rất thuận lợi, hàng hóa sản xuất đều đều. Lần này công ty bạn lại có vụ làm ăn với đối tác là một công ty nổi tiếng. Hai bên kí kết hợp đồng tiền triệu, trong đó có điều khoản quy định: “Bên mua mỗi ngày lấy một xe hàng, mỗi ngày một lần”.
Mấy ngày đầu, phía đối tác dùng xe tải hạng trung đến lấy hàng, mỗi ngày chở đi khoảng 3 tấn, sau một tuần thì dùng loại xe tải 5 tấn, sau vài ngày nữa thì dùng loại xe tải 10 tấn, lượng hàng hóa mỗi ngày gấp hai lúc trước. Công ty bạn không hài lòng và thương lượng với đối tác, nhưng đối tác đã mang hợp đồng ra “mỗi ngày chở một xe hàng” và bảo là không vi phạm hợp đồng. Không cãi được, cuối cùng, công ty bạn phải chấp nhận bồi thường và đơn phương chấm dứt hợp đồng. Công ty bạn đã phải chịu thiệt thòi trong giao dịch này.
Tại sao công ty bạn “mắc bẫy”?
– Tình trạng sản xuất của công ty tốt nên lơ là cảnh giác đối với kẻ lừa đảo khi làm hợp đồng.
– Không nghiên cứu kỹ các điều khoản trong hợp đồng.
– Quá tin tưởng đối tác, không nghi ngờ động cơ thật của đối tác
Bí quyết phòng tránh
Rất nhiều trường hợp lừa đảo bằng hợp đồng kinh doanh đã xảy ra, kẻ lừa đảo giăng bẫy trước khi kí hợp đồng, sau đó lợi dụng sơ hở của bạn với các điều khoản trong hợp đồng để lừa đảo. Khi bạn phát hiện ra thì cũng đành chịu vì kẻ lừa đảo “vin” vào hợp đồng đã kí. Để tránh bị lừa gạt bằng hợp đồng, bạn phải nghiên cứu từng điều khoản cụ thể, đảm bảo các điều khoản đó không có nghĩa thứ hai mà đối phương có thể lợi dụng để gây bất lợi cho mình.
Hợp đồng rỗng lừa tiền thanh toán trước
Công ty bạn đang cần nguyên liệu cho sản xuất. Qua tìm hiểu, bạn thấy công ty nọ có giấy phép kinh doanh, tình trạng kinh doanh gần đây tốt, có tài khoản ngân hàng thực sự. Bạn tin vào khả năng cung cấp hàng của đối phương và đã kí một hợp đồng trị giá bạc tỷ với đối tác. Hợp đồng quy định bạn phải trả trước 50% tiền hàng trong vòng 7 ngày, còn phía đối tác sẽ giao hàng cho đến cuối tháng. Bạn đã chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của đối tác nhưng chờ mãi không thấy phía đối tác giao hàng. Lấy lý do vận chuyển có sai sót, đối tác xin được giải quyết chậm. Sau nhiều lần thúc giục, bạn vẫn chưa nhận được hàng nhưng lại nhận được tin phía đối tác phải vào tù vì một trò lừa đảo khác. Số tiền thanh toán trước của bạn cũng không lấy lại được.
Tại sao mắc bẫy lừa tiền thanh toán trước?
– Kẻ lừa đảo có tài khoản ngân hàng thực sự
– Kẻ lừa đảo có giấy phép kinh doanh thật
– Kẻ lừa đảo thực hiện hành vi lừa đảo khắp nơi nên gần đây tình hình kinh doanh tốt
– Kết luận tìm hiểu kẻ lừa đảo không chính xác
Bí quyết phòng tránh
Người làm ăn ai cũng biết hợp đồng khống, nhưng không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Trước các lời nói của đối phương, trước tiền bạc hoặc không biết chiêu bài của đối phương nên khi đối phương tung hỏa mù, bạn đã mất khả năng phán đoán. Cho nên bạn phải đề cao cảnh giác, khi giao dịch với số tiền lớn phải quy định với ngân hàng trước, là số tiền bạn gửi vào tài khoản của đối phương, sau khi bạn nhận được hàng và bạn đồng ý thì đối phương mới nhận được tiền. Như vậy mới tránh bị mất tiền oan vì hợp đồng rỗng.
Lừa hàng bằng hợp đồng
Sau khi bàn bạc chuyện làm ăn, bạn nói: “Theo quy định, tiền chuyển vào tài khoản, chúng tôi sẽ giao hàng”. Hắn ta lại nói: “Lần đầu làm ăn không thể không giữ uy tín. Các ông cứ gửi hàng đi trước, công ty chúng tôi sẽ trả tiền. Người của các ông đi cùng chúng tôi, tất cả chi phí trên đường chúng tôi lo. Sau khi đến nơi, không trả tiền thì các ông giữ lại hàng”. Sau khi chuyển hàng đến nơi, bạn đòi trả tiền mới giao hàng nhưng hắn ta lại đòi “đếm số lượng cái đã”. Cứ như thế, hàng đã vào kho. Hắn ta mời bạn đi ăn, cơm no rượu say, kế toán mới vội vàng chạy vào nói: “Tài khoản của chúng ta vừa trả hết…”.
Ở lại chờ tiền mãi không được, bạn đành cầm giấy nợ về công ty. Không lâu sau bạn nhận được thư thông báo, rằng hàng của bạn không hợp quy cách, đã bị hủy, tiền phạt do công ty bạn đóng, kèm theo đó là giấy kiểm tra chất lượng của bộ phận kiểm nghiệm và giấy yêu cầu nộp phạt. Hàng đã bị hủy, còn bị phạt tiền, có khi còn bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật, bạn chỉ cần bỏ qua, không dám đòi nợ nữa. Và hắn ta “nuốt” trọn lô hàng.
Tại sao bạn bị lừa hàng?
– Không tỉnh táo trước những lời ngon ngọt, lời hứa của hắn ta
– Tin vào phương thức trả tiền mà đối phương đã đưa ra
– Không chịu kiên trì nguyên tắc của mình
– Không kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất xưởng
Bí quyết phòng tránh bị lừa hàng
Để “nuốt” trọn hàng hóa, đối phương thường giở trò hàng không đúng chất lượng, phải tiêu hủy và còn đòi kiện tụng. Đối phó với trò lừa đảo này, trước khi giao dịch, cần cung cấp cho đối phương giấy kiểm tra chất lượng có hiệu lực pháp luật, như vậy mới tránh bị lấy hàng mà không lấy được tiền của đối phương.
Hợp đồng miệng trở thành hợp đồng quỵt nợ
Bạn có giao kèo miệng với một công ty nọ, rằng phía đối tác phải cung cấp hàng cho công ty bạn, cả hai thống nhất hàng đến thì sẽ trả tiền. Khi bạn mang tiền đến công ty đối tác để lấy hàng thì chỉ nhận được 60% hàng. Đối tác tỏ vẻ thành khẩn với bạn rằng: “… phải làm phiền ông đi thêm chuyến nữa. Tôi thấy thế này nhé, ông cứ để tiền lại, số hàng còn lại chúng tôi sẽ giao trong vòng 10 ngày”. Một tuần sau, bạn cho người đi thúc hàng, nhưng được thông báo đã liên hệ hàng xong nhưng vẫn chưa chuyển đến. Người đi thúc hàng tin tưởng và cầm giấy nợ về. Sau đó, nhiều lần bạn đến phía đối tác đòi trả tiền hoặc giao hàng, nhưng không có kết quả gì, hắn ta giở trò quỵt nợ. Vì không có hợp đồng, chỉ có mỗi tờ giấy nợ nên bạn đành kiện ra tòa. Lúc này bạn có hối cũng không kịp.
Tại sao bạn bị quỵt nợ?
– Coi hoạt động kinh tế là trò đùa, không kí hợp đồng nghiêm túc trên giấy
– Dễ dàng tin rằng đối tác sẽ giữ lời hứa
– Không chịu theo phương thức có hàng thì mới giao tiền, tạo cơ hội cho kẻ lừa đảo
Bí quyết phòng tránh
Vì không có giấy tờ làm bằng chứng nên khi có rắc rối sẽ khó giải quyết. Trước khi hàng chưa giao hết không nên trả hết tiền, có thể thanh toán số tiền của lô hàng đã nhận xong rồi lập lại hợp đồng. Sau đó, lần sau lại mang tiền đến lấy số hàng tiếp theo. Đối phó với trò lừa đảo này, điểm mấu chốt là phải kí hợp đồng trên giấy tờ, không nên dễ dàng tin lời hứa của đối tác.
Theo: (Tamnhin)