(Hiếu học). Có rất nhiều du học sinh Việt Nam hiện đang làm việc tại Úc chưa thực sự hoà nhập được vào môi trường công sở cũng như văn hóa Úc. Bởi mặc cảm về ngôn ngữ khiến nhiều bạn trẻ tự ti và rụt rè khi tiếp xúc với các đồng nghiệp.
Vẻ ngoài “hoành tráng”.
“Trước đây, niềm mơ ước của mình là sau khi ra trường, sáng sáng quần áo chỉnh tề, hoà mình vào dòng người hối hả đi về phía các công sở Úc” – Hà, một cựu sinh viên du học Úc hóm hỉnh chia sẻ.
Hà tốt nghiệp thạc sĩ kế toán cách đây gần ba năm. Ra trường, lăn lộn mãi với đủ loại công việc, từ hái hoa quả, bán hàng cho đến đếm xe, dạy tiếng Việt, cuối cùng, Hà cũng xin được việc làm đúng chuyên ngành. Trong con mắt của bạn bè, công việc của Hà rất đáng mơ ước. Hà còn khiến họ ngưỡng mộ hơn khi nhảy việc sang một công ty khác với mức lương cao hơn vào đúng thời điểm kinh tế suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.
Có thể nói rằng một công việc văn phòng đúng chuyên môn được học là niềm mơ ước của hầu hết các du học sinh tại Úc. Hà cho biết: “Mặc dù ban đầu lương khởi điểm không cao, với ngành kế toán trung bình là 35.000 – 40.000 đôla Úc/năm trước thuế, nhưng quan trọng hơn là môi trường làm việc có rất nhiều điều để mình học hỏi và phát triển nghề nghiệp lâu dài.
Nếu xét về ngắn hạn thì chưa chắc làm văn phòng đã được nhiều tiền hơn những nghề lao động phổ thông khác. Tuy nhiên, xét về dài hạn thì cơ hội mở mang kiến thức và phát triển nghề nghiệp lại hơn rất nhiều”, Hà nhận xét.
Nỗi lòng người trong cuộc.
Tuy nhiên, những người trong cuộc đôi khi cũng có những nỗi niềm khó nói, mà một trong số đó là khả năng hội nhập vào môi trường công sở Úc.
Khanh là kĩ sư IT của một công ty khá lớn trong thành phố Melbourne. Công việc của dân kĩ thuật quanh đi quẩn lại với ngôn ngữ lập trình và một số thuật ngữ chuyên môn nên tiếng Anh của Khanh không được nâng cao mấy so với thời còn đi học. Trong nhóm, Khanh thuộc diện vững về chuyên môn nhất, nhưng do tiếng Anh không tốt nên Khanh không mấy khi giao tiếp với khách hàng, kể cả qua điện thoại. Vì vậy, tuy đã đi làm được hơn ba năm và hoàn toàn có cơ hội làm trưởng nhóm nhưng Khanh lại không thể thăng tiến trong công việc.
Khanh cũng ngại đi đến những buổi giao lưu, gặp gỡ với đồng nghiệp và vì vậy, tuy sống ở Úc trong một thời gian khá dài nhưng Khanh lại không biết nhiều về văn hoá Úc.
Nga cũng rơi vào trường hợp tương tự. Nga phụ trách bộ phận sinh viên quốc tế trong một trường dạy nghề. Trong công việc hàng ngày, Nga cảm thấy rất tự tin vì chủ yếu tiếp xúc với sinh viên Châu Á và vốn tiếng Anh của bạn không hề thua kém họ.
Tuy nhiên, Nga lại rất hạn chế giao tiếp với các đồng nghiệp người Úc vì cảm thấy thua kém họ về mặt ngôn ngữ. Dần dần, Nga tự thu hẹp mình trong cái vỏ ốc do chính mình tạo ra và vì vậy, nhiều lần Nga cảm thấy mặc cảm vì chưa thực sự hoà nhập được vào cuộc sống tại Úc.
Rào cản không thể vượt qua?
Hải, một cựu du học sinh, cho biết: “Sống ở khu người Việt, đi chợ Việt, về nhà nói tiếng Việt, bạn bè chủ yếu là người Việt nên vốn tiếng Anh của tớ chả khá khẩm lên là mấy. Nói thì toàn sử dụng những mẫu câu đơn giản, đôi khi diễn đạt ý kiến thì lúng túng không biết dùng từ gì cộng với phát âm không chuẩn, cứ như người nói ngọng”.
Hải không phải là trường hợp ngoại lệ. Tôi đã làm một cuộc khảo sát nhỏ trong một nhóm gồm 8 cựu sinh viên Việt hiện đang làm việc cho các công ty tại Úc, kết quả cho thấy có tới 6 người cho rằng họ gặp nhiều trở ngại về mặt ngôn ngữ và vì vậy, đối với họ, ngôn ngữ dường như là một rào cản cực kì khó vượt qua.
“Nói chuyện với Tây mà cứ bị hỏi lại “xin lỗi, anh nói gì?” khiến mình nhiều khi cũng xấu hổ và giận mình vì chưa cố gắng hết sức. Tuy nhiên, ngôn ngữ lại thuộc về khả năng mỗi người nên mặc dù đã cố gắng nhưng mình vẫn chưa đạt được kết quả như ý muốn. Bình thường trong công việc thì mình không gặp trở ngại nhiều vì công việc làm lâu thành quen, nhưng bực nhất là khi ngồi nói chuyện với đồng nghiệp. Nhiều khi họ kể chuyện cười với nhau mà mặt mình cứ nghệt ra vì không hiểu rõ họ nói gì”, Phương Anh – một kỹ sư kết cấu công trình chia sẻ rất thật lòng.
Mặc cảm, thiếu tự tin đã khiến cho nhiều nhân viên văn phòng vốn là cựu du học sinh Việt Nam đã sống khép kín với các đồng nghiệp xung quanh mình. Tuy nhiên, liệu có phải ngôn ngữ luôn là một rào cản không thể vượt qua được?
Trở lại trường hợp của Hà kể trên, sau hai năm nỗ lực không mệt mỏi để hoà nhập vào văn hoá công sở cũng như văn hoá Úc, Hà rất tự tin với vốn sống phong phú và những kiến thức đã học hỏi được của mình. Hiện nay, bạn đã tách ra làm chủ một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ về kế toán ở một khu “99% là Tây” trong thành phố Melbourne.
Bí quyết của Hà là sẵn sàng hoà nhập và luôn nỗ lực học hỏi. “Các chủ doanh nghiệp thường rất coi trọng những người có niềm đam mê và miệt mài học hỏi, sẵn sàng “cháy” hết mình để đạt được hoài bão. Nếu ngay cả đến việc giao tiếp và hoà nhập bạn cũng còn ngại thì làm sao bạn có thể chứng minh được cho họ biết là bạn có những tố chất để có thể thăng tiến và thành công?”.
Tương tự, Mai cũng là một cựu du học sinh và hiện đang giữ vị trí giám đốc kinh doanh của một trường dạy nghề lớn ở Úc. Mặc dù nói tiếng Anh không hay nhưng người phụ nữ đầy ý chí này vẫn vượt qua được rào cản ngôn ngữ bằng cách tập cho mình thói quen đọc báo, nghe đài, xem tivi bằng tiếng Anh và chịu khó giao tiếp với người bản xứ.
Chị chia sẻ: “Nó giống như một vận động viên chạy vượt rào vậy. Mặc dù sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể chạy được tới đích cuối cùng nhưng ít nhất là khi vượt qua được rào cản rồi thì bạn sẽ rất tự tin để chạy tiếp”.
Nguồn: (LDCT).