(hieuhoc_hieuhoc.com) Luyện tâm trí cũng là thiền, bởi thiền là chú tâm, là chuyên tâm chăm chú, là tập trung tối đa tâm trí vào việc đang làm, là tận hưởng niềm vui do công việc đó mang lại
Thế nào là thiền định – luyện tâm trí?
Thiền là một sự rèn luyện tinh thần giúp bạn tự đi tới sự suy tư tự nhiên để có được trạng thái ý thức và thấu hiểu từ sự nhận biết bản thân.
Nói về thiền, có thể thấy cách thiền như là nhắm mắt, tĩnh tâm, ngồi thở sâu trong tư thế hoa sen như những nhà Yoga, như những Phật tử vẫn làm không phải là cách thiền duy nhất. Trong đạo Phật, đức Phật dạy rằng có nhiều cách thiền khác nhau, có thể là thiền tĩnh, có thể là thiền động. Thiền tĩnh là cách thiền nói trên, còn thiền động là thiền bất kỳ ở đâu, thiền bất cứ lúc nào, thiền khi làm bất cứ việc gì, thiền khi rửa chén, quét nhà, thiền khi học tập và cả lúc giải trí vui chơi…
Như thế, thiền là chú tâm, là chuyên tâm chăm chú, là tập trung tối đa tâm trí vào việc đang làm, là tận hưởng niềm vui do công việc đó mang lại: khi đi tâm trí ta biết ta đang đi, đầu ta ngẩng cao, lưng ta thẳng, ta cảm thấy từng bước, từng động tác của cơ thể thật uyển chuyển, nhẹ nhàng, thanh thoát; khi rửa chén, tâm trí ta cũng tập trung hết mực vào việc rửa chén và tận hưởng niềm vui của công việc rửa chén, đừng để đầu óc lan man, sao nhãng sang việc khác (vừa rửa vừa nghĩ sao cho nhanh để đi xem phim, xem hát, hoặc vừa rửa mà lòng đầy tỵ nạnh, nghĩ sao mình phải làm, mà người khác thì không…)
Bắt đầu cuộc hành trình
Luyện tâm trí cũng là thiền và có nguồn gốc từ những hoạt động tâm linh cổ đại nhưng thật khó để biết nó bắt đầu từ đâu. Mặc dù vậy, để học cách chú tâm, để luyện tâm trí, bạn không nhất thiết phải gia nhập tín ngưỡng nào, không đòi hỏi bạn phải tu tập từ bi – bác ái… để được hưởng những lợi ích to lớn từ nó.
Thói quen chú tâm là kỹ năng giúp bạn nhận thức bản thân. Bạn trở nên ý thức về những điều diễn ra trong tâm trí và những cảm xúc tinh tế trong cơ thể bạn. Sau đó, bạn bắt đầu theo dõi các thói quen và các kiểu tinh thần mà có thể sẽ giữ sự sống cho bạn.
Mặc dù sự quan tâm bạn học được, là sự hiện diện về mặt tinh thần, là ý thức những điều bạn đang làm và đang nghĩ và cũng ý thức về thế giới xung quanh – trong khi duy trì một thái độ không thành kiến (không phán xét: không đề cao, không kết tội), đơn giản là chỉ nhận biết nhờ quan sát tâm trí mình.
Sau đây là một số gợi ý giúp bạn luyện tập tâm trí:
– Khai thác tính độc đáo trong bạn. Độc đáo bao gồm việc khởi sự từ đầu hoặc khởi sự với điều có sẵn và cải thiện tốt hơn. Điều quan trọng là bạn phải tạo được niềm tin vào chính mình, bởi ai cũng có sự độc đáo riêng, ai cũng sáng tạo được.
– Tham gia giải quyết vấn đề, ví dụ giải đáp ô chữ hoặc chơi các môn khác, như đánh cờ chẳng hạn. Để luyện tập tâm trí, thỉnh thoảng bạn hãy “quay lại” xem tâm trí của mình có đúng là đang “thư giãn” (ô chữ, đánh cờ) hay nó đang du lịch đâu đó. Nếu bạn giải ô chữ thì ít mà đang ấm ức vì chuyện bực mình nhiều hơn thì hãy chỉ chọn một vấn đề để chú tâm giải quyết, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.
– Tiếp cận những điều mới lạ có thể kích thích tâm trí và óc tưởng tượng của bạn như việc nghe nhạc, thăm viếng bảo tàng, đi du lịch hay nghiên cứu cuộc đời những nhân vật tạo nguồn cảm hứng và theo đuổi những ước vọng của mình. Khi thể hiện bản thân một cách độc đáo, nếu có lúc e ngại, bạn hãy tự quan sát trong tâm trí xem có phải tại mình cố gắng vì ganh đua hoặc vì quá quan tâm người khác sẽ nghĩ gì về cách thể hiện sáng tạo của mình?
– Có thái độ cởi mở, phát triển quan hệ của bạn để liên kết với những người đầy sáng tạo hoặc lập dị vốn không sợ rủi ro. Hãy thôi thành kiến, bởi mọi người, mọi việc đều có những điều đáng cho ta lắng nghe và học hỏi.
Luyện tâm trí: một kỹ năng tự nhiên có sẵn
Nâng cao sự tập trung nhờ chú tâm vào công việc là điều hẳn nhiên, nhưng chúng ta thường đánh mất khả năng tự nhiên, khả năng trẻ thơ, khả năng hạnh phúc này mà luôn sống cùng sự lo toan. Sự lo nghĩ cũng tốt, bởi nó là một phần của cuộc sống có trách nhiệm. Duy chỉ có điều, chúng ta thường không đủ chú tâm để biết lo nghĩ khi phải lo nghĩ, mà thường đánh mất hiện tại để sự lo nghĩ miên man trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi…
Luyện tâm trí bằng cách chú tâm không chỉ mang lại thành công nhờ nâng cao hiệu quả sự tập trung trong công việc và học tập mà nó còn mang đến hạnh phúc trong cuộc sống. Tính cách điềm đạm, thong dong, bình tĩnh để có những hành động phù hợp trước mỗi sự việc tùy thuộc vào mức độ tự chủ của mỗi người. Đó chính là chú tâm để có thể nhận thức ngay được cảm xúc của chính mình, để không bỏ lỡ, để không phải hối tiếc “vì sao tôi đã làm thế?”
Sự chú tâm mang lại nhiều lợi ích to lớn, giúp tập trung, lắng nghe cơ thể, nhận biết cảm xúc để tự chủ, để có hành động phù hợp với mọi hoàn cảnh… và nhiều nữa. Nhưng bấy nhiêu cũng đáng cho chúng ta bỏ chút công luyện tập để có nó tốt hơn. Vả lại, chẳng phải tâm trí là một kỹ năng tự nhiên có sẵn trong mỗi người mà chúng ta đã thường bỏ quên đó sao?
Chúc bạn thành công.
Văn Chí Kỳ (hieuhoc_hieuhoc.com)