Lưu ý khi đăng ký xét tuyển ĐH trực tuyến

Với cách đăng ký xét tuyển đại học mới qua trực tuyến, thí sinh cần lưu ý mã xác thực sẽ gửi về số điện thoại cá nhân và cần in và giữ lại mẫu xác nhận đăng ký thành công.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Ảnh: Lê Văn.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, năm nay, ngoài việc đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường, qua đường bưu điện, thí sinh có thể thông qua một hình thức mới là trực tuyến.

Tuy nhiên, để sử dụng phương thức này, thí sinh cần lưu ý phải sử dụng tài khoản cá nhân của mình đã được cấp khi đăng ký dự thi.

“Cần hết sức lưu ý đến số chứng minh thư nhân dân và số điện thoại của các em. Bởi trong quá trình đăng ký xét tuyển trực tuyến, các thí sinh sẽ nhận được một mã xác thực được gửi đến số điện thoại của mình”, ông Trinh đưa lời khuyên.

Trên màn hình đăng ký tuyển sinh hiển thị danh sách các nguyện vọng thí sinh đã đăng ký và thông tin về trạng thái đăng ký. Nếu trạng thái đăng ký là “đăng ký thành công”, đăng ký của thí sinh đã được đưa vào hệ thống dữ liệu.

Ngoài ra, ông Trinh cũng lưu ý, trong quá trình đăng ký xét tuyển trực tuyến, khi có kết quả trả về, các thí sinh hãy in ra và giữ lấy mẫu xác nhận rằng đã đăng ký thành công.

“Tất cả các dữ liệu đăng ký xét tuyển của các em sẽ được phần mềm quản lý để đảm bảo rằng các thí sinh trong toàn hệ thống, không thể đăng ký vượt quá chỉ tiêu quy định. Dù các em có sử dụng nhiều hình thức đăng ký xét tuyển khác nhau thì cuối cùng phần mềm cũng quản lý được”, ông Trinh nhắn nhủ.

Vì vậy, thí sinh hãy cân nhắc thật kỹ nhu cầu, điểm thi để chọn hình thức đăng ký xét tuyển và các ngành nghề phù hợp với mình.


Để bảo đảm thông suốt cách thức này, từ 28/7, Bộ GD-ĐT sẽ mở trang đăng ký xét tuyển trực tuyến để các thí sinh tập duyệt, dùng thử. Thông tin đăng ký thử này sẽ được hệ thống xóa sau khi kết thúc thời gian đăng ký thử.

“Trong quá trình này, các em sẽ vận hành và gửi những phản hồi để Bộ GDĐT có điều chỉnh nếu cần thiết trước khi đưa vào sử dụng vào ngày 1/8 tới”, ông Trinh nói.

Trước đó, Bộ GDĐT đã cho chạy thử nghiệm ở 3 tỉnh Điện Biên, Cà Mau và Tây Nguyên. Quá trình thử nghiệm cho thấy, hệ thống vận hành ổn định và sẵn sàng. “Tuy nhiên, Bộ GDĐT sẽ không chủ quan mà tiếp tục xem xét các yếu tố khác nữa để bảo đảm khi vận hành chính thức được thông suốt”, ông Trinh cho hay.

Lưu ý:

– Để đảm bảo quyền lợi, giảm rủi ro cho thí sinh. Đăng ký trực tuyến sẽ kết thúc sớm hơn so với các phương thức ĐKXT khác 01 ngày. Nếu sau thời gian kết thúc đăng ký trực tuyến, thí sinh nào chưa đăng ký được cần đăng ký xét tuyển theo đường bưu điện (thời hạn nộp sẽ tính theo dấu bưu điện) hoặc trực tiếp tại trường (nếu trường có sử dụng phương thức tiếp nhận ĐKXT này);

– Theo quy định, đợt 1 thí sinh chỉ được phép đăng ký tối đa 2 trường, các đợt bổ sung được đăng ký tối đa 3 trường. Thí sinh cần tuân thủ nghiêm quy định này, Nếu nộp vào nhiều hơn 2 (hoặc 3 trường ở đợt bổ sung) hệ thống chỉ nhận 2 (hoặc 3 trường) bất kỳ trong số trường thí sinh đăng ký, như vậy thí sinh sẽ mất quyền tự lựa chọn trường. Hơn nữa, có thể mất phí mà không thể đăng ký trực tuyến (do hệ thống rà soát thấy số lượng trường đăng ký đã vượt mức quy định).

– Ngoài các bước chính liệt kê ở trên, sau mỗi bước mà thí sinh có thể mắc lỗi, hệ thống sẽ đưa ra các cảnh báo. Thí sinh cần đọc kỹ các cảnh bảo này và khi đã yên tâm với lựa chọn của mình mới xác nhận để thực hiện bước tiếp theo.

(Theo: Giaoduc/VNN)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục