Chỉ với một cú click chuột, các lệnh mua bán vàng, cà phê, gạo… hay các loại ngoại tệ đã nhập thẳng ở nước ngoài. Bất chấp hình thức kinh doanh tài khoản chưa được phép thực hiện tại VN, nhiều người vẫn mải miết “lướt sàn” kinh doanh xuyên biên giới. (Suốt cả ngày đêm, một NĐT quay cuồng với các diễn biến của thị trường ngoại hối xuyên quốc gia – Ảnh: Đ.N.T)
– Làm thế nào trở thành tỷ phú?
– Thu nhập 200 trăm triệu mỗi tháng vẫn nghèo
VN chưa chấp nhận các hoạt động đầu tư này, tuy nhiên với internet, các sàn ngoại tệ xuyên biên giới vẫn đang cuốn hút các nhà đầu tư (NĐT) quay cuồng theo lực hút của lợi nhuận, bất chấp rủi ro. Tại TP.HCM, hiện cũng không ít NĐT “đánh” thêm các loại bạc, dầu… Các loại giao dịch này cũng có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao nên hấp dẫn NĐT. Tuy nhiên nếu yếu vốn, thiếu kiến thức thì hầu như cầm chắc thua lỗ.
Học tài chính, chuyên ngành phân tích kỹ thuật nhưng với công việc văn phòng khá nhàn, Dương (ở Q.5, TP.HCM) quyết định tham gia vào thị trường mua bán ngoại tệ trên mạng. Ban ngày, Dương lo việc công ty và đọc các thông tin liên quan tác động đến ngoại tệ rồi phân tích, nhận định xu hướng, chuẩn bị mọi thứ. Tối đến, Dương trở thành một NĐT ngoại tệ, quay cuồng với các lệnh mua bán các cặp ngoại tệ khác nhau.
Chỉ cần bỏ ra một số vốn nhỏ ký quỹ nhưng có thể giao dịch một khối lượng lớn gấp 100, 200, 500 lần. Khối lượng của ngoại tệ được tính theo lot. NĐT chọn tài khoản mini có thể giao dịch khối lượng từ 0,01 – 8 lot, chọn tài khoản standard (tài khoản chuẩn) để mua bán từ 0,1 – 8 lot. Thị trường ngoại hối giao dịch vài chục cặp ngoại tệ khác nhau và quy ước quy đổi dựa vào đồng tiền nào đứng trước, kể cả số tiền ký quỹ. Chẳng hạn cặp EUR/USD có khối lượng 1 lot, tương đương 100.000 EUR, cặp AUD/USD 1 lot là 100.000 AUD… Các lệnh giao dịch của NĐT thực hiện ngay thông qua lệnh “Bid – Ask”.
Vừa trao đổi, Dương vừa mở máy tính xách tay, truy cập vào tài khoản, xem biểu đồ “nến” (mỗi cây nến biểu hiện sự tăng giảm trong 5 phút, 15 phút, 30 phút, 1 giờ, 1 ngày, 1 tuần…).
Lúc 12 giờ 30 ngày 22.10, biểu đồ nến của cặp ngoại tệ USD/JPY trong xu hướng giảm. Dương vào lệnh bán 6 lot (tương đương 600.000 USD) giá 81,123. Chừng 30 phút sau, giá cặp ngoại tệ này giảm về 81,096, tài khoản ghi lời khoảng 270 USD.
Nhìn lại “nhật ký” giao dịch của Dương tối 21.10, chúng tôi thấy Dương bán cặp ngoại tệ EUR/USD, ký quỹ 1.200 EUR với khối lượng 6 lot giá 1,3990. Đến 4 giờ sáng ngày 22.10, Dương tất toán tài khoản này ở mức giá 1,319, lời 4.800 EUR.
“Khi phiên Mỹ vào (giờ VN khoảng 19 giờ 30), Mỹ công bố các thông tin về tỷ lệ thất nghiệp trong tuần ở mức cao, niềm tin tiêu dùng châu Âu và chỉ số sản xuất của một bang tại Mỹ kém lạc quan. Chứng khoán Mỹ bị tác động, giảm mạnh, USD tăng. Đồng thời nhìn kỹ thuật thấy giá cặp EUR/USD giảm nên em quyết định vào lệnh bán”, Dương giải thích.
Tuy nhiên không phải lệnh nào cũng thu lại lợi nhuận. Dương kể, hồi đầu tháng 10, Dương vào lệnh mua cặp AUD/USD, ký quỹ 1.600 AUD, mua khối lượng 8 lot, giá 0,9902. Qua ngày 8.10, giá của cặp này giảm về 0,9739. Thấy số lỗ chiếm 1/3 số vốn đầu tư trong tài khoản, Dương quyết định không “nuôi” trạng thái mà thực hiện cắt lỗ ở mức 13.000 AUD. Qua ngày 9.10, giá của cặp ngoại tệ này lên lại 0,9902. Dương bảo: “Khi hệ thống thể hiện phần tài sản Equity bằng 0 thì hệ thống sẽ tự tất toán tài khoản đó”.
Dễ như mua bán rau
Dương nói: “Việc mở tài khoản và mua bán các loại ngoại tệ ở nước ngoài dễ như đi mua bó rau muống vậy. Vấn đề là mình có đủ vốn và tinh thần để theo thị trường hay không mà thôi”.
Đối với những người biết tiếng Anh, việc mở tài khoản ra thẳng nước ngoài thông qua các sàn ngoại tệ (Forex) như Fxpro, Easy-forex… trực tuyến trên website. Còn không thì các sàn trong nước như Hồng Hối, Kim Thiệu, GCI… cũng cung cấp các giao dịch về ngoại tệ này.
Thị trường Forex thế giới rất lớn. Khoảng 4.700 ngân hàng trung tâm và thương mại, các tổ chức đa quốc gia, các sàn thương mại, các nhà buôn… tham dự vào thị trường này hằng ngày nên khó có ai điều khiển được thị trường. Mức doanh thu trung bình một ngày vài ngàn tỉ USD. Các lệnh mua bán của NĐT phải thông qua công ty môi giới rồi mới lên các sàn giao dịch hàng hóa lớn. Các loại ngoại tệ thường xuyên được giao dịch là USD, EUR, bảng Anh, yen, franc…
Minh, một NĐT ngoại tệ tham gia thị trường với kinh nghiệm 7 năm nay, nói rằng thật ra các công ty này mở tài khoản tổng và NĐT đóng tiền vào tài khoản này. Các sàn ở nước ngoài không thu phí giao dịch như sàn ở VN mà họ chủ yếu cạnh tranh nhau qua chênh lệch giá mua bán. Chẳng hạn cặp EUR/USD khoảng 1,2 – 2,8 pips. Một ngày, một cặp ngoại tệ có thể đi vài trăm pip nên lời hay lỗ cũng rất nhanh (nếu tăng/giảm 200 pips, khối lượng 1 lot thì khoảng lời hay lỗ là 2.000 USD). Thị trường này liên tục chạy không nghỉ, 24/24 giờ.
Khi chúng tôi hỏi mở tài khoản ở nước ngoài thì việc rút tiền có khó khăn, Minh đảm bảo nếu NĐT cần rút thì chỉ trong vòng 15 phút sẽ có ngay tiền trong tài khoản.
Trong thời gian gần đây, các cặp tỷ giá chính có biến động khá lớn đã tạo ra cơ hội, nhưng cũng là rủi ro đối với những NĐT lướt sàn. Tháng 8.2010, đồng yen Nhật có lúc lên mức cao nhất trong 15 năm qua so với đồng USD, đồng franc Thụy Sĩ cũng tăng lên mức kỷ lục so với đồng EUR. Năm 2008, đồng EUR cũng từng nhảy lên mức cao kỷ lục so với đồng USD…
Những biến động ấy đòi hỏi NĐT ngoài việc phải biết phân tích kỹ thuật, còn phải rất am hiểu, luôn cập nhật kịp thời các diễn biến kinh tế tài chính thế giới mới hy vọng có lời, giảm thiểu rủi ro.
Theo (TNO)