Luôn có đủ thời gian cho mọi sở thích

“Một khi đã yêu thích một cái gì đó, chắc chắn bạn sẽ có thời gian dành cho nó” – Cao Xuân Việt Khương chẳng ở yên một chốn nào, cứ “bay nhảy”, từ chỗ một dịch giả sang người sáng tác truyện tranh, làm quảng cáo rồi lại làm nhiếp ảnh, làm phim…

Sáng tạo là thứ không bao giờ mòn cũ(Việt Khương – Ảnh nhân vật cung cấp)

Việt Khương vừa ra mắt bản dịch Kẻ trộm sách của Markus Zusak (Dtbooks và NXB Trẻ). Một bản dịch tốt, người đọc đều thấy thế. Nhưng điều thú vị hơn là người dịch một cuốn sách dày gần 600 trang với những nỗi đau đớn kinh hoàng về chiến tranh ấy lại chỉ vừa bước sang tuổi 23. “Sốc” hơn nữa là trước Kẻ trộm sách, gia tài dịch thuật của Khương đã hòm hòm với gần 100 cuốn đủ các thể loại, từ tiểu thuyết, sách dạy thành công, truyện ngắn, hồi ký…

Mỗi cuốn sách là một bộ phim

Việt Khương không đến với sách bằng những lý do lãng mạn và nghiêm trang như vì đam mê, muốn học hỏi… mà bởi một lý do rất “củ chuối” (theo đúng lời Khương) là vì… cần tiền. Cuốn sách Think and grow rich (Cách nghĩ để thành công) của Napoleon Hill chính là bản dịch đầu tiên đưa Khương đến với thế giới dịch thuật.

Năm đó Khương mới tròn 16 tuổi! Cầm trên tay cuốn sách dày dặn với những trang dịch của chính mình, Khương bắt đầu… mê nghề dịch, để từ đây hàng loạt cuốn sách nước ngoài như Ði ra từ bóng tối, Từ địa ngục trở về, Scooby Doo, Ðêm tối và ánh sáng… đã được chuyển ngữ qua giọng điệu trẻ trung, sắc sảo nhưng cũng không thiếu vốn sống của một dịch giả trẻ.

Ðiều làm khá nhiều người ngạc nhiên khi đọc Kẻ trộm sách qua bản dịch của Khương là vốn tiếng Việt của anh chàng rất phong phú, chuẩn xác đủ để người đọc cảm nhận được nỗi sợ hãi và sự cô đơn của con người trong bối cảnh của Thế chiến thứ 2. Một cuộc chiến thảm khốc trong chính nước Ðức qua cái nhìn của vị Thần Chết năng nổ và lắm suy tư, nên Kẻ trộm sách là một hương vị lạ đầy đau đớn về một cuộc chiến tranh tưởng đã xưa cũ với người đọc.

Chưa từng đi du học, chưa bao giờ đi học thêm tiếng Anh ở bất cứ đâu. “Bí quyết” học ngoại ngữ của anh chàng chỉ đơn giản là thích xem phim và nghe nhạc nước ngoài. Khương kể: “Nhiều khi nghe nhạc không hiểu họ hát gì, cứ nghe, vừa nghe vừa tra từ điển. Xem phim cũng thế, tôi thường xem một bộ phim không phụ đề 3-5 lần để có thể hiểu cách nói của họ trong mỗi hoàn cảnh. Chỉ vậy thôi”.

Mê phim đến thế nên mỗi bối cảnh diễn ra trong truyện đều được Khương đặt dưới “góc máy” của một nhà làm phim: có cận cảnh, trung cảnh, có hiệu ứng và như thể anh đang đứng giữa trường quay bằng tất cả sự quyết liệt của một đạo diễn.

Có lẽ chính vì sự quyết liệt đó mà sách Khương chọn dịch thường “quằn quại, đau đớn và đôi khi khiến tôi cảm thấy “quá sức” phải gấp ngay trang sách lại để nghỉ ngơi” – Khương chia sẻ. Lấy đi của anh khá nhiều tâm sức, nhưng nghề dịch thuật, với Khương, chỉ là một cái nghề hết sức khiêm tốn.

Bằng chứng là trong tất cả cuốn sách dịch của mình, Khương luôn yêu cầu nhà xuất bản không in tên mình lên bìa sách. Khương bảo mình chỉ là cây cầu giúp những người không rành ngoại ngữ có cơ hội đọc sách, hãy dịch sao để người ta có cảm giác đang được đọc văn của tác giả mình yêu thích chứ không phải của dịch giả.

Truyện tranh của Việt Khương

Chuyện về su hào, cà rốt và bí ngô!

Một trong những tài lẻ đáng chú ý của Việt Khương sau dịch sách có lẽ là viết và vẽ truyện tranh. Ai mà ngờ được một anh chàng “già trước tuổi” trong những trang dịch đau đáu lại có lúc… thiếu nhi hết cỡ với những bộ sách Bé và môi trường xanh, Những vần thơ của bé và sắp tới đây sẽ là bộ truyện Xứ sở rau củ với những su hào, cà rốt, bí ngô rất nghịch ngợm, đáng yêu.

Chính từ lúc bé tí đã thích đọc truyện tranh và mê vẽ mà Khương chọn Ðại học Kiến trúc làm nơi đi về của mình những năm tháng sinh viên. Rồi “đùng” một cái, chưa tốt nghiệp đã thấy Khương lui tới thường xuyên một công ty quảng cáo lớn tại Sài Gòn trong vai trò giám đốc mỹ thuật.

Một công việc khủng khiếp mà như Khương nói thì chẳng khác gì “đi bán máu”, vì “bạn sẽ phải thức dậy với 50 ý tưởng mỗi sáng và giường ngủ ban đêm sẽ là… sàn nhà của công ty”. Nhưng hấp lực của sự sáng tạo giống như thỏi nam châm cứ hút chặt lấy Khương.

Bằng đó việc vẫn chưa đủ nhiều, vì “túi thời gian” của Khương còn đủ chỗ cho sở thích làm phim (Khương là một trong những người tham gia nhóm làm phim cùng Ðỗ Ðăng Thường tại YxineFF 2010 vừa qua), vẫn còn chỗ để lang thang đi chụp ảnh mọi ngóc ngách của Sài Gòn. Khương bảo ghét nhất khi ai đó nói rằng bận quá không có thời gian làm cái này, cái kia, bởi: “Một khi đã yêu thích một cái gì đó, chắc chắn bạn sẽ có thời gian dành cho nó”.

Ngay khi Kẻ trộm sách vừa ra mắt, Khương đã bắt tay vào dịch cuốn The man who mistook his wife for a hat (tạm dịch – Người nhầm vợ mình với một cái mũ) của Oliver Sacks do NXB Nhã Nam đặt hàng: Câu chuyện kể về thế giới của những người bị mắc một căn bệnh lạ là không thể nhận diện được ai, thậm chí cả bản thân mình trước gương. Một cuốn sách khá “nặng” mà chính Khương cũng thừa nhận “dịch đôi khi muốn điên cùng nó”. Song song đó, hai tập truyện tranh vui nhộn dành cho thiếu nhi Xứ sở rau củ (NXB Kim Đồng) cũng sẽ được ra mắt như một cách Khương khẳng định tính chất “nhiều mặt” của mình.

Theo: (MINH TRANG/TTO)

Bài liên quan

Phát huy khả năng sẵn có

(hieuhoc_hieuhoc.com) Thay vì tự hỏi “Tôi có thông minh không, có tài năng không?”, bạn hãy hỏi mình “Tôi thông minh như thế nào, khả năng sẵn có của tôi mạnh ở phương diện gì?”.  

Ngộ nhận giữa bằng cấp và thành công.

(hieuhoc_hieuhoc.com) Những người không bằng cấp vẫn có thể thành công, những người không bằng cấp nhưng có thu nhập cao ngày càng nhiều. Tuy nhiên, giữa sự thành tựu học vấn và sự thành công đo bằng giá trị của đồng tiền có sự khác biệt dù cả hai đều phải “học” nếu muốn thành công. 

Cùng chuyên mục