Hơn 20 năm qua, dù mưa hay nắng cứ ngày hai buổi đều đặn, người thầy mang trong mình trọng bệnh vẫn lên lớp dạy cho những trẻ em nghèo mà không toán tính tiền bạc.
Người thầy vượt lên mọi nỗi đau “cõng” từng con chữ cho trẻ em nghèo đó là thầy giáo tật nguyền Lê Quốc Hưng (47 tuổi, ngụ ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Vượt lên nỗi đau tật nguyền
Về thôn Tuần Lễ hỏi thăm nhà thầy Hưng dạy học, ai ai cũng biết danh tiếng người thầy tật nguyền ấy. Nằm nép bên con đường nhỏ vào thôn Tuần Lễ, lớp học đơn đơn sơ của thầy giáo Hưng luôn rộn tiếng trẻ em trong xóm học bài. Hình ảnh người thầy đi lại tập tễnh, các khớp xương sống cứng như khúc củi không thể cử động nhưng vẫn đều đặn ngày 2 buổi, miệt mài chuyền con chữ cho trẻ em nghèo trong thôn.
Thấy có khách lạ, thầy Hưng ngưng giảng bài tâm sự: “Thời còn đi học tôi từng ấp ủ mơ ước thi vào Đại học Y Dược Huế để mai sau làm bác sỹ nhưng giấc mơ không thành vì tôi bệnh nặng. Không giúp gì được gia đình tôi nguyện đem cái chữ học được khi còn ngồi trên ghế nhà trường nguyện dạy chữ cho trẻ em trong xóm, thôn coi như giúp một chút công sức nhỏ cho các em”.
Đang say sưa trò chuyện, bỗng giọng thầy Hưng trầm xuống, đôi mắt sâu thẳm, rưng rưng thầy kể về quá khứ đau buồn: “Năm tôi lên lớp 10, mắt cá chân trái bị thâm tím và đau nhức. Sau đó, vết thương lan rộng và chuyển sang chân phải rồi lên đầu gối, hông, lên xương sống, đau buốt đến tận xương tủy. Dù đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng bệnh không những không giảm mà còn phát triển mạnh hơn. Chỉ sau mấy tháng phát bệnh, toàn bộ xương sống, xương khớp chân đều bị cứng, không thể cử động”.
Mãi về sau, Hưng mới biết mình bị bệnh viêm cột sống dính khớp vĩnh viễn không thể cứu chữa. Các đốt xương từ chân lên đến ngực cứng như một khúc gỗ khiến sinh hoạt của anh gặp nhiều khó khăn. Từ một người lành lặn bỗng thành vô dụng, quá thất vọng nhiều lần thầy Hưng định tự tử. Nhưng được gia đình, bạn bè chia sẻ động viên, Hưng mới tiếp tục sống.
Thời gian đầu, để quên đi cái đau đớn, Hưng tự tìm sách học rồi sau đó anh xin ra đình mở lớp học dạy cho trẻ em nghèo trong xóm lấy đó làm niềm vui cho những năm tháng của cuộc đời.
“Ông giáo tiên” của trẻ em nghèo
Bản thân mang trong mình bệnh tật, đành phải gác lại giấc mơ giảng đường, hàng ngày Hưng chỉ biết đọc sách để quên đi nỗi buồn và những cơn đau hành hạ. Nhìn trẻ em trong xóm nghèo lầm lũi chẳng có tiền học thêm, Hưng nghĩ mình phải làm một điều gì đó. Từ đó, anh bàn với gia đình xin mở lớp dạy trẻ, lớp học đặc biệt ra đời từ đó.
Thầy Hưng kể lại: “Lúc mới mở, lớp chỉ có vài em nhỏ nhưng càng về sau thấy mình dạy đơn giản, học sinh tiếp thu nhanh lại chẳng tốn tiền nên các em đến học ngày càng đông. Tuy mệt nhưng mình thấy vui vì đã giúp cho trẻ em quê mình có kiến thức cộng với kiến thức học từ nhà trường mai này làm ra đời làm người có ích cho xã hội”.
Lớp học của thầy Hưng thật đơn sơ chỉ một chiếc bàn lớn được đặt ngay giữa lớp học chỉ rộng khoảng 20m2, một chiếc bảng. Nhưng lớp học đơn sơ ấy đã đào tạo biết bao em học trò nơi quê nghèo được vào đại học, có em ra trường đi làm công việc ổn đình vẫn nhớ về người thầy tật nguyện nơi xóm nhỏ ấy.
Đang ngồi học bài dưới lớp học của thầy Hưng, em Nguyễn Thị Bích Lê – học sinh lớp 12 Trường THPT Tuy Phước chia sẻ: “Thầy Hưng thật tội, bản thân mang bệnh tật nhưng thầy luôn tận tình giảng dạy cho các em. Thời gian bị bệnh, thầy từ tìm sách học bây giờ, các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh từ chương trình lớp 1 đến lớp 12 thầy dạy rất giỏi. Thầy dạy dễ hiểu nên học sinh trong làng, nhiều thôn lân cận tìm đến học …”.
Ngoài ra, để bắt kịp với xu hướng giảng dạy theo chương trình mới, thầy Hưng nhờ học sinh mua sách để tham khảo, liên hệ với các sinh viên trong làng xin sách để tự nghiên cứu giúp cho bài giảng sinh động hơn.
Không chỉ vậy, ngoài dạy kiến thức trong sách vở giúp các em có nền tảng kiến thức vững chắc, thầy Hưng còn dạy cách làm người, dạy các em biết yêu thương, chia sẻ. Tiếng thơm vang xa, đến nay lớp học của thầy Hưng lúc nào cũng có 15 – 20 em đến xin thầy học.
Nói về tấm lòng của thầy Hưng, chị Hương – một người dân trong xóm bộc bạch “Bản thân thầy bệnh tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mặc dù thầy không nhận tiền của học sinh nhưng phụ huynh của những học trò có điều kiện vẫn dành tiền hay tết nhất có chút quà gọi là để giúp đỡ thầy”.
Khi được hỏi thầy, bệnh tật sao không nghỉ ngơi, thầy Hưng tâm sự: “Bản thân tôi không được may mắn như người bình thường phải gác lại ước mơ. Còn các em quê mình còn nghèo, các em có ước mơ, có hoài bão nên chừng nào tôi còn có thể đứng dậy được, tôi còn dạy cho các em. Đối với tôi hạnh phúc nhất là được dạy và được ở bên học trò”.
Nguồn: dân trí